Lớp học của tình yêu thương

(CTG) Mỗi tối thứ hai và thứ năm hằng tuần, sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Đà Lạt lại đến Hội Người mù và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn các em khiếm thị và mồ côi học tập.

 

Sinh viên đọc cho học sinh khiếm thị viết bài. LÂM VIÊN

Anh Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Đà Lạt, Chủ tịch Hội Sinh viên (SV) Trường ĐH Đà Lạt, cho biết hiện có 30 bạn SV tình nguyện thường xuyên đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng (P.8, TP.Đà Lạt) và Hội Người mù (số 2 Trần Quang Diệu, P.10, TP.Đà Lạt) để dạy kèm cho các em.

SV Hồ Thị Nhung, Khoa Quản trị kinh doanh, thổ lộ khi tham gia Câu lạc bộ SV tình nguyện, cứ tò mò muốn biết các em khiếm thị học thế nào nên xung phong vào nhóm Sao Ánh Dương để giúp các em ở Hội Người mù. Còn SV Nguyễn Thị Lý, Khoa Quốc tế học, chia sẻ: “Sau các buổi học chiều thứ hai và thứ năm, nhóm SV tình nguyện tập trung tại sân trường, rồi cùng đi bộ hơn 7 km để đến Hội Người mù dạy cho các em khiếm thị”.

Các em thuộc nhiều độ tuổi, nên được chia theo nhóm tiểu học, THCS, THPT để dễ kèm cặp. Lý cho biết thêm tại Hội Người mù không có phòng học, không có bảng, SV tình nguyện hướng dẫn các em học tập ngay tại nhà bếp. Tại đây, có em lớn tuổi không còn được đến trường nhưng đam mê tiếng Anh và đã được các SV tình nguyện nhiệt tình chỉ dạy.

Sau 6 tháng gắn bó với việc dạy học cho học sinh khiếm thị và mồ côi, bạn Vương Thị Thanh Hiền, Khoa Quản trị du lịch, cho biết: “Với các em khiếm thị, việc dạy học vất vả hơn, SV đọc bài tập để các em viết chữ nổi, sau đó mới giải nghĩa để các em làm bài. Sau đó, phải nhờ một bạn lớp lớn hơn dò lại chữ nổi xem viết có đúng không…”. Hiền thổ lộ, dù vất vả nhưng khi thấy các em tiếp thu bài tốt, bản thân cảm thấy vui, quên hết mệt nhọc.

Với các em ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, được gọi là nhóm Ngôi Sao Xanh, thì việc dạy và học vui vẻ, sôi nổi hơn vì các em đều sáng mắt, dễ dàng tiếp thu bài học. Các em được SV tình nguyện kèm cặp tất cả môn học, bất kể cấp học nào. Hiền cho biết có những em rất nghịch, có em lại tự ti nên các SV tình nguyện phải tìm hiểu hoàn cảnh để thấu hiểu và chia sẻ, nhờ đó các em mở lòng, ngoan hơn, mạnh dạn thổ lộ và học tập tiến bộ hơn. Các SV tình nguyện đều mong muốn được gắn bó, giúp đỡ các em khiếm thị và các em mồ côi tại Trung tâm bảo trợ xã hội trong những năm còn lại.

Anh Phan Tuấn Anh cho biết 2 lớp học tình thương đặc biệt này được Đoàn trường duy trì nhiều năm nay. Trong Tháng Thanh niên 2019, ngoài việc dạy học, các SV còn tổ chức nhiều sân chơi, sinh hoạt và tặng quà cho học sinh 2 lớp học tình thương.

“Mình vẫn thường động viên SV hãy tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, hãy sống một thời tuổi trẻ sôi nổi, cống hiến và rèn luyện bản thân, để khi thanh xuân qua đi, nhìn lại vẫn thấy tự hào về tuổi đôi mươi”, Tuấn Anh nói.

Theo TN