Chu Đậu - Bến đỗ của một niềm đam mê
| |
Anh Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Xí nghiệp Gốm Chu Đậu |
Sinh ra ở Nam Sách - một vùng quê yên ả, thanh bình như bao vùng quê khác nhưng cuộc đời của Giám đốc Nguyễn Văn Lưu không bình yên như thế. Tiếp xúc với anh, được nghe anh tâm sự mới càng hiểu và thấm thía hơn nổi vất vả cực nhọc để có được những thành công của một con người giầu nghị lực và luôn cháy bỏng những đam mê. Anh chia sẻ: “Mình đã từng kinh qua rất nhiều nghề, từng sống cuộc sống của một người lính, một chiến sĩ công an, một anh thủy thủ, một thương gia…”. Chính sự trải nghiệm đó đã tạo cơ hội cho anh được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người để cuối cùng anh nhận thấy chỉ Nam Sách- quê hương mình mới là mảnh đất “ thiêng”, là nơi anh cần phải quay về. Nhìn đôi mắt sáng rực mỗi khi nói về vẻ đẹp của gốm Chu Đậu và tình cảm thấm đượm tự hào của anh dành cho mảnh đất quê hương đủ để chúng ta tin tưởng sự trở về của anh là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy vậy, để phục hưng một làng nghề đã thất truyền những hơn 500 năm quả là một bài toán khó. Chu Đậu được xem là làng nghề gốm cổ nhất Việt Nam (xuất hiện từ thế kỉ XIII, XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỉ XVI, nhưng sau do chiến tranh Trịnh - Mạc nổ ra nên làng nghề đã không còn tồn tại nữa). Những tưởng Chu Đậu đã bị lãng quên vào dĩ vãng, nhưng điều kỳ diệu đã đến: Năm 1980, ông Makato Anabuki - nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhìn thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray, thành phố Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, với giá bảo hiểm là 1 triệu USD. Qua quan sát chiếc bình cổ, ông Makato Anabuki đã nhìn thấy trên chiếc bình này ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút", tạm dịch là "Năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm Bùi Thị Hý, người châu Nam Sách vẽ chơi". Vốn đã có thâm niên công tác tại Việt Nam và đặc biệt cũng là một người say mê gốm cổ, ông Makato Anabuki đã xác định bình gốm cổ này có xuất xứ từ Việt Nam . Sau đó, ông đã viết một lá thư gửi ông Ngô Duy Đông (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng) nhờ thẩm định giúp xem chiếc bình gốm quý giá đó có xuất xứ từ làng gốm nào. Qua xác minh cho thấy, đó chính là bình gốm cổ của Chu Đậu. Ngoài chiếc bình cổ hoa lam đó, tại Chu Đậu còn phát hiện nhiều hiện vật quý khác. Đặc biệt là việc phát hiện 5 con tầu đắm ở Cù Lao Chàm trong đó có hàng vạn cổ vật là của gốm Chu Đậu. Lúc này, chính quyền và các nhà khảo cổ học đã nhập cuộc. Và như nhận thấy “sứ mệnh” của mình trong việc phục hưng lại một nghề cổ, một làng nghề truyền thống, Hapro đã đầu tư 24 tỷ đồng và cử anh Nguyễn Văn Lưu về giữ trọng trách gây dựng lại làng gốm Chu Đậu. “ Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng bằng niềm đam mê dành cho mảnh đất quê hương, cho gốm Chu Đậu, người thuỷ thủ năm xưa đã từng bước nhóm lên ngọn lửa thiêng Chu Đậu. Sau 8 năm gây dựng, giờ Xí nghiệp đã có một cơ sở vật chất khang trang (có hệ thống các Phòng- Ban;có khu trưng bày sản phẩm; khu sản xuất trên nền diện tích rộng hơn 30.000m2). Hàng năm, Xí nghiệp đã cho xuất xưởng hàng chục triệu sản phẩm sang hơn 50 nước trên thế giới. Tổng doanh thu của Xí nghiệp không ngừng tăng, trong đó tính riêng năm 2008 tổng doanh thu của Xí nghiệp lên tới 60 tỷ đồng.
Nhưng làm thế nào để gốm Chu Đậu xứng tầm với thương hiệu mà nó đã ghi danh trong lịch sử, xứng tầm với câu ca: "Có gốm Chu Đậu trong nhà/ Như là có cả ông bà, tổ tiên” thì Xí nghiệp gốm Chu Đậu không chỉ bằng lòng dừng lại ở những thành công hiện tại.
Trăn trở cho những dự tính tương lai
Nếu tính từ thời điểm những ngày đầu tiên về gây dựng Xí nghiệp gốm Chu Đậu (khi Chu Đậu vẫn là mảnh đất trũng để trồng cói, chăn thả vịt…) thì đến hôm nay những thành quả mà giám đốc Nguyễn Văn Lưu có được thật sự là những bước tiến dài. Nhưng làm thế nào để ngọn lửa thiêng Chu Đậu luôn cháy mãi, để gốm Chu Đậu đi vào tiềm thức của người dân không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới thì vẫn còn vô số những điều khiến giám đốc Lưu phải suy nghĩ, trăn trở.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thử thách đối với anh chính là những đổi mới trong việc nhận thức về thị trường. Theo giám đốc Lưu, năm 2009 thị trường ngoại không còn là thị trường chủ yếu và duy nhất của gốm Chu Đậu. Khai thác thị trường nội địa là hướng đi mà Chu Đậu quan tâm. Bởi do khủng hoảng kinh tế, nên việc xuất khẩu gốm sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Châu Âu gặp nhiều khó khăn (năm 2008 kim ngạch xuất khẩu giảm 5%- 7% so với các năm trước) . Do đó, việc thâm nhập vào thị trường nội địa được xem là hướng đi khả quan cho gốm Chu Đậu trong thời điểm hiện tại. Và cũng theo nhận định của Giám đốc Lưu thì trong quý I và đầu quý II năm 2009 hiệu quả của thị trường nội địa đem lại không kém thị trường ngoại.
Khó khăn lớn hơn khiến Giám đốc Nguyễn Văn Lưu phải trăn trở là làm sao để có sự kết hợp một cách hiệu quả giữa mở rộng sản xuất với du lịch làng nghề. Đây là một việc làm không đơn giản và rất cần sự nhập cuộc đồng bộ của nhiều ban ngành, trong đó đặc biệt là vấn đề quy hoạch đất nhằm xây dựng nơi ăn ở cho khách du lịch, xây dựng hệ thống giao thông, mở rộng xưởng sản xuất, xây dựng các trung tâm đào tạo nghề …Quả thật đây là vấn đề cần có thời gian, cần một nguồn vốn đầu tư lớn, một hành lang pháp lý đồng bộ, và hơn hết cần có những con người đam mê nghề gốm, có ý thức trong việc giữ gìn một nghề truyền thống đã làm rạng danh cho lịch sử dân tộc một thời.
Với Giám đốc Lưu, còn rất nhiều dự tính tâm huyết anh muốn thực hiện. Chẳng hạn như nỗi trăn trở khôi phục lại màu men "Tam thái” – men 3 màu đặc trưng của gốm Chu Đậu cổ ( hiện nay, Chu Đậu vẫn chưa tìm ra bí quyết để tạo ra màu men này). Để khôi phục màu men “Tam thái”, có lẽ Chu Đậu cần sự nhập cuộc của các nhà khoa học, của những chuyên gia nghiên cứu về gốm cổ…
Không chỉ là kinh tế, gốm Chu Đậu còn là Văn hoá. Làm thế nào để thổi hồn Văn hoá Việt vào gốm Chu Đậu cũng là điều khiến Giám đốc Lưu nung nấu. Với anh, Văn hoá Việt của gốm Chu Đậu không chỉ bó hẹp ở văn hoá làng quê cổ xưa mà nó còn mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Có thể là “bình cũ rượu mới” như anh nói, nghĩa là gốm Chu Đậu vẫn phỏng theo những kiểu dáng cổ, vẫn là màu sáng ngà với những vết rạn đặc trưng nhưng những nét vẽ, những hoa văn, những tên đất, tên người…. là những nét phóng bút của cuộc sống đương đại. Đây là sự cách tân trên nền những tinh hoa truyền thống của gốm cổ Chu Đậu.
Yêu gốm, yêu mảnh đất quê hương nên bên cạnh việc quảng bá thương hiệu, Giám đốc Nguyễn Văn Lưu còn muốn tôn vinh người đã khởi sinh ra nghề gốm Chu Đậu. Bà là Bùi Thị Hý - một nghệ nhân gốm toàn tài, một người phụ nữ sống cách chúng ta gần chục thế kỉ nhưng đã mang trong mình nhiều tư tưởng tiến bộ. Nhằm tôn vinh bà, sắp tới Tỉnh và các ban ngành liên quan sẽ có nhiều cuộc hội thảo chuyên sâu về vấn đề này.
Rời Chu Đậu, nhưng ánh mắt chan chứa tình yêu thương mà Giám đốc Lưu dành cho gốm Chu Đậu, cho mảnh đất Nam Sách quê hương anh vẫn theo tôi mãi. Dường như gốm đã ngấm vào máu anh, ám ảnh anh, truyền lửa cho anh. Nhìn anh tôi hiểu và thêm tin tưởng vào sự hưng thịnh không chỉ trong quá khứ và hiện tại mà cả trong tương lai của một làng nghề mang hai chữ CHU ĐẬU.
Theo Văn hóa doanh nhân