Người góp phần dựng biểu tượng trong lòng dân Đà Nẵng

(CTG) Là người dân của thành phố Đà Nẵng, mỗi buổi chiều tôi thường ra sông Hàn ngắm dòng nước lững lờ trôi và ngắm cây cầu Sông Hàn như một món ăn tinh thần đã ngấm sâu vào máu thịt. Mỗi lần ngắm nhìn cây cầu quay dây văng ấy, trong tôi luôn có một cảm giác đến kỳ lạ trào dâng, cầu quay Sông Hàn cùng với Ngũ Hành Sơn, Non Nước đã trở thành biểu tượng của Đà Nẵng. Doanh nhân Dương Viết Roãn một con người tâm và tài đã góp phần xây dựng nên biểu tượng đó.

Người nắm giữ linh hồn cây cầu

Gương mặt ngời sáng, vóc người tầm thước và nụ cười thật hiền. Tôi hỏi anh chuyện xây cầu Sông Hàn anh cười rồi nói: “Thành tích gì đâu, nhiệm vụ ấy mà, nhưng vất vả, khó khăn thì nhiều lắm, có những lúc tưởng như mình không thể thực hiện ý tưởng của mình được.” Và rồi anh bắt đầu kể về những khó khăn khi xây dựng cầu Sông Hàn ngày ấy: “Khi ấy Đà Nẵng có chủ trương xây thêm một cây cầu để mở rộng quy hoạch thành phố. Cầu phải vừa đáp ứng được nhu cầu đi lại trên cạn nhưng lại vừa phải đáp ứng được cả sự lưu thông đường thuỷ. 

Đứng trước bài toán đó anh cùng cộng sự đã “vắt óc” tìm phương kế, đã có không ít các công ty tư vấn thiết kế gửi phương án xây dựng cầu, thậm chí có cả hãng tư vấn thiết kế của Pháp cũng tham gia. Nhưng kinh phí đều rất lớn và không phù hợp với địa thế cũng như tính mỹ quan của thành phố.

Với phương án cầu quay mà Công ty 533 đưa ra, sẽ khắc phục được các nhược điểm trên lại tiết kiệm được gấp năm lần kinh phí so với xây cây cầu cao hẳn lên. Tuy nhiên, nếu tiến hành theo phương án này thì cũng không tránh khỏi những khó khăn. Đây là cây cầu quay dây văng đầu tiên ở Việt Nam, cũng là cây cầu thứ hai trên thế giới nên gần như không có kinh nghiệm thực tế gì. Hơn nữa, đây lại là cây cầu có nhịp quay lớn nhất từ trước đến giờ (60m). Chính vì vậy, đó thực sự là một thách thức rất lớn, và ngay từ ban đầu đã có không ít người tỏ ra hoài nghi, dao động.

 
 Đứng trước tình thế đó, một mặt anh tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố, một mặt anh phân tích tính khả thi để củng cố niềm tin đối với mọi người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp thiết kế, thi công cây cầu này. Cũng may, để củng cố niềm tin và khẳng định về mặt kỹ thuật, anh luôn nhận được sự ủng hộ, giúp sức của các thầy, các giáo sư đầu ngành của ngành và Trường đại học Xây dựng, trong đó phải kể đến GS. Lê Đình Tâm, người đã có những luận chứng khoa học hết sức thuyết phục để khẳng định cây cầu sẽ đi đến thành công. Nhờ có những luận chứng khoa học hết sức thuyết phục cho sự thành công của dự án cầu quay dây văng nên lãnh đạo thành phố cũng hết sức tin tưởng.


Đặc biệt là có được sự tin tưởng tuyệt đối và sự quyết tâm sắt đá của đồng chí Nguyễn Bá Thanh lúc đó là chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Không chỉ tin tưởng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh còn luôn theo sát chỉ đạo và kịp thời động viên. Phải nói rằng không chỉ các yếu tố kỹ thuật là trở ngại, mà đây còn là cây cầu có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân nên dư luận cũng đăc biệt quan tâm. Mặc dù là cây cầu thứ hai trên thế giới song nó lại có nhiều điểm mới khác biệt với cây cầu trước đó, đó là khẩu độ nhịp dài hơn, tải trọng lớn hơn,... Vậy vấn đề đặt ra: liệu kỹ sư Việt Nam lấy gì để đảm bảo rằng nhịp cầu sẽ quay, và quay theo nguyên lý nào? Đây cũng là mấu chốt của vấn đề bởi vì nguyên lí quay trên thế giới đã áp dụng chỉ dùng cho những cây cầu có tải trọng nhỏ hơn.

 Để khắc phục được điều này  anh đã nhận được sự góp sức rất lớn của khoa cơ khí Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Qua sự nghiên cứu nguyên lí hoạt động chung, kết hợp với thực tế về tải trọng và khẩu độ, anh đã đi đến quyết định áp dụng nguyên lí quay bằng hệ thống tời. Đây cũng là một điểm mới nữa mà cây cầu Sông Hàn được áp dụng. Đồng thời với hệ thống này, kết cấu cũng đơn giản và lại tiết kiệm rất lớn về mặt kinh phí. Là chủ nhiệm đề tài nên anh luôn phải chịu một áp lực rất lớn. Với một cây cầu có nhiều áp dụng kỹ thuật mới như vậy trong khi đó điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật thi công lại thiếu thốn, vì vậy việc thất bại hay thành công đều không thể nào biết trước được.
Có những lúc anh tưởng thể tiếp tục công việc. Nhưng sau đó nghĩ lại, mình đã bỏ biết bao nhiêu trí tuệ, công sức nên không thể thất bại được, không thể uổng phí được và điều quan trọng hơn cả là anh không thể phụ lòng tin của biết bao con người, của nhân dân Đà Nẵng đã tin tưởng. Nghĩ vậy, anh lại vững vàng đứng lên tiếp tục đương đầu với những khó khăn và thử thách……Và rồi, cây cầu đã được hoàn thành, từng đêm từng đêm nó vẫn cứ quay, quay một cách đầy tự hào và kiêu hãnh, quay để mở rộng cửa đón những chuyến hàng, đưa hai cánh tay khổng lồ mời gọi những bạn bè quốc tế đến với Đà Nẵng thân yêu”.

Khi cây cầu trở thành biểu tượng…

Tôi biết cầu Sông Hàn có ý nghĩa với người dân quê tôi nhiều lắm, nó không chỉ đơn thuần là một cây cầu độc đáo về thẩm mỹ, tiện dụng về giao thông mà nó còn là công trình được hoàn thành với sự đóng góp rất lớn của nhân dân theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì vậy khi cây cầu hoàn thành, nó đã củng cố vững vàng niềm tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền thành phố. Cũng từ đó, người dân Đà Nẵng luôn xem cầu Sông Hàn là một niềm tự hào, là biểu tượng của tình đoàn kết, của sức mạnh toàn dân.
 


 Còn anh, tôi biết một mình anh không thể làm nên cây cầu đó được nhưng nếu thực sự không có anh - một người đứng ra nhận trọng trách, bỏ biết bao tâm huyết sức lực vào cây cầu thì công trình này liệu có phải như cây cầu quay bây giờ không? Khi cây cầu đã trở thành biểu tượng cho thành phố tươi đẹp này cũng là lúc công lao của anh được ghi nhận. Công trình cầu Sông Hàn đã được Bộ Giao thông vận tải công nhận là công trình thiết kế chất lượng cao hạng nhất năm 2000, cá nhân anh được UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ GTVT tặng bằng khen. Đặc biệt hơn, năm 2001, anh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhận giải thưởng Sao Đỏ, giải thưởng cao quý của TW Hội LHTNVN và Hội đồng các nhà doanh nghiệp trẻ VN trao tặng. Đó là phần thưởng xứng đáng, là sự tôn vinh cho những đóng góp của anh vào những công trình giao thông quan trọng miền Trung, đặc biệt là những đóng góp của anh đối với cầu quay Sông Hàn.

Câu chuyện về cây cầu Sông Hàn đã thực sự thu hút tôi, song tôi biết đó chưa phải là tất cả những gì mà anh đã làm, đã đóng góp xây dựng cho quê hương. Thành công nối tiếp thành công, sau “chiến công” cầu Sông Hàn, Công ty 533 của anh lại tiếp tục tham gia thiết kế và thi công cầu treo Phò Nam (xã Hoà Bắc huyện Hoà Vang), đây là cây cầu mang tính chất xã hội rất lớn, nó góp phần vào việc thay đổi sâu sắc về đời sống kinh tế, xã hội của một vùng quê xa xôi của thành phố Đà Nẵng.

Tôi cứ nghĩ Dương Viết Roãn là người Đà Nẵng hay chí ít anh cũng là người dân miền Trung nên anh mới yêu cái thành phố này đến thế. Nhưng tôi đã hơi bị bất ngờ và có phần thêm nể trọng con ngươi này hơn bởi anh sinh ra ở huyện Nam Trực tỉnh Nam Định trong một gia đình vốn dĩ thuần nông.
Cũng như bao đứa trẻ tuổi thơ anh cũng chăn trâu, cắt cỏ. Nhưng là một cậu bé thông minh từ nhỏ nên Dương Viết Roãn đã sớm ý thức được sự vất vả mà từ đó vươn lên. Những tưởng, sau tháng năm học Đại học Giao thông khoa Công trình với tấm bằng ưu tú, lại được kết nạp Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Dương Viết Roãn sẽ tìm cho mình một vị trí ngay tại Hà Nội thì anh lại đến với miền Trung đầy khó khăn và thử thách. Nhưng “lửa thử vàng”, chí ít điều ấy anh đã đúng. Trời không phụ lòng anh! Những cố gắng của anh đã được đền đáp. 

Cây  cầu Sông Hàn sừng sững là một dấu ấn đáng nhớ song đó chưa phải là tất cả những gì anh đã làm… Còn biết bao cây cầu, những công trình đã in đậm dấu ấn của anh, như …., những cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại… và rồi đây sẽ là cầu Thuận Phước – một cây cầu treo (dây văng) lớn nhất Việt Nam mà anh làm chủ nhiệm tổng thể của dự án, một nốt son mới nữa của nhịp điệu Sông Hàn. Chẳng có tình yêu nào thiết thực hơn những cây cầu, những công trình mà anh đã gửi cả tâm hồn trong đó cho Đà Nẵng và cho cả miền Trung quê tôi.

Trở thành người lãnh đạo cao nhất của Tổng Công ty XDCT GT5 (Cienco5)...

Cuối năm 2002 anh được Bộ GTVT tin tưởng giao trọng trách làm quyền TGĐ Tổng Công ty. Trước những khó khăn của Tổng Công ty vào thời điểm đó, với tuổi đời chưa quá 40, không ít người tin rằng anh có thể trụ vững và lèo lái được con thuyền Cienco5 vượt qua khó khăn, sóng gió. Bằng niềm tin và ý chí sắt đá vốn có, anh đã cùng tập thể lao động Tổng Công ty từng bước đưa Tổng Công ty thoát khỏi khó khăn được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao. Một trong những công việc đã để lại dấu ấn khó phai của anh là đó là hoàn thành dự án cải tạo 400km đường QL1A đoàn từ Quảng Ngãi đi Nha Trang mà trước đó đã bị Quốc hội chất vấn nhiều lần vì tiến độ “rùa” của dự án. Chính điều này đã góp phần to lớn vào việc lấy lại niềm tin của các chủ đầu tư và các đối tác của Tổng Công ty, tạo tiền đề quan trọng để có được một “thương hiệu Cienco5” khá nổi tiếng của ngày hôm nay. Đó cũng là thử thách đầu tiên của lãnh đạo Bộ GTVT đối với một cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức thi công các dự án lớn như anh. Và chính nhờ sự vượt qua được thử thách này một cách ngoạn mục mà chỉ 6 tháng sau anh đã được lãnh đạo Bộ GTVT tin tưởng giao cho chức vụ Tổng giám đốc Tổng Công ty và sau đó do sự điều chuyển cán bộ của Bộ GTVT, đến tháng 7 năm 2004 anh được bổ nhiệm giữ chức vụ CT HĐQT Tổng Công ty. Trước những khó khăn chồng chất của ngành xây dựng các công trình giao thông vào thời điểm đó, với những thành công bước đầu của ngành kinh doanh địa ốc và bất động sản, đã có ý kiến cho rằng cần phải chuyển đồi ngành nghề truyền thống của Tổng Công ty là xây dựng để chuyển hẳn sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc. Những bằng nhãn quan sâu rộng của mình đã được tích tụ qua gần 20 năm công tác cộng với những phân tích, nhận định khoa học, anh đã cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đưa ra được chiến lược phát triển của Tổng Công ty mà cho đến nay sau gần 5 năm thực hiện mới thấy hết được giá trị của nó, đó là: phát huy ngành nghề truyền thống là xây dựng các công trình giao thông, đẩy mạnh sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc và bất động sản, coi đây là một ngành mũi nhọn, đột phá...Đẩy mạnh công tác đổi mới sắp xếp, nâng cao hiều hiệu quả SXKD của doanh nghiệp.

Nhịp cầu nối những bờ vui

Là thuyền trưởng của hơn 10 000 cán bộ công nhân viên, anh không chỉ hoàn thành xuất sắc trong việc hoạch định những bước đi lên của Tổng Công ty mà còn anh còn luôn thường xuyên quan tâm đến đời sống cán bộ, công nhân lao động. Xây dựng chính sách lâu dài về đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật gắn bó với Tổng Công ty.

Tri ân với gia đình cách mạng cũng là việc làm thường xuyên mà anh cùng tập thể cán bộ công nhân luôn hướng tới. Hiện nay đơn vị đã nhận phụng dưỡng suốt đời tám Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Phối hợp, hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông đến các vùng sâu, vùng xa, thực hiện chính sách, chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, đóng góp 2,7 tỷ đồng vào việc xây dựng cầu Phò Nam - Xã Hòa Bắc - Tp. Đà Nẵng, 500 triệu đồng vào xây dựng cầu Nông Sơn – Tỉnh Quảng Nam, hơn 800 triệu đồng vào việc xây dựng công trình đường Trần Khánh Dư – Quận Ngũ Hành Sơn Tp.

Triển khai xây dựng 40 ngôi nhà tình nghĩa cho các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra đơn vị còn huy động hàng chục triệu đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt,  nạn nhân Dioxin và các gia đình CBCNV trong đơn vị gặp khó khăn.

Ngoài ra anh còn tham gia giữ nhiều trọng trách trong các tổ chức do Hội liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam cũng như Ngành GTVT thành lập như:Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam khoá I và II, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Thành phố Đà Nẵng khoá I. Góp phần vào sự phát triển của ngành và của các doanh nghiệp trẻ trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.


Đến nay khi đã là chủ tịch HĐQT Cenco5 nhưng anh vẫn luôn nhớ như in những tháng ngày anh làm giám đốc Công ty 533. Anh nói: “Đó là thời gian khó khăn vất vả rất nhiều nhưng cũng là thời gian vinh quang và hạnh phúc trong cuộc đời của tôi”. Vâng cuộc đời này không có niềm vinh quang hạnh phúc nào mà người ta không phải nỗ lực phấn đấu vươn lên. Đối với anh con đường phía trước đang rộng mở. Tôi tin, bởi những gì anh đã có, đã trải nghiệm là một hành trang không nhỏ; tôi tin, bởi cái tuổi 45 của anh, cái tuổi mà người ta cho rằng đó là tuổi   cho sự sung thịnh nhất của tài năng và trí tuệ con người.

Cổng Thánh Gióng (tổng hợp)