Lợi ích kép từ phong trào “Thu gom rác gây quỹ” của thanh niên

(CTG) Trong khi các địa phương chưa có nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh thì lượng rác thải sinh hoạt vẫn tăng lên từng ngày gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Với sự sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian gần đây, nhiều mô hình “thu gom, phân loại rác gây quỹ” do đoàn viên, thành niên triển khai trên cả nước không chỉ nâng cao hiểu biết của người dân về giá trị của phân loại rác mà còn có thể tạo ra nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động khác.

Chi đoàn thôn Nhật Tân, xã Thiện Kế (Sơn Dương) thu gom rác thải.

Lợi ích kép từ phong trào “Thu gom rác gây quỹ”

Thôn Nhật Tân xã Thiện Kế (Sơn Dương) với 60 hộ dân sinh sống, trong khi đó thôn chỉ có một bể chứa rác do Ban công tác Mặt trận thôn quản lý. Vì vậy, việc xử lý rác thải chủ yếu là người dân tự bán cho cơ sở thu gom phế liệu. Nhận thức được đoàn thanh niên là lực lượng quan trọng tham gia công tác bảo vệ môi trường, Chi đoàn thôn đã thống nhất từ tháng 1-2022, xây dựng mô hình “Thu gom, phân loại xử lý rác thải” gây quỹ chi đoàn, với sự tham gia của 15 thành viên là đoàn viên thanh niên của thôn. Để thực hiện mô hình, từng thành viên trong chi đoàn đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân tự nguyện thu gom rác thải, rác thải tái chế được như: vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa cát tông... phân loại và tập hợp tại mỗi hộ gia đình. Mỗi tháng các thành viên sẽ tổ chức 2 buổi vào ngày 15 và ngày cuối tháng đi đến từng hộ gia đình thu gom và phân loại mang đi bán. Số tiền thu được sẽ cho vào quỹ để tổ chức các hoạt động của đoàn và thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Anh Phùng Ngọc Khanh chia sẻ, từ khi có mô hình “Thu gom, phân loại xử lý rác thải” của Chi đoàn thôn, gia đình anh đã nâng cao nhận thức về chất thải nhựa và túi ni lông, giảm dần sử dụng các vật dụng bằng nhựa trong sinh hoạt. Đồng thời tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tuy mô hình mới, nhưng Chi đoàn thôn đã tổ chức 10 đợt thu gom trên 4 tấn rác tái chế. Chi đoàn đã bán và tích lũy được hơn 3 triệu đồng, nâng tổng số tiền quỹ chi đoàn đến nay được hơn 23 triệu đồng. Số tiền này sẽ chi cho những hoạt động giúp đỡ hộ đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà các em học sinh thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu; tặng quà cho hộ gia đình chính sách nhân ngày Thương binh liệt sỹ, ngày Tết cổ truyền, thăm hỏi đoàn viên lúc ốm đau, khó khăn... Theo đồng chí Hoàng Thanh Trì, Bí thư Đoàn xã, mô hình “Thu gom, phân loại xử lý rác thải” này mang lại nhiều lợi ích thiết thực từ việc tận dụng phế liệu tái chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tải cho công tác xử lý rác thải tại địa phương. Đồng thời tận dụng các nguyên vật liệu cũ để tái chế thành các sản phẩm có giá trị thay thế, hạn chế xả rác thải ra môi trường. Thời gian tới, Đoàn xã sẽ triển khai và nhân rộng mô hình này tới các chi đoàn toàn xã để góp phần thực hiện hiệu quả phong trào bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Lan tỏa giá trị bảo vệ môi trường

Với những ý nghĩa thiết thực này, mô hình “Thu gom rác gây quỹ” không chỉ dừng lại tại tỉnh Tuyên Quang mà còn xuất hiện tại nhiều địa phương khác trên cả nước trong nhiều năm qua.

Nhằm nâng cao nhận thức cho Đoàn viên, Thanh thiếu niên nhi đồng về bảo vệ môi trường xung quanh nơi mình sinh sống, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời gây quỹ tình nguyện ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các học sinh nghèo vượt khó học tập, năm 2020, Đoàn thanh niên xã Văn Bình huyện Thường Tín, Hà Nội đã phối hợp với các Liên đội khối trường học trên địa bàn xã tổ chức chương trình “Gom ve chai – Gây quỹ từ thiện”. Tại chương trình, các đoàn viên thanh niên đã chia thành từng đoàn đến từng hộ gia đình trên địa bàn xã thu gom phế liệu, sau đó chuyển về nơi tập trung và phân ra từng loại…

CLB Công tác xã hội Đoàn trường THPT Ea H’leo chuẩn bị đi tặng quà cho các em nhỏ vùng sâu

Hay với trường THPT Ea H’leo (Đắk Lắk), Từ năm học 2021 - 2022, học sinh của trường quen thuộc với một chiếc lồng sắt lớn đặt tại hành lang ra vào căn tin của trường, đính bên trên là khẩu hiệu: “Vỏ lon, chai nhựa của các bạn là nguồn quỹ hoạt động của câu lạc bộ chúng mình”. Chiếc lồng sắt do câu lạc bộ (CLB) Công tác xã hội thuộc Đoàn trường thiết kế nhằm thu gom vỏ lon, chai nhựa đựng thực phẩm bỏ đi sau khi ăn uống. Bên cạnh đó, mỗi phòng học còn có một thùng nhựa kèm lời kêu gọi “Giấy vụn của các bạn là nguồn quỹ hoạt động của CLB chúng mình” để nhận giấy nháp, sách vở cũ… của học sinh sau khi sử dụng.

Em Trần Nhật Quang, chủ nhiệm CLB Công tác xã hội Trường THPT Ea H'leo, cho biết khi lồng sắt đầy lon, vỏ chai, các thùng đầy giấy, CLB sẽ thu gom để bán phế liệu, lấy tiền góp vào quỹ hỗ trợ HS khó khăn của trường, tặng quà các em nhỏ vùng sâu. Ngoài ra, trong năm học 2022 – 2023, CLB đã triển khai thêm hoạt động thu gom rác thải điện tử của học sinh trong trường để góp phần bảo vệ môi trường và tái sử dụng thiết bị còn dùng được, gửi đến giúp những bạn học khó khăn.

Qua những kết quả đã đạt được, sáng kiến mô hình “thu gom rác gây quỹ” hay còn được gọi là mô hình “biến rác thải thành quà tặng” của đoàn viên, thanh niên các cấp được đánh giá là một cách làm đơn giản và bổ ích, thiết thực, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, vừa giáo dục ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng và chung tay bảo vệ môi trường sống.

CTG