Dự án mang tên Cũ Đổi Xanh – Change Life (thay đổi cuộc sống) được khởi xướng bởi Đặng Quốc Huy, sinh viên khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật y học Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM và Nguyễn Thanh Hải, sinh viên khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM khiến mọi người phát "sốt" vì những con số khủng.
Chỉ trong 8 tháng hoạt động, dự án này đã tổ chức 22 sự kiện ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, gây quỹ hơn 100 triệu đồng. Với sự tham gia của hơn 6.000 thanh niên đến từ gần 20 trường ĐH trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về các vấn đề môi trường. Không chỉ vậy, dự án còn thu gom và phân loại hơn 200 kg rác thải nhựa, 100 kg dầu ăn cũ và 30 kg vải dư thừa.
Ý tưởng xanh từ tình bạn
Trò chuyện với người viết, chàng sinh viên năm 4 Đặng Quốc Huy cho biết bản thân bạn là một sinh viên khối ngành sức khỏe. Huy nhận thấy được những tác động của ô nhiễm đến sức khỏe con người. Vì vậy, Huy mong các bạn trẻ cũng sẽ có nhận thức về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, từ đó sẽ thay đổi hành vi và góp phần giúp trái đất xanh hơn.
"Trong một cuộc thi, mình tình cờ quen được với Nguyễn Thanh Hải, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Thấy Hải cũng có chung đam mê, mình rủ rê bạn tổ chức các buổi hội thảo, hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo vệ môi trường. Chúng mình hy vọng qua các buổi giao lưu này, hiểu rõ hơn về vai trò của từng cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và lan tỏa những thay đổi tích cực", Huy kể.
Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là chiến dịch "Thu cũ – Đổi xanh", nơi các bạn trẻ được khuyến khích mang dầu ăn thừa để đổi lấy xà phòng thơm. Sau mỗi lần thu gom, dầu ăn sẽ được lọc sạch và chế biến theo quy trình. Thành phẩm xà phòng sau khi hoàn thành sẽ được tặng lại cho các bạn trẻ tham gia trao đổi. Không chỉ dừng lại ở đó, các bạn còn nhiệt tình chia sẻ công thức làm xà phòng để mọi người có thể tự làm tại nhà.
"Tụi mình thật sự bất ngờ khi thu được 100 kg dầu ăn cũ. Con số này nếu không được xử lý đúng cách mà thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực như ô nhiễm nguồn nước, đất, tắc nghẽn hệ thống cống rãnh", Huy giải thích.
Đối với Huy, mỗi kỷ niệm trong dự án đều đáng nhớ. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất là được gặp gỡ nhiều bạn trẻ từ các ngành nghề khác nhau, với những góc nhìn đa dạng, giúp Huy trưởng thành hơn rất nhiều. Nhờ đó, Huy còn có cơ hội tham gia các sự kiện quan trọng như Hội nghị Năng lượng trẻ tại Đà Nẵng. Trong thời gian tới, Huy dự định tham gia một chuyến tình nguyện cùng một nhãn hàng lớn tại tỉnh Điện Biên.
Không chỉ riêng Huy, đồng đội Thanh Hải cũng đã tận dụng kinh nghiệm từ dự án này để chinh phục thành công chương trình Lãnh đạo thanh niên vì khí hậu của Plan International (tổ chức quốc tế hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái với mục đích xóa bỏ đói nghèo và vì sự phát triển toàn diện của các em).
Trưởng thành hơn từ dự án của sinh viên
Thanh Hải chia sẻ rằng việc tham gia dự án không chỉ giúp bạn nâng cao nhận thức về môi trường mà còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và phát triển các ý tưởng sáng tạo. Không chỉ vậy, các thành viên của dự án còn được trao cơ hội thể hiện ý tưởng của mình trong mảng "Giảm ô nhiễm nhựa", được tập huấn nhiều kỹ năng bổ ích…
"Theo mình, khó khăn lớn nhất của dự án có lẽ là việc làm sau thu hút được người tham gia quan tâm đến môi trường và duy trì những kết quả đó sau dự án. Tụi mình giải quyết các vấn đề ấy bằng cách xây dựng dự án thông qua design thinking (phương pháp tư duy thiết kế) và theory of change (lý thuyết thay đổi)", Hải nói.
Còn Huy thường có lịch học rất dày đặc. Buổi sáng anh chàng đi thực tập lâm sàng, còn buổi chiều thì học lý thuyết tại trường. Để cân bằng giữa việc học và tham gia dự án, Huy rất chú trọng đến việc sắp xếp thời gian. Huy hay tận dụng thời gian rảnh hoặc cuối tuần để lên kế hoạch cho các hoạt động. Ngoài ra, anh chàng luôn cố gắng tập trung cao độ trong các buổi học để nắm bắt tốt nhất những kiến thức mà giảng viên truyền đạt.
Nhờ cách sắp xếp công việc hợp lý, Huy còn là đoàn viên ưu tú, đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường, đứng hạng 1 của lớp và sở hữu học bổng khuyến khích học tập loại giỏi.
"Mình hy vọng các bạn sẽ bắt đầu thay đổi lối sống từ những hành động nhỏ nhất, như giảm sử dụng túi ni lông, hạn chế chai nhựa, mang theo bình nước cá nhân, hoặc ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Những thay đổi nhỏ này sẽ góp phần xây dựng một tương lai xanh cho tất cả chúng ta", Huy nói.
Hiện tại, dự án của hai chàng sinh viên đang có khoảng 50 thành viên nòng cốt và hơn 1.000 thành viên trong nhóm cộng đồng, tiếp tục lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi miền đất nước.
Thạc sĩ Dương Công Thịnh - Giảng viên bộ môn Sức khoẻ - Môi trường và Lao động, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết: "Với vai trò giảng viên đang công tác tại trường, tôi đã có cơ hội đồng hành cùng các bạn trong nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Qua các sự kiện, tôi thực sự ấn tượng với khả năng điều hành và tổ chức của các bạn, đặc biệt là sinh viên Quốc Huy, được minh chứng rõ nét qua những thành tựu mà bạn đã đạt được".
Theo thạc sĩ Dương Công Thịnh, các sinh viên thể hiện thái độ làm việc chuyên nghiệp và đầy nhiệt huyết. "Với hành trang kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần cống hiến, tôi tin tưởng rằng trong tương lai, các bạn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Huy rất có tiềm năng trở thành một nhân viên y tế xuất sắc", thạc sĩ Thịnh chia sẻ.
Theo TN