Ly hôn ở giới trẻ ngày nay và những hệ lụy đi kèm

(CTG) Ly hôn do chung sống không hợp đã trở thành chuyện “cơm bữa” trong xã hội hiện đại, đặc biệt là khi đi tới đâu, người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện buồn của cuộc sống vợ chồng. Ở Việt Nam tỷ lệ ly hôn không những tăng cao, mà quãng thời gian từ khi kết hôn đến khi ly hôn càng bị rút ngắn lại. Tỷ lệ ly hôn cao sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tuy nhiên hệ lụy lớn nhất và trực tiếp nhất là ảnh hưởng đến những thế hệ mầm non tương lai.

 

Trước thực trạng này, trong khuôn khổ hoạt động tuyên truyền về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020; ngày 29/9/2020, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề “Thực trạng hôn nhân ở Việt Nam và thế giới: Nguyên nhân tỷ lệ ly hôn ở gia đình trẻ tăng cao?”.

Các chuyên gia, khách mời tham gia buổi giao lưu.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Thẩm phán Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; Thạc sĩ Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên, Trưởng khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chương tình được Livestream trực tiếp trên Fanpage Cổng thông tin Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Cổng tri thức Thánh Gióng, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn. Chương trình sẽ góp phần phân tích về thực trạng ly hôn cũng như chia sẻ những bí quyết giúp các vợ chồng trẻ gìn giữ mái ấm, tránh đi đến bờ vực hôn nhân đổ vỡ.

Tỷ lệ ly hôn tăng lên ở gia đình trẻ

Thạc sĩ Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) (bên phải) chia sẻ tại buổi giao lưu.

Khi được hỏi về đánh giá thực trạng tỷ lệ ly hôn ở gia đình trẻ hiện nay và lý giải nguyên nhân, thạc sĩ Lê Thị Lan Phương (UN Women) cho biết: Trong khảo sát hộ gia đình của năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy: tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng lên từ 1,4% lên 2,1%).

Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.

Theo chị Lan Phương, nguyên nhân hàng đầu trong ly hôn, theo đánh giá và thông qua các cuộc điện thoại tư vấn thì cặp bồ, ngoại tình là nguyên nhân hàng đầu. Nguyên nhân thứ hai là do bạo lực gia đình. Và có một số những mâu thuẫn khác như mẹ chồng nàng dâu.

Ở Việt Nam chưa thống kê cụ thể ly hôn ở thanh niên, nhưng ở Anh thì có 42% các vụ ly hôn xảy ra trong độ tuổi thanh niên (dưới 35 tuổi). Trong số các vụ ly hôn đó có hơn 50% là do người phụ nữ đứng đơn.

Năm 2019, UN Women có nghiên cứu toàn cầu về vấn đề gia đình. Ngày nay, người phụ nữ đã có nhiều sự thay đổi như: tự chủ về kinh tế, bình đẳng giới, được tham gia vào các công việc nhiều hơn… Trong khi đó vấn đề chia sẻ công việc nhà thì không có sự thay đổi, chính vì vậy người phụ nữ sẽ có sự lựa chọn nhiều hơn.

Cũng theo chị Lan Phương “giai đình bao gồm cả sự yêu thương, đoàn kết và chứa đựng những mâu thuẫn. Đỉnh cao của sự mâu thuẫn là bạo lực gia đình”. Ở Việt Nam có 63% phụ nữ kết hôn đã trải qua vấn đề bạo lực gia đình.

Cùng chia sẻ về chủ đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Thẩm phán Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, nhận định: "Những gia đình vượt qua được giai đoạn từ 5 đến 7 năm đầu thì giai đoạn sau sẽ bền vững hơn. Trên thực thế, có nhiều bạn trẻ vì tìm hiểu nhau chưa kĩ, chưa chuẩn bị hành trang cho cuộc hôn nhân nên dẫn đến tỷ lệ ly hôn sớm ngày một tăng".

Cũng theo bà Huyền, theo thống kê, chỉ tính riêng tại Hà Nội trong năm 2018, đã có hơn 16 ngàn vụ án ly hôn (ở 30 quận, huyện). Đến năm 2019, số lượng không những không giảm mà còn tăng thêm 1000 vụ ly hôn. 

Bà Huyên khuyên các bạn trẻ, trước khi quyết định đi đến quyết định kết hôn thì cần chuẩn bị đủ hành trang cho cuộc hôn nhân như: tìm hiểu kĩ về bạn đời, chuẩn bị về kinh tế, chuẩn bị tâm lý gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình...

Ông Nguyễn Duy Nhiên và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ tại buổi giao lưu.

Hệ lụy của "dễ cưới, dễ bỏ"

Theo TS. Nguyễn Duy Nhiên, thực trạng ly hôn ở Việt Nam hiện nay đang gia tăng và đáng báo động. Có rất nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, ngày nay, giới trẻ chưa định vị một cách chính xác về hôn nhân. Có thể các bạn trẻ đang đơn giản hóa việc hôn nhân, đơn giản hóa trong việc kết hôn sẽ dẫn đến đơn giản trong việc ly hôn. “Các bạn trẻ ngày nay gặp nhau trong một buổi đi chơi, cảm mến nhau… nhận định đó là định mệnh của đời mình sẽ đi đến quyết định kết hôn rất nhanh”.

Chuyên gia cũng cho biết thêm, theo thống kê có khoảng 70% đơn ly hôn do phụ nữ đứng tên. Sự chịu đựng trong một thời gian dài và quan niệm dễ cưới, dễ bỏ khiến tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao. Đối với nhiều cặp đôi trẻ, việc “ly hôn nhanh” cũng khá phổ biến. Thiếu những kỹ năng quan trọng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, yêu sớm, cưới vội cũng là một nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng của tỷ lệ này.

Từ quan niệm dễ cưới, dễ bỏ của giới trẻ ngày nay khiến tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao. Đối với nhiều cặp đôi trẻ, việc ly hôn nhanh cũng khá phổ biến. Chị Lan Phương cho biết: "Gánh nặng, sự tổn thương do ly hôn mang lại cho phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Có người ám ảnh, cay đắng cả đời, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Ngoài những tổn thương, mất niềm tin, bị xúc phạm, khó khăn khi phải bươn chải nuôi con, phụ nữ còn phải vượt qua rất nhiều định kiến của xã hội đối với một người đàn bà ly hôn".

Cũng theo các chuyên gia, không ít người cho rằng, phụ nữ “không ra gì” thì chồng mới ruồng rẫy. Những người không có điều kiện nuôi con, phải nuốt nước mắt để con ở lại cho chồng nuôi còn bị mang tiếng bỏ con, bị lên án, đánh giá về nhân cách. Đây cũng là rào cản khiến phụ nữ thiếu tự tin, sống lệ thuộc, không biết yêu thương bản thân.

Trong khuôn khổ hoạt động tuyên truyền về xây dựng gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổ chức hai chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề "Quan niệm về tình yêu, hôn nhân và kỹ năng gìn giữ tổ ấm gia đình cho các cặp gia đình trẻ" vào 14h ngày 6/10/2020 và "Ứng xử trong gia đình nhiều thế hệ: Làm thế nào để vẹn cả đôi đường?" vào 14h ngày 18/10/2020.

Chương trình sẽ được livestream trên fanpage Cổng thông tin Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, fanpage Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, Cổng tri thức Thánh Gióng.

Ngay từ bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi nhận tư vấn giao lưu của các chuyên gia trong chương trình tại đây.

Anh Kiệt