Máy ép đĩa mo cau độc đáo của sinh viên

(CTG) Hai sinh viên Lưu Vĩnh Mến và Tạ Linh Phụng, Trường ĐH Cửu Long, đã chế tạo ra chiếc máy ép đĩa độc đáo này.

Lưu Vĩnh Mến (trái) và Tạ Linh Phụng bên chiếc máy ép đĩa mo cau 	
 /// ảnh: Lê Thanh
Lưu Vĩnh Mến (trái) và Tạ Linh Phụng bên chiếc máy ép đĩa mo cau
 
Xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống và đam mê nghiên cứu, muốn bản thân chế tạo máy để phục vụ người dân, hai sinh viên này đã chọn và tiến hành nghiên cứu đề tài thiết kế, chế tạo máy ép đĩa mo cau và khắc hoa văn cho sản phẩm.
 
Lưu Vĩnh Mến cho biết, khi vừa rụng xuống, mo cau ở dạng khô rất dai cứng. Mo cau có đặc điểm như loại gỗ mềm dễ uốn nắn, sạch, không sử dụng thuốc. Công việc tạo chén, đĩa… từ mo cau cũng khá đơn giản. Mo cau được làm sạch, phơi phô, sau đó ép định hình ở nhiệt độ cao, cuối cùng chiếu tia UV để khử khuẩn, tiệt trùng. Như vậy, mo cau có thể sử dụng từ 5 - 10 lần và phải rửa sạch, phơi nắng sau sử dụng, thay thế sản phẩm nhựa.
 
Sau hơn nửa năm bắt tay vào thực hiện, hai bạn trẻ đã chế tạo thành công máy ép đĩa mo cau và khắc hoa văn cho sản phẩm theo các thông số đã nghiên cứu.
 
Tạ Linh Phụng khoe: "Trong các lần khảo nghiệm, thời gian ép cao nhất 1 cái là 120 giây và thấp nhất là 60 giây. Năng suất thay đổi là do tình trạng của tấm mo cau và nhiệt độ phù hợp. Kết quả khảo nghiệm cho thấy máy sản xuất đạt năng suất theo yêu cầu 45 cái/giờ, kích thước, hình dáng sản phẩm đạt với yêu cầu đặt ra, khắc được hoa văn lên sản phẩm".
 
Mến chia sẻ trong quá trình chế tạo đã nhận thấy thiết kế ban đầu của máy là tương đối phù hợp, đáp ứng cho các hộ sản xuất vừa và nhỏ. "Còn đối với các cơ sở sản xuất với quy mô lớn, máy cần được cải tiến để đạt năng suất lớn hơn. Máy sản xuất đĩa đựng thức ăn từ mo cau này cần thêm thời gian để kiểm nghiệm như: độ ổn định, sự quá tải, năng suất tối đa, tình trạng vật liệu ép, thời gian lưu khuôn...", Mến nói.
 
Định hướng sắp tới, cả hai sẽ tiếp tục khảo nghiệm với nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác như: bẹ chuối khô, lá chuối khô, lá sen... để cho ra đời thêm những sản phẩm mới lạ, độc đáo hơn trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm một số loại khuôn để tạo ra các vật dụng đựng thức ăn với kích thước và hình dáng khác nhau. Phát triển máy theo hướng tự động hóa, đó là dùng hệ thống trục cuốn làm phẳng tấm mo trước khi đưa vào khuôn ép", Phụng chia sẻ.
 
Phụng cũng hy vọng qua nghiên cứu này sẽ chung tay góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và tận dụng được những nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên. Người dân sẽ chuộng sử dụng những chiếc đĩa được làm từ phụ phẩm nông nghiệp thay vì vật liệu nhựa.
 
Nguồn: TNO