Nhà nông trẻ đưa mật ong rừng xuất ngoại

CTG - Quê hương Hợp Tiến (tỉnh Hòa Bình) của nhà nông trẻ Đinh Công Thuần có nhiều nông sản như mật ong, gà thả vườn, lợn bản địa… Các nông sản có sản lượng lớn, song nông dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, điệp khúc "được mùa mất giá” thường xuyên diễn ra...

Từ thực tế đó, Thuần vận động một số hộ cùng thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường theo hướng hữu cơ và thành lập Hợp tác xã (HTX) Green Life.

Thuần cho biết, cậu luôn tự hào về tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, Thuần cũng nhận thấy nguyên nhân chính khiến nông sản địa phương chưa tìm được đầu ra ổn định là do bà con sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân vô cơ chưa đúng tiêu chuẩn. Bà con cũng chưa có sự liên kết trong sản xuất. Do đó, nông sản chất lượng chưa đảm bảo, người tiêu dùng không đánh giá cao.

Đinh Công Thuần
Chàng trai Đinh Công Thuần được trao giải thưởng Lương Định Của năm 2024

Khi quyết định khởi nghiệp Thuần chọn hướng đi riêng, đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm handmade thuần tự nhiên hướng tới tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Thuần vận động một số hộ cùng mục tiêu thực hiện mô hình và thành lập Hợp tác xã Green Life.

Thời gian đầu, một số thành viên còn e ngại. Tuy nhiên sau khi hiểu được mục đích hoạt động của hợp tác xã là mang lại hiệu quả kinh tế, giá trị nhân văn đến cộng đồng, các thành viên yên tâm hơn, nhiệt tình tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, môi trường như nến sáp ong, xà phòng tắm từ mật ong...

Bên cạnh đó, thành viên hợp tác xã tích cực tham gia các lớp tập huấn làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ do huyện và tỉnh tổ chức. Các thành viên được trang bị những bài học bổ ích về sự tôn trọng, yêu thương, bảo vệ đất đai, tự nhiên. Từ những hoạt động này, Thuần và các thành viên của hợp tác xã có những trái ngọt đầu tiên.

Đinh Công Thuần với sản phẩm mật ong rừng
Đinh Công Thuần với sản phẩm mật ong rừng

Năm 2022, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến của HTX Green Life đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh được người tiêu dùng đón nhận. Trước đó, hợp tác xã thực hiện liên kết với 13 hộ nuôi ong trên địa bàn.

Thành viên và các hộ liên kết đã thành công trong việc thuần hóa và nhân giống ong rừng. Quy trình quay lấy mật đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, đóng lọ thủy tinh với thể tích 350ml và 500ml.

“Quá trình làm các sản phẩm thủ công từ mật ong không hề đơn giản. Thời gian đầu mình phải đi học những khóa đào tạo ngắn hạn về làm sản phẩm thủ công. Mình coi trọng việc xây dựng thương hiệu, tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng. Việc sản xuất sản phẩm handmade của hợp tác xã luôn đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định”, Thuần cho biết.

Sau nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm nến sáp ong và xà phòng mật ong của hợp tác xã được giới thiệu tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ưu thế của nến sáp ong khi cháy không có khói giúp khử sạch mùi hôi. Mùi thơm của nến giúp giảm triệu chứng dị ứng, trị hen suyễn, giúp cải thiện hô hấp. Xà phòng tắm mật ong hỗ trợ dưỡng da khỏe tự nhiên, phòng các chứng dị ứng mẩn ngứa, giải độc và chống viêm da… nên được khách hàng yêu thích.

Nhà nông trẻ đưa mật ong rừng xuất ngoại
Đinh Công Thuần giới thiệu về HTX Green Life

Đặc biệt, năm 2024 sản phẩm mật ong rừng của hợp tác xã được xuất khẩu sang Anh. Đây cũng là lần đầu tiên Hòa Bình xuất khẩu mật ong rừng. Theo Thuần để có lô hàng đảm bảo chất lượng xuất khẩu, Green Life đã xây dựng định hướng sản xuất cụ thể từ khoảng năm 2017.

Các thành viên đã bắt tay chuẩn hóa từ khâu kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và đóng gói. Trong quy trình sản xuất chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến theo tiêu chuẩn ISO22000. Lần đầu tiên xuất khẩu số lượng không nhiều nhưng đây là một bước tiến lớn giúp sản phẩm OCOP Hòa Bình có mặt tại một trong những thị trường khó tính nhất.

Hiện Green Life chuyên sản xuất mật ong nguyên chất, mỗi năm, xuất bán 60.000 lít mật, mang về doanh thu 12,7 tỷ đồng, lợi nhuận 1,9 tỷ đồng. Không chỉ vậy, mô hình của Thuần còn tạo ra cơ hội việc làm cho 41 thanh niên địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, thành viên hợp tác xã không ngừng lan tỏa thông điệp sản xuất nông nghiệp xanh tới nông dân trong xã và các địa phương trong tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được Đinh Công Thuần được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2024.

Theo Tuoitre