Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững.
Học sinh trình bày tham luận về dự án “Hành trình xanh nơi biên cương”. |
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hàng ngàn người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm. Chất thải nhựa cũng trở thành một thách thức lớn với cộng đồng và xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Hiện nay, cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường lại có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội.
Muốn giải quyết thành công bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, trước hết cần bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho học sinh từ lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất và mỗi người dân, cộng đồng.
Hội thảo được tổ chức hôm nay nhằm nâng cao nhận thức và hành động của học sinh về các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống đồng thời khuyến khích học sinh tăng cường thực hành kỹ năng xanh, hành vi xanh, thúc đẩy lối sống xanh. Qua đó truyền cảm hứng và nhân rộng lối sống xanh có ích tới cộng đồng.
Ông Việt cho biết thêm, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều nội dung giáo dục môi trường, giáo dục về đa dạng sinh học, giáo dục tài nguyên biển, hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục các cấp học, các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tiến đến phát triển bền vững. Qua đó, đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết tham gia.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu tại hội thảo, bà Tara O’Connell -Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên liên quan đến khí hậu. Trong đó, trẻ em, học sinh là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường với khả năng học tập của trẻ là có thật.
UNICEF cam kết phối hợp với Bộ GD&ĐT hỗ trợ hệ thống ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu, tài nguyên học tập về biến đổi khí hậu trong nhà trường, nâng cao năng lực của giáo viên, trang bị kĩ năng, giải quyết vấn đề thay đổi hành vi ở cấp độ trường học và cộng đồng, vì môi trường có khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn thông minh hơn với biến đổi khí hậu.
Trong hội thảo, đại diện các nhóm học sinh đã trình bày tham luận Hành trình xanh nơi biên cương (Trường THPT số 1 TP Lào Cai), Sáng kiến giải pháp nhằm thúc đẩy lối sống xanh- hành vi xanh (THPT Nguyễn Văn Huyên, Tuyên Quang), Mô hình đổi chai nhựa lấy cây xanh (THPT chuyên Hà Giang), Xanh hóa môi trường sống (Trường PTDTNT Bắc Cạn).
Cùng với đó, các nhóm học sinh đã thảo luận chuyên sâu về các chủ đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, trao đổi, chia sẻ các kiến thức, hiểu biết, mô hình đã triển khai, đề xuất, kiến nghị về kĩ năng xanh, hành vi xanh và lối sống xanh tới cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
CTG