Mở ra những cơ hội kinh doanh tiềm năng
Anh Trần Thanh Tùng (còn gọi là Tùng BT), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các sở KH-CN trên toàn quốc, cũng là ông chủ của nhiều dự án khởi nghiệp tại TP.HCM. Anh Tùng cho biết đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc khởi nghiệp một cách thường xuyên.
"Cụ thể, khi sáng tạo nội dung, làm kế hoạch marketing kinh doanh, cần video quảng cáo, muốn thiết kế hình ảnh sản phẩm…, tôi đều nhờ AI. Thậm chí, khi muốn tra cứu dữ liệu thị trường, AI đã giúp tôi có được số liệu một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác. Mà thời điểm trước đây, khi chưa biết sử dụng AI, việc này (tra cứu dữ liệu thị trường - PV) có thể tốn đến cả trăm triệu để thuê các công ty làm", anh Tùng nói.
Chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo này chia sẻ: "Có thể khẳng định AI đã giúp khởi nghiệp đột phá hơn. Nếu như trước khi AI xuất hiện, công ty của tôi có từ 30 - 50 nhân viên, thì hiện nay chỉ còn khoảng 10 nhân sự. Và mọi người trong công ty đều ứng dụng AI vào cuộc sống nói chung, công việc nói riêng. Nhờ vậy, năng suất làm việc tăng lên, làm việc tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển khởi sắc của công ty".
Anh Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SBooks, cũng khẳng định nên ứng dụng AI trong quá trình khởi nghiệp.
"Tại công ty tôi đã ứng dụng AI trong việc sáng tạo các nội dung truyền thông, phân tích dữ liệu hành vi khách hàng, chuyển đổi hình thức sách giấy sang sách nói. AI có thể sẽ giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tối ưu vận hành", anh Dũng cho hay.
Chị Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng cho biết đã ứng dụng AI vào việc kinh doanh suốt một năm nay. Theo chị Hiền, chủ yếu là "cậy nhờ" AI hỗ trợ trong việc thiết kế hình ảnh, video, xây dựng chiến dịch truyền thông quảng cáo. Ngoài ra, việc viết, tổng hợp thông tin... AI đều "đảm trách" một cách hoàn hảo.
"Doanh thu công ty tăng, một phần đáng kể là nhờ sự giúp sức của AI", chị Hiền nói và cho biết: "Tất cả nhân viên của công ty đều có kỹ năng sử dụng AI".
Dưới góc độ của một chuyên gia về AI, anh Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư bậc 1 của ĐH Texas - Austin, Mỹ, cho rằng với người trẻ đã, đang hoặc dự định sẽ khởi nghiệp, thì việc trang bị tốt các kỹ năng AI có thể giúp phát triển việc khởi sự doanh nghiệp, mở ra những cơ hội kinh doanh tiềm năng và thành công.
"Một số lý do chính của việc sử dụng AI trong khởi nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể và tăng khả năng thành công. Đó là AI có thể giúp doanh nghiệp tự động hóa nhiều tác vụ, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vận hành. Ngoài ra, bằng việc sử dụng AI, các công ty khởi nghiệp cũng có thể hiểu rõ hơn xu hướng thị trường, hành vi khách hàng, từ đó đem lại hiệu suất kinh doanh cao. Không những vậy, việc tích hợp AI vào sản phẩm cũng tạo được sự mới mẻ, tiên tiến, hấp dẫn. Qua đó thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường", anh Nhật phân tích.
"Trợ lý đắc lực" mang tên AI
Ngoài khởi nghiệp, người trẻ cũng đã và đang ứng dụng AI trong cuộc sống khá nhiều, bởi nhìn thấy những mặt tích cực mà AI mang lại.
DJ (người chỉnh nhạc) Linh Quyên (26 tuổi, ngụ TP.HCM) cho hay thường sử dụng AI trong việc giúp tạo ra những bài nhạc "chẳng đụng hàng", không vi phạm bản quyền. "AI khá thông minh khi trộn nhạc và cho ra đời những bài nhạc rất đúng ý của tôi. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng ứng dụng AI trong công việc", nữ DJ chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Khải (còn gọi là Kmon Nguyễn, ngụ TP.HCM), người nổi tiếng với phong cách chụp ảnh "đơn giản thôi", cũng cho biết có sử dụng AI trong cuộc sống lẫn công việc. "Trong bối cảnh AI đã và đang "phủ sóng" rộng rãi như hiện nay, thiết nghĩ cũng cần trang bị cho bản thân kỹ năng sử dụng AI. Tôi tự tìm tòi, học hỏi để hiểu về AI. Tôi thi thoảng sử dụng những khi cần thiết, đặc biệt là việc tra cứu thông tin", anh Khải nói.
Chị Nguyễn Thúy Hằng, chuyên viên chương trình VinAI Residency Program (thuộc Công ty cổ phần nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI, Tập đoàn Vingroup), cho biết AI đã trở thành "trợ lý đắc lực" của chị trong công việc.
"AI giúp khả năng viết của tôi tối ưu hơn. Để câu chữ mạch lạc thì cần viết tốt. Nhiều khi trong đầu có một số ý tưởng nhưng chưa biết viết gì thì tôi có thể ghi ra mong muốn, ý định và nhờ AI hỗ trợ. Ngoài ra, khi tôi cần viết thông báo nội bộ hoặc email cho đối tác, AI sẽ nhận "lệnh". Sau đó AI tự viết, tự sửa để đúng chính tả. AI cũng tự chỉnh sửa nếu tôi cần thêm, bớt ý", chị Hằng kể.
Trước sự "trỗi dậy" của AI, một số trường cũng đã có những hoạt động cụ thể để giúp học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận với AI.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), cho biết trường thường xuyên tổ chức các hội thảo về ứng dụng AI trong học tập dành cho sinh viên và trong công việc dành cho giảng viên.
"Cuối tháng 4 vừa qua, nhiều cán bộ chuyên môn, giảng viên tham gia chương trình tập huấn về ứng dụng AI trong giảng dạy ngoại ngữ thuộc các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục trong cả nước do Trung tâm đào tạo khu vực của Seameo tại VN tổ chức. Mục tiêu chương trình là giúp nắm vững chức năng của một số công cụ AI, biết cách sử dụng, kết hợp nhiều công cụ AI khác nhau một cách hiệu quả. Mục đích nhằm đáp ứng các mục tiêu giảng dạy và giúp cải thiện chất lượng giảng dạy", tiến sĩ Hiển cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và Công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi, cho biết khi AI được quan tâm nhiều, trường cũng bắt nhịp với sự phát triển ấy bằng cách tổ chức những buổi trò chuyện để sinh viên tìm hiểu về ChatGPT và các nền tảng AI. (còn tiếp)
Theo TN