Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc trao đổi với học sinh về mô hình “Tiếng trống học bài”. |
Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Thuần Mỹ là người có ý tưởng và đi đầu trong việc thực hiện bài bản mô hình “Tiếng trống học bài”. Là cán bộ quản lý, thầy Ngọc luôn suy nghĩ, trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là việc học tập của học sinh vào các buổi tối. Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, từ năm học 2022-2023, Trường THCS Thuần Mỹ đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện mô hình “Tiếng trống học bài”.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình này, thầy Ngọc cho biết, trước thực trạng học sinh mải chơi vào buổi tối, chất lượng giáo dục còn thấp, thầy đã chủ động đề xuất Ðảng ủy xã Thuần Mỹ ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục; Ủy ban nhân dân xã ban hành quyết định và quy chế thực hiện phong trào “Xây dựng xã hội học tập” thông qua “Tiếng trống học bài” vào mỗi buổi tối tại các cụm dân cư trên địa bàn. Khi đề xuất, triển khai mô hình “Tiếng trống học bài”, các đồng chí lãnh đạo ở địa phương, các ban, ngành, đoàn thể rất quan tâm, đồng tình, hưởng ứng tích cực.
Theo thầy Ngọc, để mô hình đi vào thực tiễn, triển khai có hiệu quả, nhà trường đã thành lập ban kiểm tra “Tiếng trống học bài” tại các cụm dân cư vào mỗi buổi tối. Với trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, thầy cùng các thành viên trong ban kiểm tra đi thực tế từng ngõ, xóm, từng thôn. Ban đầu, thành phần đoàn kiểm tra chỉ có các bí thư chi bộ, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên, sau một thời gian có sự tham gia của các thầy, cô giáo trong Hội Cựu giáo chức xã và Ban đại diện cha, mẹ học sinh.
Ðể nắm bắt được tình hình, thầy Ngọc đề xuất các bí thư chi bộ, trưởng thôn tìm hiểu điều kiện gia đình học sinh để dẫn đoàn đến động viên, đôn đốc, nhất là gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn; bố, mẹ ly hôn, ly thân; bố, mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà... Ðoàn kiểm tra rất cảm động trước những gia đình học sinh có hoàn cảnh éo le như: Bố thương tật không đi lại được, học sinh không có chỗ ngồi học, lấy thành giường làm ghế, kê tấm gỗ làm bàn ngồi học... nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập.
Ðến nay, Ban kiểm tra “Tiếng trống học bài” của Trường THCS Thuần Mỹ đã tới 68 hộ gia đình. Bản thân thầy Ngọc đi thực tế ở cả sáu thôn với 56 hộ gia đình. Nhờ thực hiện tốt mô hình “Tiếng trống học bài”, chất lượng giáo dục của nhà trường học kỳ I năm học 2023-2024 đã có nhiều tiến bộ. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm học này, trường có 19 học sinh tham dự thì 15 em đoạt giải (tăng bảy em so với năm học trước); có hai học sinh lọt vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp thành phố; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng; học lực yếu giảm.
Tại hội nghị tổng kết phong trào “Tiếng trống học bài” và xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2023 của huyện Ba Vì, Trường THCS Thuần Mỹ có một cá nhân và tập thể được Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Tiếng trống học bài”. |
Bà Trần Thị Hoài Hương, Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Thuần Mỹ cho biết, thầy Nguyễn Văn Ngọc là người đặt nền móng đầu tiên cho phong trào “Tiếng trống học bài”. Cán bộ và người dân trong thôn rất vui và hưởng ứng phong trào; nhiều hoạt động tuyên truyền qua các hội nghị, cuộc họp chi bộ định kỳ đến các đảng viên, từ đó đảng viên tuyên truyền đến người thân, gia đình, hàng xóm.
Cùng với đó, thông qua cuộc họp chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội người cao tuổi cũng được phổ biến phong trào “Tiếng trống học bài” để hội viên các chi hội nắm bắt, động viên con em hưởng ứng tham gia tích cực. Ðáng chú ý, từ ngày có mô hình “Tiếng trống học bài”, tình trạng người dân hát karaoke về đêm không còn.
Trước đây, khi chưa có “Tiếng trống học bài”, có những gia đình uống rượu, hát từ chập tối đến đêm khuya. Hiện nay, khi có “Tiếng trống học bài” lúc 7 giờ tối thông qua hệ thống loa phát thanh với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, học sinh đã ngồi vào bàn học nghiêm túc, người dân dừng mọi hoạt động để con em mình có thời gian yên tĩnh học tập.
Hiệu quả từ phong trào “Tiếng trống học bài”, mỗi người dân đều ý thức được việc học tập không chỉ là việc riêng của học sinh mà còn là công việc của mỗi thành viên trong gia đình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của gia đình, nhà trường và địa phương... Vì thế, sau một thời gian thực hiện, ngành giáo dục huyện Ba Vì đã tổ chức tổng kết và nhân rộng mô hình đến tất cả 31 xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo Nhân Dân |