Chúng tôi xin khởi đăng nhận định của TS Nguyễn Quang A về các tập đoàn kinh tế nhà nước thông qua cái nhìn của riêng ông. Rất mong nhận được hồi âm của độc giả xung quanh các ý kiến rất đáng chú ý này.
|
Quá mức và điều chỉnh
Các chuyên gia đã cảnh báo từ hơn bốn năm nay về các tập đoàn kinh tế nhà nước. Chúng đã được thành lập mà không có cơ sở pháp lý tương ứng. Ngoài ra, các tập đoàn hoạt động không hiệu quả và nhiều cảnh báo về những rắc rối pháp lý, kinh tế và khả năng đổ vỡ đã được đưa ra. Song đáng tiếc, nhiều người đã quá “say sưa với mô hình vĩ đại” với “các quả đấm thép”. Sự đổ vỡ của Vinashin phải là một lời cảnh báo nghiêm túc để kịp thời ngăn chặn những ý tưởng tương tự.
Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ lệ cao (trên dưới một nửa) trong tổng đầu tư xã hội nhưng tỷ lệ đóng góp vào thu nhập quốc dân (GDP) không cân xứng, chỉ ở mức 37-39% và tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% tổng số lao động.
Suốt hàng chục năm, khu vực kinh tế nội địa, mà có lẽ chủ yếu là khu vực kinh tế nhà nước, luôn nhập siêu ở mức cao, khu vực đầu tư nước ngoài lại xuất siêu. Nói cách khác, các doanh nghiệp nhà nước đã tiêu dùng và đầu tư hơn mức nó tạo ra rất nhiều trong thời gian dài. Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát.
Ý tưởng về có các doanh nghiệp quốc doanh, các tập đoàn mà nhà nước đầu tư và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo để làm công cụ cho Nhà nước điều khiển không phải là lựa chọn khôn ngoan vì Nhà nước không phải lúc nào cũng điều khiển được chúng (vấn đề về người ủy thác, người chủ (nhà nước) và những người được ủy thác).
Nên tận dụng tình trạng khó khăn hiện nay của Vinashin để xem xét lại tận gốc rễ căn nguyên của vấn đề và đẩy nhanh việc cải tổ không chỉ Vinashin mà cả các tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung.
Không còn là mặc nhiên
Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước đã có những thay đổi trong quan niệm của Đảng và được ông Trần Đức Nguyên, nguyên trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng tóm tắt lại như sau:
Đối với kinh tế quốc doanh, nhận thức về vị trí của khu vực kinh tế này được điều chỉnh từng bước trong tiến trình đổi mới. Đại hội VI (12-1986) gắn vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh với việc “chiếm tỷ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông”; Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) vẫn đặt quốc doanh vào vị trí chủ đạo, nhưng “không nhất thiết chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành, nghề”.
Vào đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước), kinh tế quốc doanh đang nắm vai trò chi phối nền kinh tế với 12 nghìn xí nghiệp (toàn bộ vốn đều thuộc Nhà nước), chiếm tỷ trọng lớn và giữ những vị trí then chốt trong các ngành phi nông nghiệp. Cương lĩnh 1991 chỉ nêu gọn “Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”.
Chiến lược 1991 nói rõ hơn: “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động mà các thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh... Những cơ sở không cần giữ hình thức quốc doanh thì Nhà nước chuyển hình thức kinh doanh, hình thức sở hữu hoặc giải thể, đồng thời có chính sách giải quyết việc làm và đời sống cho người lao động”.
Quan điểm này một mặt tạo tiền đề cho sự phát triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là kinh tế tư nhân; mặt khác, không coi vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh là điều mặc nhiên mà phải gắn với việc “sắp xếp lại, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý, kinh doanh có hiệu quả, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác, thực hiện vai trò chủ đạo và chức năng của một công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Các xí nghiệp quốc doanh hoạt động theo nguyên tắc tự chủ kinh doanh, tự trang trải và tích luỹ trong môi trường hợp tác, cạnh tranh; Nhà nước chỉ tài trợ có thời hạn cho một số cơ sở thật sự cần thiết”.
Chủ trương đó đã thúc đẩy việc đổi mới khu vực kinh tế quốc doanh, giảm mạnh số xí nghiệp, tiến hành cổ phần hóa và đổi mới cơ chế, nâng cao tính tự chủ của xí nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, khu vực quốc doanh chưa thật sự đảm nhiệm được vai trò chủ đạo vì nhìn chung kém hiệu quả hơn các khu vực khác, vẫn còn dựa dẫm, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước dưới nhiều hình thức và còn bị ràng buộc bởi cơ chế chủ quản của cơ quan hành chính.
Từ thực tế đó, để định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ, kiểm soát được các hoạt động trong nền kinh tế, Nhà nước phải sử dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế của mình, không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước, mà còn có các nguồn lực quan trọng khác, như ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác (ngoài doanh nghiệp nhà nước), dự trữ nhà nước, tài nguyên quốc gia, đặc biệt là đất đai.
Với nhận thức đó, Đại hội VIII (6-1996) xác định vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế không chỉ đặt vào các doanh nghiệp nhà nước mà dựa vào toàn bộ kinh tế nhà nước bao gồm đầy đủ các nguồn lực nêu trên. Quan điểm này điều chỉnh sự đánh giá quá mức về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách các doanh nghiệp này.
Theo Tiền phong |