Nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện quy chế dân chủ

(CTG) Sáng 28/7, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan Trung ương Đoàn. Đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức cơ quan đã được nghe TS. Tống Đức Thảo, Phó viện trưởng Viện Thông tin khoa học – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quán triệt chuyên đề "Cách thức, quy trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, những điều cần lưu ý để đảm bảo thực hiện quyền dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động"; đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề "Quán triệt, phổ biến một số quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực".

 

Đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ban Nội chính Trung ương báo cáo chuyên đề tại Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBKT Trung ương Đoàn cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Bí thư Trung ương Đoàn đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện sớm. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, liên tục, chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan báo chí của Đoàn.

Theo đồng chí Ngô Văn Cương, năm 2022, việc duyệt kế hoạch, chương trình công tác năm của các ban, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương Đoàn được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc ngay từ đầu năm. Ban Bí thư Trung ương Đoàn thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; đặc biệt là công khai, dân chủ trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Về việc thực hiện quy chế dân chủ, trong 6 tháng đầu năm, Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ quan T.Ư Đoàn cử 6 đoàn kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra đều dành thời gian đầu giờ để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, tình cảm, ý kiến của cán bộ, công nhân viên chức trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt các đơn vị.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng thực hiện nghiêm túc việc họp Ban bí thư, giao ban lãnh đạo các ban, đơn vị định kỳ, gặp mặt cán bộ các ban phong trào, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm; đồng thời duy trì chế độ tiếp công dân vào chiều thứ 6 tuần cuối cùng hàng tháng.

 

Đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBKT T.Ư Đoàn quán triệt chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan Trung ương Đoàn

 

Tuy nhiên, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương cho rằng, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan Trung ương Đoàn vẫn còn một số hạn chế như: một số ban, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; một số cán bộ, công chức người lao động chưa nhận thức đầy đủ về chủ chương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc nắm bắt tư tưởng cán bộ của một số đơn vị còn chưa tốt, dẫn đến kiến nghị vượt cấp...

Trong thời gian tới, đồng chí Ngô Văn Cương đề nghị, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết cho người lao động về thực hiện quy chế dân chủ, trong đó phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên tham gia tuyên truyền, phổ biến các nội dung của quy chế dân chủ đến với đoàn viên; các đơn vị sự nghiệp, báo chí thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề đều phải được đưa ra bàn bạc, thống nhất trong tập thể; duy trì nghiêm túc các cuộc họp giao ban lãnh đạo hàng tuần, hàng tháng, hàng quý...

Đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn cho rằng, các đơn vị báo chí, trung tâm sự nghiệp, Học viện TTN Việt Nam phải định kỳ tổ chức Hội nghị cán bộ viên chức, người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến và nắm bắt thông tin về tình hình viên chức, người lao động để có giải pháp tháo gỡ kịp thời; bổ sung, cập nhật quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy chế, quy định hiện hành.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Ngô Văn Cương đề nghị các đơn vị báo chí làm tốt công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cấp ủy, đảng viên nghiên cứu, học tập, tự tìm hiểu về quy định 69 của Bộ Chính trị về Kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm; thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; tiếp tục quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức về những nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; quán triệt các ban, đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, minh bạch tài sản và thu nhập, cải cách hành chính, đổi mới công nghệ trong quản lý, tiếp tục phát huy vai trò của công chức, viên chức, người lao động trong giám sát, phát hiện, tố giác đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Kiều Anh