Cảm giác già trước tuổi
Dù chỉ mới là sinh viên năm cuối, Ngô Phạm Tuyết Nhi, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã cảm thấy mình "già" đi nhiều. Nhi chia sẻ: "Mình nhớ rõ thời gian đầu vào đại học là quãng thời gian sôi nổi, mỗi ngày đều có chuyện để mong chờ. Nhưng đến khoảng cuối năm thứ 2, những buổi đi chơi cuối tuần dần được thay bằng lịch làm thêm và các bài tập nối tiếp, khiến mình mệt mỏi dần".
"Bây giờ ngoài thời gian học mấy môn cuối, mình còn phải làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Tối về mệt, chẳng còn sức làm gì khác ngoài lướt điện thoại. Có những ngày nhìn lại, mình suy nghĩ không biết vòng lặp này tiếp tục đến bao giờ, chưa kịp làm gì cho bản thân thì đã thấy như một người có tuổi và lúc nào cũng mệt mỏi", Nhi kể và chia sẻ thêm: "Mình không còn thời gian để đi chơi, không còn thời gian cho những thứ nhỏ nhặt. Cảm giác lúc nào cũng phải gồng lên để không tụt lại phía sau".
Nhiều người trẻ mới ra trường cũng sớm cảm thấy bản thân đang "già" đi mỗi ngày. Thạch Phước Thuận (23 tuổi), nhân viên tại một cơ sở trên đường Ba Tháng Hai, P.10, Q.10 (TP.HCM), chia sẻ: "Ra trường chưa lâu nhưng mình cảm thấy như đã làm việc nhiều năm. Dự án nối tiếp nhau, mình luôn trong tình trạng thiếu ngủ và căng thẳng vì công việc. Những ngày sale lớn, 1 giờ sáng mình vẫn đang cùng các anh chị trong công ty hỗ trợ các phiên livestream, chỉ kịp chợp mắt vài tiếng là ngày mới lại tiếp tục".

Không ít người trẻ có cảm giác mình già trước tuổi. ẢNH: THẢO NGUYỄN
Phước Thuận cho biết áp lực lớn nhất của anh chàng không phải đến từ công việc, mà là cảm giác bản thân chưa đủ giỏi, chưa thành công. "Trên mạng, bạn bè khoe đi du lịch, mua nhà, làm quản lý… Còn mình thì mỗi ngày đều loay hoay giữa các đầu việc nhỏ, có khi làm cả tháng mà vẫn thấy chưa bằng người khác làm một ngày. Dần dần mình không còn thấy bản thân trẻ nữa, lúc nào cũng mệt mỏi, lạc nhịp", Thuận nói.
Ngoài công việc áp lực hay tác động của mạng xã hội, một số bạn trẻ khác cho biết họ cảm thấy "già" đi vì những lý do khó gọi tên hơn. Với Nguyễn Sơn Trà, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cảm giác "già" đi của anh chàng lại xuất phát từ áp lực của người con trai lớn trong gia đình. Trà cho biết: "Mình thấy bản thân già đi nhiều bắt đầu từ năm 18 tuổi. Đây là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành nhưng cũng đánh dấu mình cần phải sớm học tập nhanh, tốt nghiệp nhanh và ổn định tài chính để cùng cha mẹ lo chi phí cho các em đi học".
"Trước thời buổi kinh tế khó khăn, mình cũng như nhiều bạn trẻ khác đang cố gắng tìm kiếm công việc với mức lương phù hợp đủ để lo cuộc sống cho bản thân và giúp đỡ gia đình nữa. Có lẽ những điều đó khiến mình mệt mỏi hơn, bớt hồn nhiên và thấy như già đi trước tuổi", Trà nói thêm.
Vì đâu nên nỗi ?
Theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Đào Thư Hà, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cảm giác già đi ở người trẻ không đơn thuần là trạng thái tâm lý nhất thời mà là hệ quả từ nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại.
"Tuổi 20 - 25 là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Tuy nhiên, nhiều bạn lại cảm thấy mình già trước tuổi vì buộc phải trở nên chín chắn hơn để thích nghi với sự thay đổi nhanh của xã hội", thạc sĩ Hà nhận định.

Theo các chuyên gia, những hào nhoáng trên mạng xã hội cũng tạo nên áp lực vô hình cho người trẻ. ẢNH: THẢO NGUYỄN
Thạc sĩ Hà cũng phân tích áp lực công việc, trách nhiệm với gia đình và mục tiêu trở thành "công dân toàn cầu" khiến giới trẻ phải cố gắng nhiều hơn, dành nhiều thời gian làm việc và dần bỏ quên bản thân. Những yếu tố này không chỉ khiến người trẻ già về mặt tâm lý mà còn kéo theo sự mệt mỏi thể chất.
Không chỉ áp lực công việc, cấu trúc gia đình hiện đại với xu hướng sinh ít con cũng khiến người trẻ phải gánh thêm trách nhiệm với cha mẹ. "Những bạn là con một trong nhà thường cảm thấy mình phải lo lắng nhiều hơn cho gia đình, dẫn đến việc phải trưởng thành sớm", chuyên gia tâm lý Đào Thư Hà chia sẻ thêm.
Chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng cảm giác già trước tuổi là điều khá phổ biến ở các bạn trẻ hiện nay. Cảm giác ấy bắt nguồn từ nhiều áp lực chồng chéo trong xã hội hiện đại. Một trong những yếu tố tác động mạnh là mạng xã hội, nơi tạo ra một "đồng hồ thời gian ảo" khiến người trẻ dễ rơi vào vòng xoáy so sánh và lo lắng nếu chưa có thành tựu lớn từ sớm. Cùng với đó là những lo lắng khi bước vào đời với tâm thế áp lực về những bất định của thời đại như sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu…
"Tuổi trẻ không còn là khoảng thời gian vô ưu như trước mà trở thành một giai đoạn ngắn ngủi, đầy lo âu và cảm giác phải gồng mình để không bị bỏ lại phía sau", thạc sĩ Chi nhận định và cho biết tình trạng này không chỉ dừng ở cảm xúc mơ hồ, mà thể hiện rõ qua những biểu hiện như: mệt mỏi kéo dài, mất động lực, hoài nghi bản thân, thậm chí là kiệt sức tinh thần dù tuổi còn rất trẻ.
Thạc sĩ Chi kể: "Tôi từng gặp nhiều bạn chỉ mới ngoài 20 tuổi đã nói rằng "em thấy cuộc sống mình như đang dần tàn lụi" hay "em không còn cảm hứng để làm gì nữa". Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực thành công đang làm xói mòn niềm vui sống, điều lẽ ra phải gắn liền với tuổi trẻ".
Thạc sĩ Chi và thạc sĩ Hà đều cho rằng đây không phải là trạng thái vĩnh viễn và hoàn toàn có thể thay đổi nếu người trẻ học cách điều chỉnh lại nhịp sống và góc nhìn. "Người trẻ cần cho phép mình sống theo nhịp riêng, không chạy đua với kỳ vọng xã hội. Thành công không có hạn sử dụng. Có người rực rỡ ở tuổi 20, có người tỏa sáng ở tuổi 40. Điều quan trọng là bạn không bỏ rơi chính mình trên đường đi", thạc sĩ Chi nhấn mạnh.
Thạc sĩ Hà thì gửi gắm: "Việc quan trọng là các bạn trẻ cần biết yêu thương chính mình, sống chậm lại để tận hưởng cuộc sống thay vì chạy theo những kỳ vọng không cần thiết".
Theo TN