ẢNH: NHÓM TÁC GIẢ
Heo đất trong văn hóa dân gian là "hiện thân" của đức tính tiết kiệm, sự bền bỉ cũng như tinh thần lao động sáng tạo, gắn liền với những ý niệm tốt đẹp và triết lý sống của người Việt bao đời nay.
Heo đất cũng từ đó dần "tiến vào" đời sống văn hóa Việt, trở thành mối liên kết giữa truyền thống và thế giới hiện đại, hiện hữu trong đời sống như món quà từ quá khứ. Trải qua những thăng trầm và biến đổi, heo đất vẫn vẹn nguyên tồn tại với nét đặc trưng đậm đà bản sắc người Việt nhưng cũng không quên "chuyển mình" để hòa vào cuộc sống trong thời đại mới.
Bà Nguyễn Thị Thuý Vy, giảng viên khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khẳng định những yêu cầu đặt ra cho nghề làm heo đất trong thời đại mới: "Trước bối cảnh chung của toàn cầu hoá, nghề truyền thống đang đối diện với sự biến động để tìm câu trả lời cho việc "tồn tại hay không tồn tại". Giá trị văn hóa không phải là cái "nhất thành bất biến". Vô hình trung, nếu văn hóa không giao lưu, tiếp thu và học hỏi thì chắc chắn sẽ mai một".
Cho đến nay, xưởng heo đất chú Hoàng là một trong số ít lò nung heo đất còn tồn tại ở Lái Thiêu. Cùng với sự biến đổi sâu sắc của xã hội trong thời đại kỷ nguyên số, nơi đây trở thành "nhân chứng" cho cả cuộc đời của nhiều nghệ nhân, những người đã dành trọn vẹn đời mình "giữ lửa" cho nghề.
Chật vật tìm chỗ đứng
Làng nghề làm heo đất tại Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương từng có thời kỳ sầm uất với hơn 200 hộ gia đình gắn bó. Thế nhưng, hiện nay, số lượng hộ sản xuất đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30 hộ nằm rải rác trong khu vực. Sự thay đổi này phần lớn bắt nguồn từ những vấn đề liên quan đến môi trường. Theo chủ trương của chính quyền tỉnh Bình Dương, các lò nung heo đất vốn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đã được di dời ra khỏi khu dân cư. Điều này, khiến nhiều hộ sản xuất gặp khó khăn, không còn "bám trụ" với nghề làm heo đất được nữa.
Chú Dũng đã dành cả đời mình gắn bó với xưởng
Trước đây, mỗi hộ dân tại Lái Thiêu thường thực hiện toàn bộ quy trình làm heo đất từ "A đến Z", đó là từ tạo hình, sấy khô, nung đến sơn vẽ. Song, việc di dời các cơ sở sản xuất đã làm thay đổi phương thức hoạt động của làng nghề. Nhiều hộ dân tại đây không thể thích nghi với điều kiện mới, đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến việc từ bỏ nghề. Chỉ một số ít hộ kiên trì "bám trụ" với nghề, giữ lại dấu ấn văn hóa của một làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.
So với thời kỳ hoàng kim, thị trường tiêu thụ heo đất tại Lái Thiêu đã sụt giảm đáng kể. Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới lạ và độc đáo đã khiến những con heo đất truyền thống dần mất đi sức hút, không còn được người tiêu dùng ưa chuộng như trước. Trên thị trường, những con heo nhựa bóng bẩy, bắt mắt với đường nét sơn đều đặn, tỉ mẩn và công nghiệp hơn, được nhập từ nước ngoài, đang chiếm ưu thế. Trong khi đó, heo đất dù mang đậm dấu ấn thủ công và truyền thống, lại phải chật vật tìm chỗ đứng, dường như chỉ còn được lựa chọn bởi những người yêu thích giá trị xưa cũ.
Theo nhiều nghệ nhân, nghề làm heo đất thu nhập bấp bênh, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, ngày nay thế hệ trẻ trong làng nghề không còn "mặn mà" nối nghiệp cha ông. Những người "bám trụ" với nghề chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi vẫn giữ tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với từng cục đất sét, xem đây không chỉ là kế sinh nhai mà còn là giá trị truyền thống cần được gìn giữ.
Làm heo đất là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, khi mỗi nghệ nhân phải dành nhiều thời gian chăm chút, tô điểm cho từng con heo. Suốt ngày dài ngồi cố định trong một tư thế, kết hợp với việc thường xuyên hít phải mùi sơn nồng nặc, khiến phần lớn những người làm nghề đều đối mặt với các vấn đề về hô hấp và cột sống. Dẫu vậy, vẫn có những người bám trụ vì tình yêu dành cho nghề. Cô Trang, một nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề, bộc bạch: "Nghề làm heo đất như ngấm vào máu tôi rồi. Đến nay, tôi còn làm là vì yêu nghề".
Theo TN