Nhật ký chống dịch COVID-19 của bác sĩ Việt Nam: Trong phòng cách ly đặc biệt

"Khu vực cách ly đặc biệt, cấm thân nhân ra vào" - dòng chữ in hoa trên nền tấm bảng màu đỏ đủ thấy độ nghiêm trọng của những gì diễn ra phía sau nó.

Được lựa chọn, đó là sự tin tưởng. Tôi hiểu việc ngăn chặn được sự phát tán của ca bệnh đầu tiên sẽ mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang

Một nửa hành lang tầng 2 khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), từ khi có bệnh nhân cách ly, được đặt trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Hai ngày đầu tiên, tâm lý bệnh nhân ở khu cách ly rất hoảng loạn, lúc nào cũng phải có người túc trực trấn an, theo sát diễn biến bệnh lý. Những ngày sau khi tình trạng tạm ổn hơn, cứ 4 lần/ngày, mỗi lần ít nhất 1,5-2 giờ, các bác sĩ lại thay phiên nhau thăm khám bất kể ngày đêm.

"Thịnh ơi, tránh ra ngay"

Êkip đầu tiên được chọn vào phòng cách ly đặc biệt sáng 29 tết là bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (36 tuổi) và điều dưỡng Cam Xuân Thịnh (32 tuổi). Khoác trên mình bộ đồ bảo hộ cồng kềnh trông giống như "phi hành gia", nhiệm vụ trong phòng cách ly của họ là trấn an tâm lý, hướng dẫn bệnh nhân tập thở, vỗ lưng khạc đàm, vận động tăng sức cơ, tiêm truyền kháng sinh và phết họng lấy mẫu xét nghiệm...

"Thịnh ơi, tránh ra chỗ khác ngay" - giọng bác sĩ Sang la lớn khi nhìn thấy bệnh nhân Li Ding (người mắc COVID-19, nay đã khỏi bệnh) có biểu hiện chuẩn bị hắt hơi. Chỉ tích tắc vài giây, điều dưỡng Thịnh may mắn né kịp, tránh khỏi dịch tiết bắn ra từ miệng người bệnh. 

Ít phút sau, trong lúc làm thủ thuật phết họng lấy mẫu bệnh phẩm, Thịnh bất cẩn đứng đối mặt với người bệnh. Một lần nữa, bác sĩ Sang lại phải "nhéo" lưng để nhắc Thịnh chú ý đứng qua một bên, tránh các cơn ho có thể bắn vào mặt bất cứ lúc nào. 

"Không tránh kịp, tất cả dịch tiết bắn dính trên người, và dù có đồ bảo hộ nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao", bác sĩ Sang thận trọng.

Chính kinh nghiệm chống dịch nhiều năm đã cho bác sĩ Sang có một phản xạ rất tự nhiên. Để không bị động trong mọi tình huống, bác sĩ Sang nói đầu tiên khi vào phòng cách ly con mắt phải "quét" những vị trí có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất để tránh, các hành động thăm khám, lấy mẫu, sử dụng thuốc, truyền dịch... đều phải được tính toán kỹ càng.

Mọi việc không hề dễ dàng

"Họ là người nước ngoài, nhiễm virus hoàn toàn mới, lại sống trong phòng cách ly những ngày giáp tết ở một đất nước xa lạ, quả thật rất hoang mang". Vậy là những ngày ấy, ngoài nhiệm vụ chăm sóc điều trị, các bác sĩ dặn lòng phải vững tâm giải thích cặn kẽ cho người bệnh. 

Ngoài các bác sĩ có sức khỏe, kinh nghiệm, gần 30 cán bộ nhân viên y tế khác cũng xoay tua túc trực "vòng trong, vòng ngoài" cho người bệnh một cách tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thế nhưng mọi việc không hề dễ dàng. Trong phòng cách ly, người bệnh như ông Li Ding tỏ ra rất khó chịu, hết đứng lại ngồi. Tuổi cao, nhiều bệnh nền, cộng với sốt ở mức trên 39,5 độ không giảm, ông dễ cáu bẳn với bất cứ nhân viên y tế nào tiếp xúc. 

"Ổng nghĩ mình bị giam cầm nên liên tục vung tay ký hiệu đòi được thả ra ngoài. Rồi không chịu đeo khẩu trang. Bác sĩ chích thuốc, ông liên tục thắc mắc đây là thuốc gì và tại sao phải chích. Lúc lấy máu hoặc phết họng lấy mẫu bệnh phẩm, các bác sĩ đều vấp phải phản ứng gay gắt từ người bệnh này" - bác sĩ Sang kể.

May mắn cho các bác sĩ khi người con Li Zichao trẻ tuổi, có thể nói được tiếng Anh. Thông qua việc giải thích gián tiếp này mà ông Li Ding dần hiểu ra vấn đề của mình. Từ hoài nghi không tin tưởng hợp tác, cứ mỗi sáng khi thấy bóng dáng các bác sĩ vào thăm khám, làm thuốc, tập vật lý trị liệu... ông lại vui vẻ chủ động chạy ra cười giống như gặp lại người thân quen vậy.

Bác sĩ Sang chia sẻ trong những ngày ấy người con vừa là bệnh nhân nhưng cũng là cầu nối gắn kết giúp công việc điều trị thuận lợi. Chỉ nói chuyện vài lần nhưng giữa bác sĩ Sang và bệnh nhân Li Zichao đã có một sự thân quen đến lạ. "Anh ấy trao đổi rất thẳng thắn, cởi mở. Sau vài lần, tôi cảm nhận giữa mình với Li Zichao như hai người bạn chứ không còn là bác sĩ và bệnh nhân". Và điều đó trở thành tiền đề cho quá trình hồi sinh của hai cha con trong suốt 21 ngày cách ly điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Gác lại niềm riêng

Dù không phải trong ca trực nhưng từ đêm 28 tết, bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Sang được trưởng khoa Lê Quốc Hùng gọi điện lựa chọn vào bên trong phòng cách ly đặc biệt những ngày tới. Là người cha có con nhỏ 3 tuổi rưỡi, vợ đang mang thai tháng thứ 7, nhưng khi "vào trận chiến đấu" với virus corona với bác sĩ Sang lúc nào bản thân cũng sẵn sàng vào cuộc.

Những ngày ấy, khi đứng trước loại virus quá mới và không biết cơ chế lây bệnh cụ thể, bác sĩ Sang nói có lo lắng nhưng "cố kìm nén". Anh không muốn thể hiện sự lo lắng ấy ra ngoài để gia đình, đồng nghiệp và người bệnh cảm thấy bất an thêm.

Còn với điều dưỡng Cam Xuân Thịnh, được tham gia trong đợt chống dịch này cho anh nhiều bài học. Ngày điều dưỡng Thịnh vào làm việc ở khu cách ly, Thịnh đã nhắn về gia đình: "Hôm nay con làm tại khu vực cách ly đặc biệt, không dùng điện thoại được. Không có gì đặc biệt thì đừng gọi cho con nhé", lời nhắn gửi ngắn gọn phần nào nói lên quyết tâm của chàng trai có thâm niên 4 năm làm việc tại khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện.

Kể từ khi bước chân vào môi trường công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, cũng là lúc gia đình của Thịnh hiểu rằng "nếu có đợt dịch mới, Thịnh phải vào cuộc". Và không chỉ với gia đình, từ khi được lựa chọn, Thịnh gần như "cách ly" với người thương yêu của mình để toàn tâm phục vụ người bệnh.

Và không chỉ bác sĩ Sang, điều dưỡng Thịnh, còn rất nhiều nhân viên y tế của bệnh viện chấp nhận mọi nguy cơ, gác lại nỗi niềm riêng tư để cùng hướng đến một mục tiêu cao cả là cứu sống người bệnh.

Mặc đồ bảo hộ làm việc vẫn giữ liên kết về mặt ngôn ngữ

Với đồ bảo hộ nặng gần 2kg, lại khá cồng kềnh phần nào khiến việc xử lý các tình huống cần sự tỉ mỉ hạn chế. Bởi vậy khi vào phòng cách ly, các bác sĩ phải đi theo êkip từ 2-3 người và phải luôn giữ liên kết về mặt ngôn ngữ và cả hình thể.

"Với đồ bảo hộ như thế làm cho cơ thể dễ bị mất nước và năng lượng rất nhanh. Nếu không kịp làm quen, người mặc dù khỏe mạnh chỉ trong vòng 15 phút là cảm thấy khó thở, kèm theo đó là các triệu chứng choáng váng. Trong phòng cách ly, nếu các thao tác không chuẩn thì đừng nói chuyện điều trị cho người bệnh, khả năng bản thân bác sĩ phơi nhiễm rất cao", bác sĩ Sang nói.

(Còn tiếp)

Nguồn: TTO

T.LN2