Nhà biến hình đa năng của học trò ngôi trường mang tên Bác

(CTG) Vừa chống lũ vừa có thể chống bão với chức năng tự động nâng lên, hạ xuống… là điểm nổi bật của mô hình “Ngôi nhà biến hình đa năng” được sáng tạo bởi nhóm học sinh lớp 7A1, trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội). Mô hình được trưng bày trong triển lãm Sáng tạo trẻ tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên quận Cầu Giấy thu hút đông đảo người xem.

Mô hình "Ngôi nhà biến hình đa năng" thu hút sự quan tâm của đông đảo thanh thiếu nhi

Ý tưởng nhân văn

Mô hình “Ngôi nhà biến hình đa năng” được thực hiện bởi nhóm 4 học trò lớp 7A1 trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành gồm: Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Danh Quang, Nguyễn Việt Quân và Nghiêm Minh Hà.

Nguyễn Trọng Hoàng kể: “Khi xem thời sự và đọc báo thấy cảnh người dân miền Trung ruột thịt thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, chúng em đã nảy ra ý tưởng thiết kế một ngôi nhà an toàn có khả năng chống cả bão và lũ để bảo vệ tính mạng con người và tài sản. Khi chia sẻ về ý tưởng này với các thầy, cô giáo ở trường chúng em đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình”.

Thế nhưng với những học sinh trung học cơ sở để thiết kế, lắp ráp được mô hình “ngôi nhà biến hình đa năng” hoàn chỉnh là điều không hề đơn giản. Dù các em đã tìm hiểu, học hỏi và tìm tài liệu trên sách báo, mạng internet nhưng vẫn thiếu kiến thức thực tế, nhất là về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, lịch học dày khiến nhóm học trò nhỏ gặp khó khăn về thời gian và nhất là chi phí.

Vì thế, thời gian đầu mô hình của các em được thực hiện từ những phế liệu như bìa các –ton. Tuy nhiên, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo trong trường. Vì thế, các em được hiện đề tài với sự hỗ trợ trang thiết bị của khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đặc biệt, vật liệu xây dựng mô hình được thay thế bằng nhựa mica.

Nhóm tác giả của mô hình "Ngôi nhà biến hình đa năng"

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Sau gần một năm nghiên cứu, lắp ráp với không ít lần phải “phá đi xây lại”, nhóm học trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành đã hoàn thành mô hình “Ngôi nhà biến hình đa năng”. Ngôi nhà là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại với các chức năng tự động hóa trong việc bật, tắt những trang thiết bị như: bóng đèn, quạt, ti vi, tủ lạnh… đặc biệt là hệ thống nâng lên và hạ xuống ngôi nhà qua smartphone.

“Khi có lũ ngôi nhà tự động nổi lên nhờ hệ thống phao và dây neo, chằng. Ngược lại khi gặp bão ngôi thì hạ thấp độ cao để làm giảm sức cản của gió. Vì thế, con người và tài sản được đảm bảo an toàn khi có thiên tai. Đặc biệt, ngôi nhà được thiết kế có thể chịu được cơn bão với sức gió cấp 6 đến cấp 7 tạo sự an tâm cho người dân” – Nguyễn Danh Quang cho biết.

Trước khi thực hiện mô hình, nhóm học trò đã tìm hiểu các sản phẩm nhà chống lũ khác để học hỏi những ưu điểm và khắc phục hạn chế. Những học trò nhỏ của ngôi trường mang tên Bác mong muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất để giúp cuộc sống của người dân miền Trung bớt khó khăn khi thường xuyên phải chịu thiên tai nhưng những năm qua.

Ngoài yếu tố truyền thống để phù hợp với điều kiện thực tế các địa phương, nhóm học trò còn mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mô hình. Vì thế, sản phẩm này đã xuất sắc đoạt 2 huy chương vàng Giải thưởng khoa học kỹ thuật tại Singapore vào 7/2019 (1 huy chương vàng giải thưởng, 1 huy chương vàng giải bình chọn).

Trọng Hoàng chia sẻ: “Hiện chúng em vẫn đang nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm. Chúng em cũng đã tính toán, với việc sử dụng vật liệu siêu nhẹ chỉ cần hơn 600 triệu đồng người dân đã có thể sở hữu một “Ngôi nhà biến hình đa năng””.

Ngoài thực hiện “Ngôi nhà biến hình đa năng”, với niềm đam mê khoa học nhóm bạn trẻ còn nghiên cứu, thực hiện nhiều sản phẩm sáng tạo khác. Hoạt động này không không chỉ giúp các em có thêm kiến thức mà còn rèn luyện được rất nhiều kỹ năng mềm trong cuộc sống.

“Mô hình “Ngôi nhà biến hình đa năng” được chúng em thực hiện khi vừa vào lớp sáu nên các thành viên trong nhóm hầu như chưa hiểu nhau. Vì thế, quá trình thực hiện sản phẩm có rất nhiều khó khăn xảy ra trong kết nối, trao đổi thông tin hay thống nhất ý tưởng. Tuy nhiên, chúng em đã biết đoàn kết, lắng nghe để làm việc nhóm hiệu quả. Đó là điều quý giá giúp chúng em trưởng thành hơn trong cuộc sống” – Danh Quang tâm sự.

Theo TTTĐ