Mù đôi mắt, nhưng sáng chí sáng lòng

(CTG) Dân gian có câu “nghèo 2 con mắt, khó 2 bàn tay” nhưng bóng tối đã không thể quật ngã được sinh viên khiếm thị Dương Huỳnh Thanh Phú. Trái lại, đó lại là động lực giúp anh vượt lên định mệnh của số phận, tự tìm hướng đi cho cuộc đời mình và sống có ích cho xã hội.

Được thầy giáo khiếm thị Nguyễn Tấn Huyến hiện phụ trách Trung tâm Hướng nghiệp và Dạy nghề cho người khiếm thị Bừng Sáng ở địa chỉ 266/5 Nguyễn Tri Phương, phường 4, quận 10 làm cầu nối, chúng tôi có buổi gặp gỡ với sinh viên khiếm thị Dương Huỳnh Thanh Phú. Cuộc đời của chàng sinh viên giàu nghị lực này là minh chứng điển hình về sức mạnh ý chí của con người: “Khi có quyết tâm, người ta có thể biến chuyện không thể thành có thể”.

Sinh năm 1974, quê ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, không như thầy giáo khiếm thị Nguyễn Tấn Huyến vẫn còn đôi mắt nhưng không nhìn thấy ánh sáng, ở nơi được gọi là cửa sổ tâm hồn ấy của Phú chỉ là lớp da liền với khuôn mặt.

Chẳng chút mặc cảm, ngại ngần, anh kể: “Năm 1973, khi mẹ mang thai tôi được 4 tháng thì giặc Mỹ tràn vào làng tiến hành dồn dân lập ấp chiến lược. Nghe ngoại kể lại khi ấy chúng lùng sục bắn giết nên mọi người chạy tán loạn. Mẹ ráng đau vượt kênh băng đồng và vấp té khi bào thai trong bụng đang hình thành. Thế nên khi sinh tôi ra, nhìn đứa con trai đầu lòng không có khung mắt, ba buồn chán bỏ má con tôi mà đi. Khi tôi được 9 tuổi thì may mắn các thầy ở Trường mù Nguyễn Đình Chiểu tại TP HCM đến chiêu sinh. Từ năm 1983 đến năm 1988, tôi học xong cấp 1 tại trường. Sau đó, tôi được thầy Đào Khánh Trường khi ấy là giáo viên dạy nhạc ở trường tạo điều kiện học cấp 2, cấp 3 tại các trung tâm giáo dục thường xuyên ở thành phố”.


Không có đôi mắt nhưng Dương Huỳnh Thanh Phú vẫn tự nuôi sống mình và sắp tốt nghiệp đại học


Năm 1996, sau khi học xong tú tài, cậu tú khiếm thị Dương Huỳnh Thanh Phú thi vào Trường Âm nhạc dân lập Sài Gòn nằm trên đường Võ Thị Sáu. Sau 4 năm học, anh chuyển sang học hệ trung cấp tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Kết thúc khóa học, anh về Trung tâm Bừng Sáng cùng thầy Trường dạy đàn, thanh nhạc cho các em khiếm thị.

Để duy trì cuộc sống và có điều kiện giúp các em đang theo học tại trung tâm, Phú phải trải qua nhiều khó nhọc: “Sau thời gian dạy cho các em ở Bừng Sáng, tôi dạy đàn cho người sáng mắt, đàn cho các quán nhậu, quán ăn, đàn cho các đám cưới… Dẫu cực khổ nhưng những đồng tiền tự kiếm được đã giúp tôi quên hết sự nhọc nhằn. Thực lòng mà nói, ngày còn nhỏ, tôi không nghĩ một người mù như mình có thể tự làm ra tiền, tự nuôi sống mình và sống có ích cho xã hội”.

Tự tin lần bước giữa đường đời trong bóng tối, hành trình vượt lên số phận của thầy giáo khiếm thị Dương Huỳnh Thanh Phú những tưởng sẽ dừng từ đây nhưng không, đầu năm 2006, anh đi đến quyết định táo bạo thi đại học. “Khoảng năm 2000, tôi tham gia cùng nhiều nhóm thiện nguyện đi làm các công tác xã hội tại các trường cai nghiện, trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ em lang thang, trẻ em có HIV/AIDS… Khi ấy tôi nhút nhát, không biết phải tiếp cận với những người ấy như thế nào, chỉ biết đàn hát phục vụ mà thôi. Rồi tôi bừng cháy suy nghĩ phải học đại học để nâng cao các kiến thức xã hội cũng như dễ dàng tiếp cận, sẻ chia những nhọc nhằn, khát vọng với các số phận cơ nhỡ, bất hạnh kia. Khi biết Trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn TP HCM mở lớp đại học tại chức chuyên ngành xã hội, tôi hào hứng vào cuộc. Nhưng muốn học phải thi 3 môn Văn-Sử-Địa. Vậy là tôi nhờ bạn bè mua giúp tài liệu về đọc rồi ghi âm lại, khi học tôi xả băng nghe. Đầu năm 2007, tôi thi đậu và trở thành sinh viên của trường”.

Với phương pháp học như thế, Phú chia vui đến giữa năm 2011 anh sẽ trở thành cử nhân. Sinh viên bình thường được cha mẹ trợ cấp tiền bạc nhưng chuyện học tập ở giảng đường còn gặp nhiều trở ngại, huống chi với một người khiếm thị vừa học vừa làm, vừa giảng dạy cho các em khiếm thị ở Bừng Sáng như Phú thì trở ngại, khó khăn ấy càng bội phần. Anh trải lòng: “Tôi thiệt thòi hơn mọi người đôi mắt nên việc học, việc làm đều gặp nhiều trở ngại. Để đạt được điều mình mong ước, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình phải nỗ lực, phải chịu khó, phải cầu thị”.

Làm theo câu nói “Có công mài sắt có ngày nên kim”, Phú cố gắng đạt thành tích cao trong học tập để lấy kết quả ấy “săn học bổng”. Nhờ nguồn học bổng của một Việt kiều tên Trung Kiên và những khoản thù lao từ những đêm đánh đàn ở các quán ăn, quán cà-phê mà anh có điều kiện trang trải cho cuộc sống và việc học!


Nhờ khổ luyện mà Phú không chỉ tinh thông các loại nhạc cụ, sử dụng thành thạo máy tính mà còn chinh phục giấc mơ giảng đường. Dân gian có câu “nghèo 2 con mắt, khó 2 bàn tay” với hàm ý, một người nếu không có đôi mắt thì cuộc sống sẽ gắn chặt với sự khốn cùng. Nhưng bóng tối không thể quật ngã được sinh viên khiếm thị Dương Huỳnh Thanh Phú. Mà trái lại là động lực giúp anh vượt lên định mệnh của số phận, tự tìm hướng đi cho cuộc đời mình và sống có ích cho xã hội
 

Theo  CAND