Ngày 16/10, hội thảo trực tuyến “Sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số - Cơ hội cho Việt Nam” đã diễn ra dưới sự phối hợp của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện hướng về Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến và có sự tham gia của các trí thức trẻ trong và ngoài nước. |
Tầm quan trọng của chuyển đổi số
Tri thức là một loại hàng hoá đặc biệt. Trong những năm gần đây, chuyển đổi số và kinh tế tri thức là một nội dung cần được quan tâm. Theo đó, sở hữu trí tuệ (IP - Intellectual Property) ở cả góc độ pháp lý và ở góc độ văn hoá xử sự chung cần được đưa vào triển khai ứng dụng trong thực tế, để IP thực sự là một chìa khoá khơi thông hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với thương mại, kinh doanh trên nền tảng số nói riêng.
Để làm rõ thêm điều này, hội thảo được đề xuất nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia đóng góp tâm huyết và trí tuệ của toàn thể cộng đồng, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.
Từ đó, hội thảo cũng kỳ vọng đề xuất được một số giải pháp nhằm tận dụng tốt nguồn lực trí thức trẻ được tào tạo bài bản trong và ngoài nước nhằm giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ chuyển đổi số trên thế giới, đặc biệt là việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ chiến lược để khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số quốc gia.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Trọng Hải, Nhà sáng lập Hspace đã chỉ ra những tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế và ảnh hưởng của bối cảnh bình thường mới lên chuyển đổi số. Theo đó, theo số liệu từ công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, 80% khách hàng chuyển sang các kênh mua sắm online trong và sau đại dịch. Các doanh nghiệp cũng phải tận dụng chuyển đổi số để thay đổi các phương thức tiếp cận khách hàng và quản lý sản phẩm.
Bàn luận về xu hướng công nghệ hiện nay, TS. Tràng Nguyễn, CEO của HUEPRESS JSC, cho rằng, các hoạt động đầu tư cho công nghệ cần diễn ra thường xuyên và rộng rãi hơn, đồng thời kết hợp đa dạng theo mô hình nước ngoài. TS. Tràng Nguyễn nhấn mạnh, khởi nghiệp công nghệ cần tự tạo ra khác biệt trong công nghệ, sản phẩm, và phân khúc thị trường. Để bắt kịp với xu hướng thế giới, chúng ta cần học hỏi mô hình đầu tư và hỗ trợ quốc tế hoá sáng chế từ những quốc gia phát triển như Hàn Quốc và Vương Quốc Anh.
Theo TS. David Ngô, Chủ tịch Công ty Cổ phần IPGROUP cho biết: Hiện nay, Việt Nam có trình độ học vấn cơ bản tốt ở các cấp học, nhưng chỉ có 8% lực lượng lao động đã tốt nghiệp đại học. “Các kỹ năng và năng lực kỹ thuật số trong lực lượng lao động sẽ cần tăng lên để Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa trên tri thức và phát triển hơn. Bản tham luận kết thúc với nhiều đề xuất gợi mở và thiết thực, trong đó có khuyến khích khởi nghiệp, cải cách chuyển đổi số quy mô địa phương, và thoả thuận với các công ti quốc tế về đào tạo và chuyển giao công nghệ”, TS. David Ngô chia sẻ.
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo. |
Sở hữu trí tuệ chìa khóa phát triển
Bên cạnh chủ đề công nghệ chuyển đổi số, một chủ đề được các diễn giả thảo luận và trao đổi trong buổi hội thảo là quyền sở hữu trí tuệ bởi đây là chìa khoá giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận. Chiến lược sở hữu trí tuệ giúp đảm bảo tự do trong các hoạt động của doanh nghiệp với tài sản trí tuệ và xác lập kho tài sản trí tuệ doanh nghiệp có thể cung cấp quyền lực độc quyền đáng kể cho sản phẩm và dịch vụ trên thị trường. TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng: “Hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ ngày nay đang dựa trên cơ hội của quá khứ. Hiện tại, số hoá đang thay đổi những cơ hội này và hành lang pháp lý cũng sẽ tự động thay đổi. Doanh nghiệp, viện, trường nên nhận thức được điều này để sẵn sàng và tận dụng được những lợi thế mà nó đem lại.”
Các diễn giả sau đó đã tham gia thảo luận về những cách thức để doanh nghiệp có thể bắt kịp xu hướng công nghệ và định hướng chiến lược sở hữu trí tuệ đúng đắn trong bối cảnh chuyển dổi số. Cuối phiên thảo luận, TS Đinh Ngọc Thạnh, Giáo sư tập sự, Đại học Soongsil, cũng đề xuất một số giải pháp phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trong đó tiêu biểu là việc tạo điều kiện để đào tạo và nâng cao năng lực cho lực lượng đội ngũ này.
Hội thảo cũng là cơ hội ra mắt mạng lưới Trí thức công nghệ thông tin và Trí tuệ Việt Nam toàn cầu, với mục tiêu tập hợp các nhà nghiên cứu ngành CNTT-TT Việt Nam trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển giữa các thành viên, và định hướng chuyên môn cho sinh viên trong ngành.
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu diễn ra vào tháng 11 tới đây. Khán giả có thể theo dõi thông tin về các hội thảo sắp tới và đăng ký tham dự thông qua link sau: trithuctrevietnam.vn.
Minh Anh