Đề tài trên của nhóm sinh viên Công nghệ, kỹ thuật, môi trường K9 (Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị) có tên: Chế tạo thiết bị lọc nước từ nước ngầm bị nhiễm vôi.
Đại diện nhóm trình bày đề tài trước Ban giám khảo.
Sau khi trình bày đề tài này tại cuộc thi sáng tạo trẻ Innovative Generation, sáng kiến đã nhận được sự quan tâm của Ban giám khảo. Đề tài trên gây được sự chú ý và được lọt vào danh sách trao giải, bởi có tính ứng dụng trong thực tiễn.
Để xây dựng đề tài này, theo cô giáo Trần Thị Cúc Phương, giảng viên Khoa CNKT môi trường, xuất phát từ thực trạng nhiều địa phương có người dân sử dụng nước nhiễm vôi.
Đề tài về thiết bị lọc nước được chọn trao giải tại cuộc thi sáng tạo trẻ Innovative Generation
Nhóm của cô hướng dẫn đã thực hiện khảo sát tại các xã: Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) và các xã vùng Lìa thuộc huyện Hướng Hoá, đã nhận thấy thực trạng người dân sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng.
Nguy cơ khi sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người dân. Thiết bị này dễ vận hành, độ an toàn cao.
Nguồn nước tại một số nơi người dân đang sử dụng bị nhiễm vôi.
Bạn Trần Thị Thu, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, cả cô và trò đều có thời gian nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường. Để có được sáng kiến này cô giáo và trò đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, cân nhắc, xem xét đối chiếu với các sản phẩm hiện đang có mặt trên thị trường.
Theo mô tả của nhóm tác giả, thiết bị lọc nước có cột lọc chứa than sinh học chế tạo từ phụ phẩm nông nghiệp như vỏ tràm, vỏ lạc, cùi ngô... có biến tính với các ion photphat, cacbonat.
Quá trình hoạt động được tóm lược như sau, nước bị nhiễm vôi được bơm qua cột lọc để hấp thụ ion Ca2+ cho ra nước mềm. Sau khi vật liệu bão hoà, được tái sinh bằng cách ngâm vật liệu trong dung dịch NaCl. Sau đó dùng giấy thử độ cứng để kiểm tra chất lượng đầu ra của nước.
Nhóm sinh viên thảo luận về đề tài thiết bị lọc nước.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, trên thị trường hiện nay một số công nghệ có khả năng xử lý tốt nhưng lại tốn kém hoá chất, giá thành xử lý cao.
Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra những công nghệ vừa xử lý tốt, vừa có giá thành hợp lý là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình.
Việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Xét về ưu thế với các sản phẩm khác, sản phẩm lọc nước sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn bởi, độ làm mềm nước rất tốt, vận hành đơn giản, giá thành lại rẻ.
Nếu được đầu tư sản xuất, cho ra sản phẩm sẽ có giá chỉ từ 1,5-2 triệu đồng. Mức giá này được cho là phù hợp để nhiều người dân tiếp cận sản phẩm, sử dụng trong gia đình.
Cô giáo Trần Thị Cúc Phương nói rằng, đây là sản phẩm mang nhiều ý nghĩa trong thực tiễn. Nếu được đầu tư sản xuất, tạo sản phẩm sẽ cải thiện được chất lượng nước, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là những vùng khó khăn, vùng miền núi.
Theo Dân trí