Một vị trí thực tập tốt có thể dẫn tới cơ hội việc làm toàn thời gian sau đó. Là người tuyển dụng, hai năm qua tôi không được phỏng vấn sinh viên người Việt nào, chủ yếu gặp các bạn trẻ Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế, Việt Nam xếp thứ năm về số lượng sinh viên gửi đến Mỹ. Trong năm học 2022-2023, gần 22.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ, trong khi Trung Quốc có gần 290.000 và Ấn Độ 270.000. Nghĩa là cứ khoảng 13 sinh viên Trung Quốc hoặc Ấn Độ sẽ có một sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, tôi không nhìn thấy tỷ lệ này. Hàng năm, danh sách ứng viên được chọn của chúng tôi thậm chí không có sinh viên Việt nào lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng. Tôi hỏi một đồng nghiệp khác tại Q., một công ty công nghệ lớn, bạn cũng khẳng định người Việt hiếm hoi trong lĩnh vực của chúng tôi, bất chấp cơn bùng nổ khoa học dữ liệu toàn cầu kể từ đầu những năm 2010.
Các nhà nghiên cứu xã hội cũng chia sẻ quan sát của tôi. Khi còn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi tham dự một buổi nói chuyện về sách của nhà xã hội học France Winddance Twine. Cuốn sách, có tên gọi Geek Girls, tìm hiểu về cách phụ nữ da màu như người châu Á, và phụ nữ Latin làm các công việc có thu nhập cao (tới 300.000 USD mỗi năm) ở Thung lũng Silicon. Nghiên cứu phát hiện rằng hầu hết kỹ sư nữ, đặc biệt là kỹ sư nữ người Ấn Độ, sở hữu thứ gọi là "geek capital", một dạng kỹ năng mềm trong các ngành STEM. Nghĩa là các bạn nữ này đến từ một mạng lưới xã hội trực tiếp kết nối với văn hóa công nghệ. Một số kỹ sư nữ người Ấn Độ đưa ra lý do họ trở thành kỹ sư hoặc lấy bằng kỹ thuật ở đại học một phần nhờ có cha mẹ hoặc anh chị em là kỹ sư. Khi tôi giới thiệu tên để trao đổi trong sự kiện, Twine lập tức đoán được tôi là người Việt. Bà chia sẻ: không có nhiều người Việt trong số những vị trí lương cao ở Thung lũng Silicon, so với các kỹ sư châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Khi học phổ thông, tôi giành được huy chương đồng năm lớp 11 môn Tin học cấp quốc gia. Với khả năng đó, có thể tôi sẽ trở thành một kỹ sư giỏi. Nhưng bố mẹ tôi thuyết phục rằng học công nghệ thông tin vất vả. Họ nghĩ tôi sẽ hạnh phúc hơn khi học một trường về kinh tế. Họ đúng một nửa. Tôi thấy không được thách thức nhiều với giáo trình bậc đại học khi nghe theo lời bố mẹ. Vì vậy, tôi quyết định bỏ trường kinh tế và tìm cơ hội du học. Trong suốt những năm học đại học và học tiến sĩ, tôi vẫn học toán, xác suất thống kê. Đến một ngày tôi quyết định là mình nên theo ngành khoa học dữ liệu.
Xem xét lại quát trình dài dẫn tôi đến nghề nghiệp hiện tại, tôi nhận ra mình không giống những phụ nữ khác ở Thung lũng Silicon mà nhà xã hội học Twine phỏng vấn, tôi không có hình mẫu của một kỹ sư thành công trong gia đình. Các thành viên gia đình tôi đều làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, hoặc giáo dục. Đôi khi tôi tự hỏi liệu con đường của tôi có thể suôn sẻ hơn nếu tôi theo học kỹ thuật từ lúc 18 tuổi, thay vì nghe lời bố mẹ.
Còn những sinh viên Việt Nam khác, tại sao "những công việc hấp dẫn nhất của thế kỷ 21" lại không hấp dẫn họ, như với người Trung Quốc và Ấn Độ?
Có nhiều lý thuyết để giải thích hiện tượng này. Một số người cho rằng sinh viên người Ấn Độ và Trung Quốc giúp đỡ nhau trong quá trình thực tập và phỏng vấn công việc. Ví dụ, họ sẽ tạo ra các nhóm học thêm để chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn tương tự chuẩn bị thi đại học. Vì giáo dục kỹ thuật ở Trung Quốc và Ấn Độ rất cạnh tranh, việc học để thi là chuyện thường xuyên, và họ dùng những kỹ năng này trong bối cảnh của Mỹ. Đây là những giải thích cần nhưng chưa đủ.
Để hiểu rõ hơn về hiện tượng có tương đối ít ứng viên người Việt trong lĩnh vực học máy, khoa học dữ liệu, chính sách giáo dục đại học ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam trong năm thập kỷ qua có thể làm sáng tỏ thêm một số lý do khác. Ấn Độ quyết định từ những năm 1960 rằng họ muốn tham gia vào ngành công nghệ thông tin trên toàn cầu, và đã xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục kỹ sư hàng đầu là Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT). Những trường đại học này được xây dựng với sự giúp đỡ của các trường kỹ thuật tư nhân hàng đầu ở Mỹ như Stanford, Cornell, MIT. IIT mô phỏng các đối tác Mỹ trong việc đặt cơ sở hạ tầng ở những khu vực hẻo lánh để sinh viên có thể tập trung theo học một cách toàn diện. IIT với kết nối quốc tế đã gửi sinh viên đi du học, lấy bằng thạc sỹ, tiến sĩ trong các lĩnh vực kỹ thuật ở Mỹ.
Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận hơi khác bằng việc tạo ra hệ thống đại học phân tầng. Các trường hạng nhất như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Fudan, Đại học Thượng Hải - Jiao Tong cũng cung cấp giáo dục kỹ thuật rất tốt. Sinh viên tốt nghiệp từ những trường này theo đuổi bằng cao học, tiến sĩ ở Mỹ sau khi học xong đại học, và tên trường của họ thường được các ủy ban tuyển sinh biết rõ. Cả hai quốc gia đều cải tạo, và tài trợ giáo dục đại học chú trọng giáo dục kỹ thuật để có thể đào tạo ứng viên xuất sắc có tính cạnh tranh trên thị trường nhân lực quốc tế.
Quay trở lại với việc tôi không thấy được bóng dáng các bạn ứng viên người Việt. Có thể các bạn cũng như tôi, thiếu hình mẫu kỹ sư thành công trong gia đình và cuộc sống. Có thể các bạn không chọn khoa học dữ liệu, khoa học máy tính vì đó là lĩnh vực do nam giới thống trị, và đó là một lĩnh vực tương đối mới với nền giáo dục Việt Nam. Có thể vì hệ thống giáo dục đại học Việt Nam mới bắt đầu ưu tiên phát triển AI. Nhưng vài năm nữa sẽ khác.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, nhằm trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về AI trong khu vực ASEAN.
Đây là cơ hội để giáo dục kỹ thuật và giáo dục AI nhận được nhiều hỗ trợ hơn, nhằm đào tạo nên một thế hệ nhân sự công nghệ cao tài năng - yếu tố góp phần quyết định đưa Việt Nam thành quốc gia hàng đầu về AI trong khu vực.
Thân Hạnh Nga Vnexpress |