Năm 2001 toàn tuyến đường Cộng Hòa, đường Tân Kỳ Tân Quý quận Tân Bình, tp HCM bị đào lên để xây dựng đường mới. Mỗi bên xuất hiện một cái rãnh rộng ba mét, sâu lối hơn một mét ngăn cách con đường với hệ thống nhà dân xung quanh, muốn về nhà, người dân phải tự bắc những tấm ván gỗ để dắt bộ xe gắn máy vào. Tình trạng này kéo dài gần một năm trời. Trong khi đó, hàng trăm cửa hàng, đại lý, doanh nghiệp tồn tại hai bên đường vẫn phải chịu nhiều sắc thuế y như khi đường còn thông thoáng.
Năm 2005, một định chế ra đời: Mỗi người chỉ được đăng ký sở hữu một xe gắn máy và chỉ được đăng ký khi có giấy phép lái xe.
Điều này về sau đã được chỉ ra là không phù hợp với pháp luật, phải bãi bỏ.
Nhưng trước đó, bao nhiêu doanh nghiệp buôn bán xe gắn máy đã bị ảnh hưởng, doanh thu sụt xuống đáng kể khi mãi lực của mặt hàng này giảm đáng kể và nhiều mức thuế vẫn như cũ.
Tháng 7 năm 2010, ngành chức năng đưa ra quy định mới buộc tài xế lái xe Container phải có giấy phép lái xe FC mới được lái xe.
Khi lệnh này thực thi, chỉ ba ngày thôi, rất nhiều lái xe buộc phải nghỉ việc, nhiều kho, cảng ứ trệ hàng hóa, các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Sau đó lệnh này đã được điều chỉnh, ra hạn thêm cho giấy phép có dấu C như cũ.
Tính ỳ cần thay đổi
Qua ba ví dụ trên chúng ta nhận thấy, mặc dù đã tiến sâu vào trọng điểm của thời đổi mới nhưng các doanh gia Việt Nam vẫn chưa kịp làm quen với việc kịp thời chuyển tải những ý kiến phản biện của chính mình lên những kênh tiếp nhận. Từ đó, giúp cho các cấp vỹ mô có những điều chỉnh kịp thời, trả lại sự thăng bằng cho những hoạt động kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp.
Ở cả ba ví dụ nêu trên, hầu như báo chí là lực lượng duy nhất nêu phản biện và tạo được một số thay đổi.
Việc chậm phản ánh các bất cập, thường là do tâm lý ngại, cho rằng: Sự thất thiệt này không phải cho mình doanh nghiệp mình, mình không “kêu” sẽ có người khác kêu.
Thứ hai, rất có thể có tâm lý cho rằng “chẳng biết kêu ai, mà có kêu cũng chả ăn thua gì đâu”.
Hơn hết, có một tâm lý coi những trở lực, những biến động do một số cơ quan hữu trách tạo nên là “nhà nước” và ngại va chạm, ngại nêu vấn đề.
Ví như trường hợp cấm cản đăng ký quyền sở hữu xe gắn máy, có thể doanh nghiệp dù bị thiệt thòi nhưng cho rằng: Đó là “việc nhà nước”, là “lệnh thượng cấp” không nên ý kiến, chỉ việc thực thi thôi.
Muốn có “sữa”, phải khóc
Thực tế cho thấy, nhiều khi chỉ một biến động nhỏ, đã để lại nhiều hậu quả lớn khó lường và nhiều khi, chỉ một điều chỉnh nhỏ, lợi ích đem lại là rất lớn.
Nhưng, để có những điều chỉnh có lợi, điều đầu tiên là doanh nghiệp phải lên tiếng.
Nhưng những thông điệp kịp thời của doanh gia có nội dung sát thực, phản ánh cụ thể những bất cập, đưa ra những chứng lý, luận cứ rõ ràng để minh chứng quan điểm của mình và phù hợp với hơi thở của cuộc sống, cách phản ảnh đúng pháp luật.... Những gợi mở về đường hướng tháo gỡ những bất cập luôn là những năng lượng quý giúp nhà nước nhìn nhận thật nhanh những gì chưa phù hợp, kể cả những điều khoản, tình tiết trong hệ thống văn bản pháp quy, đưa ra những quyết sách làm thay đổi tình tình theo hướng tích cực hơn.
Để việc phản ánh những nguyện vọng, những ý kiến của mình, các doanh gia có nhiều cách chọn lựa.
Thứ nhất là với báo chí. Trong giới báo chí có lực lượng phóng viên, biên tập viên chuyên ngành và tòa soạn các báo có các quan hệ hữu quan với các cơ quan hữu trách liên quan đến vấn đề cần đề cập. Do đó, đường đi của đơn thư, của những ý kiến sẽ ngắn nhất và thường đến đúng địa chỉ.
Thứ hai, với những ngành nghệ, cơ quan có ngành dọc của mình, có hiệp hội của mình, khi phát hiện ra vấn đề nên có văn bản gửi các cấp đó, đề nghị họ gửi kiến nghị lên cao hơn.
Với trường hợp này, sau khi gửi văn bản, nên có những thao tác xem xét, giám sát trở lại công tác chuyển tải của cấp nhận đơn, tránh trường hợp vì nhiều lý do, văn bản bị ách tắc ngay tại đây.
Khi gặp phải vấn đề cần phản ánh, có màu sắc dễ gây phương hại cho doanh nghiệp mình và hệ thống của mình, phương hại cho xã hội thì trước khi phản ánh, nên tham khảo, lấy ý kiến của những công ty đồng đẳng, đồng ngành hoặc những bộ phận cộng đồng, khách hàng có quyền lợi liên quan đến vấn đề muốn nêu để tổng kết những ý kiến, làm nổi bật vấn đề.
Lộ trình đi tới là con đường luôn phát triển và cũng luôn phát sinh ra những vấn đề của nó. Chấp nhận những phát sinh, những bất cập ấy như một thái độ thụ động chính là góp phần duy trì những trì trệ và kích hoạt cho những tiêu cực khác phát triển.
Phát huy cao nhất tính dân chủ trong kinh doanh, tăng cường phản biện để tìm ra những hướng mở sáng tạo, thuận lợi cho giới doanh gia chính là tạo hành lang thông thoáng để tiến tới những cái đích mới cao đẹp hơn ở phía trước.
Theo Tầm nhìn |