"Không biết làm gì"
Đ.N.H, học sinh lớp 11 một trường quốc tế ở Q.7 (TP.HCM), chia sẻ: "Em không biết làm gì cả. Công việc nhà chưa từng một lần làm. Chạy xe đạp hay xe máy đều không biết. Việc nấu ăn thì chỉ biết pha mì tôm vì… có sẵn hướng dẫn trên bao bì. Còn lại làm những món khác, em chịu". H. cũng nói thêm: "Hỏi về kỹ năng sống, em không có thật".

Có thể rèn luyện kỹ năng sống qua các hoạt động trải nghiệm thực tế. Trong ảnh: Những người trẻ đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Bình Phước để làm công tác tình nguyện. ẢNH: THANH NAM
N.T.G.N, sinh viên Trường ĐH Đồng Nai, không ngần ngại kể: "Mọi thứ trong nhà đều có mẹ lo, nên em không phải đụng tay đụng chân vào bất kỳ công việc gì, kể cả nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà. Chính vì thế, em cảm thấy mình bị hụt kỹ năng sống một cách trầm trọng".
Anh H.T.H (38 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM), có con đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay: "Con tôi chẳng thể làm những công việc cơ bản trong nhà, như: lắp ráp ống nước, rửa xe, ủi quần áo. Việc nấu ăn chắc chắn không thể biết. Ngoài ra, những thử thách như phân biệt bột ngọt và muối, các loại rau… cũng sẽ làm khó con. Và hễ gặp khó khăn, con lại gọi bố mẹ làm giúp".
Bà N.T.M.P (giám đốc một doanh nghiệp ở Q.Tân Bình, TP.HCM) kể chuyện hằng ngày phải đưa rước con trai đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Công thương TP.HCM, lý do vì con không biết chạy xe máy. "Con cũng thiếu kỹ năng giao tiếp ngoài đời thực, chẳng biết cách bắt chuyện với người khác. Khả năng thực hiện các công việc đời sống cơ bản hầu như không có. Thế nên khi gặp những tình huống bất ngờ trong cuộc sống, không biết phải xử lý như thế nào", bà nói.
Bà Trần Thị Nga (Giám đốc Công ty CP Help All 24/7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trong một lần tuyển dụng mới đây, khi hỏi các ứng viên là sinh viên đang thiếu những gì, kinh nghiệm hay kiến thức... Câu trả lời chủ yếu là kỹ năng sống.
Ông Nguyễn Trường Vũ (Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và vận tải quốc tế Phước An, chi nhánh TP.HCM) cho biết trong quá trình tuyển dụng, ông từng hỏi ứng viên có những kỹ năng sống nào, một số người đến ứng tuyển đã… im lặng.
"Tôi hỏi họ có biết nấu những món ăn đơn giản, làm việc nhà, tháo máy quạt để vệ sinh?... Họ trả lời không biết. Không phải một người mà nhiều người như thế. Đây là câu chuyện rất đáng để suy ngẫm", ông Vũ nói.
Theo chuyên gia kỹ năng sống Huỳnh Ánh My, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người trẻ (đặc biệt là gen Z) đang thiếu nhiều kỹ năng sống quan trọng. Lý do xuất phát từ sự thay đổi của môi trường sống, sự phát triển của công nghệ và cách giáo dục trong gia đình.
Bà My liệt kê như kỹ năng tự lập, ứng xử trước những tình huống thực tế ngoài đời. Vì được gia đình bao bọc quá mức, một số người trẻ ít phải tự giải quyết vấn đề. Họ chẳng biết nấu ăn, giặt đồ. Một thiếu hụt khác là kỹ năng giao tiếp trực tiếp, ứng xử xã hội, bởi họ chỉ quen tương tác qua mạng xã hội, thích giao tiếp ảo. Họ có thể "nhoay nhoáy" nhắn tin, thành thạo những ứng dụng video call, nhưng gặp khó khăn khi trò chuyện trực tiếp.

Theo các chuyên gia, nếu có kỹ năng sống, cơ hội được tuyển dụng cao hơn. ẢNH: THANH NAM
Cũng có những người trẻ dễ chán nản, bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thiếu kiên nhẫn với công việc hoặc mục tiêu dài hạn, vì thiếu kỹ năng tập trung, kiên nhẫn, xử lý áp lực. Vì ít tham gia các hoạt động tập thể từ nhỏ, nên có một bộ phận người trẻ thiếu kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác. Họ thiếu khả năng lắng nghe, khó làm việc chung với nhiều kiểu người khác nhau. Ngoài ra, cũng có trường hợp thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, xử lý áp lực, dễ căng thẳng, mất bình tĩnh khi gặp khó khăn. Để rồi khi gặp vấn đề, họ thường né tránh chứ không tập trung giải quyết.
"Nhiều người trẻ vì quá phụ thuộc và tin vào ChatGPT, các công cụ AI mà không tự tìm hiểu, sàng lọc xác minh thông tin, dẫn đến việc lười tư duy phản biện, thiếu hụt kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin", bà My nói thêm.
Để không cảm thấy choáng ngợp trước cuộc sống
Chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.Thủ Đức) nhìn nhận ngoài việc thiếu kỹ năng sống, không ít người trẻ đã và đang có tâm lý sống hưởng thụ, đặt những trải nghiệm cá nhân lên hàng đầu chứ chưa vội nghĩ đến tương lai; đồng thời có xu hướng "chỉ sống cho bản thân", muốn làm điều mình thích chứ ngại trách nhiệm.
"Không những vậy, theo chia sẻ của một số phụ huynh cho thấy một bộ phận gen Z thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Họ thường chi tiêu theo trào lưu, thích hưởng thụ hơn là tiết kiệm. Họ thậm chí sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu trước và trả nợ sau; hoặc có thể thoải mái chi mạnh tay, thật nhiều tiền cho đồ hiệu, những bữa ăn đắt tiền, cho những chuyến du lịch… Họ tiêu xài theo cảm hứng nhưng không có tiền tiết kiệm đề phòng khi cần gấp, hoặc những lúc gặp bất trắc, biến cố ập đến", ông Thịnh chia sẻ và nói: "Những người trẻ hiện nay là thế hệ thành thạo kỹ thuật số từ nhỏ, lớn lên trong môi trường được bao quanh bởi công nghệ. Họ có lợi thế về khả năng học ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu thiếu kỹ năng sống, con đường vào đời trở nên trắc trở, chông chênh hơn. Họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc, duy trì các mối quan hệ. Và chắc chắn một người trẻ được trang bị kỹ năng sống dễ thành công hơn một người trẻ thiếu những kỹ năng sống cần thiết".
Ông Thịnh cũng đưa ra lời khuyên: "Để không cảm thấy choáng ngợp trước cuộc sống, mỗi người trẻ đừng hời hợt mà cần ý thức, tự giác chủ động rèn luyện, nâng cao các kỹ năng sống để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Phụ huynh có con nhỏ đừng bao bọc con quá mức, mà phải bồi dưỡng, dạy con những kỹ năng cơ bản từ sớm. Ngoài ra, mong rằng người trẻ cần biết cân bằng giữa hưởng thụ và trách nhiệm. Không những vậy, hãy học cách biết ơn và trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Dù ở thời đại nào, khi công nghệ phát triển hay chưa phát triển đi chăng nữa thì kỹ năng sống không bao giờ lỗi thời, mà luôn cần thiết trong quá trình trưởng thành. Có kỹ năng sống sẽ giúp hoàn thiện, phát triển bản thân toàn diện hơn".
Theo TN