Người thầy ấy là Lê Tấn Phát (26 tuổi), giáo viên Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Vì tình yêu với công việc đứng lớp nên ngoài những lúc đi dạy ở trường, dù bận rộn, không có ngày nghỉ nhưng hằng tuần thầy Phát vẫn dành thời gian cho 2 lớp học đặc biệt của mình.
Dạy học trò đến quên ăn
Lớp học miễn phí ở điểm sinh hoạt văn hóa KP.2, P.6, Q.4 (TP.HCM). Nơi đây là phòng học của con em công nhân các xóm trọ gần đó.Hôm chúng tôi đến, đã tới giờ học nhưng không thấy thầy đâu nên lũ trẻ ra trước ngõ ngồi đợi. Sau khoảng 10 phút, người thầy trẻ với vóc dáng nhỏ nhắn vội vàng vào lớp. "Xin lỗi mấy em vì kẹt xe nên thầy đến trễ", thầy Phát vừa đi vừa nói. Hỏi ra mới biết thầy vừa hết giờ dạy ở trường rồi vội vàng di chuyển bằng 2 chuyến xe buýt sang đây, nhưng vì kẹt xe nên đến lớp trễ vài phút.
"Dạy xong ở trường là mình chạy qua đây liền. Lúc nãy đi xe buýt, tranh thủ ngồi ăn vội ổ bánh mì mà cũng chỉ kịp ăn được một nửa", thầy Phát nói. Dù mệt mỏi là thế nhưng trên gương mặt của thầy vẫn luôn nở nụ cười và nhiệt tình trả lời những thắc mắc của các học trò.
Gọi là lớp học cho sang, nhưng thật ra đây vốn là nơi sinh hoạt văn hóa được khu phố cho mượn. Không bảng đen hay bục giảng, chỉ có vài chiếc bàn, cái ghế để mấy thầy trò cùng nhau học. Nhưng với thầy Phát được như vậy là tốt lắm rồi. "Ba mẹ bọn trẻ đều đầu tắt mặt tối để mưu sinh, không có thời gian để theo sát việc học của con. Cho nên mỗi tuần mình dành một chút thời gian đến đây giúp các em", thầy chia sẻ.
Lớp học chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 em nhưng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có em lớp 4, lớp 5 nhưng cũng có em chỉ mới học lớp 2. Do vậy, việc phân bổ thời gian, kiến thức đến các em sao cho hợp lý cũng khá khó khăn với thầy giáo trẻ. "Mình phải soạn bài giảng cho phù hợp với tất cả các em. Như toán thì ra cho mỗi em một đề riêng, còn chính tả thì cân nhắc chọn một đoạn phù hợp để tất cả đọc chung", thầy Phát nói.
Tạm gác lại những niềm vui cá nhân
Ngoài lớp học ở đây, thầy Phát còn duy trì một lớp ở Q.7 (TP.HCM) từ năm 2021 đến nay. Nói về cơ duyên đến với lớp học 0 đồng, thầy nhớ lại: "Vào năm 2021, lúc đó vì dịch Covid-19 mình không về quê được nên ở lại TP.HCM rồi tình cờ biết đến chương trình Gia sư áo xanh. Mình đăng ký tham gia vì bản thân xuất phát từ sinh viên sư phạm nên một phần do yêu nghề, hơn nữa là thấy chương trình ý nghĩa. Ban đầu mình chỉ định tham gia vài tháng thôi nhưng chắc vì cái duyên nên gắn bó đến bây giờ".
Với thầy Phát những cuộc hẹn cà phê, đi chơi hay tụ tập bạn bè là điều rất xa xỉ. Dù vậy nhưng chưa bao giờ thầy nghĩ đến việc đóng cửa lớp học. "Bản thân ráng cố gắng một chút mà giúp được các em tiến bộ hơn thì mình cũng thấy vui rồi. Trước đây khi đi học mình cũng được hỗ trợ nhiều về vấn đề học phí nên bây giờ muốn làm điều gì đó để trả ơn cho đời", thầy bày tỏ.
Vì hết lòng, tận tâm với các em nên thầy Phát rất được các phụ huynh quý mến. Chị Nguyễn Minh Nguyệt (30 tuổi), ngụ Q.7, phụ huynh của em Trương Thị Như Ý, chia sẻ: "Con tôi học với thầy Phát mấy tháng rồi. Tôi làm công nhân, cả nhà lại đang ở trọ, kinh tế khó khăn, mà mình cũng bận không có thời gian chỉ con học nên khi có thầy Phát giúp tôi mừng lắm. Thầy rất tốt và nhiệt tình, từ khi học ở đây con tôi tiến bộ thấy rõ".
Gắn bó với thầy Phát từ lúc mới bắt đầu lớp học đến bây giờ, Lưu Khả Uyên, học sinh lớp 5, chia sẻ em học ở đây rất tốt, thầy Phát chỉ bài dễ hiểu và nhiệt tình. "Bình thường ở nhà có bài gì không hiểu thì em hay hỏi mẹ nhưng vì bận nên thỉnh thoảng mẹ mới chỉ được. Từ khi học với thầy Phát, bài gì không hiểu là em hỏi ngay", Uyên nói.
Với thầy Phát, khi nhìn thấy các em tiến bộ trong học tập, lễ phép trong ứng xử là điều hạnh phúc nhất. "Mọi mệt mỏi dường như không còn là lý do để mình nghĩ đến việc dừng lại nữa", thầy giáo trẻ cười và nói.
Theo TN