Những người phụ nữ chọn nghề... không yếu đuối

(CTG) Diễn viên cascadeur, võ sĩ, phượt thủ… là những công việc vốn ít bóng hồng, nhưng vẫn có những cô gái chọn con đường này với đủ say mê.

 

Nữ cascadeur xinh đẹp Thanh Hoa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trần Thị Thanh Hoa: Mạo hiểm vì cascadeur

Đang là huấn luyện viên dạy môn Karate, sau một lần theo bạn đi tập, chị Trần Thị Thanh Hoa mê mẩn với những cảnh bay người, đánh đấm. Gia đình và bạn bè kịch liệt phản đối chị "thử sức".

Càng tập luyện, chị càng thấy tò mò, thú vị, rồi trở thành đam mê của Thanh Hoa từ lúc nào không hay. "Không có công việc nào dễ dàng. Nếu không vì đam mê, tôi nghĩ mình sẽ chọn một công việc nhẹ nhàng và ổn định hơn", nữ cascadeur chia sẻ.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm nghề đóng thế, Thanh Hoa kể: "Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên. Vì yêu thích công việc này, chuyện tình cảm của tôi và người đàn ông ấy phải kết thúc, vì thành kiến từ phía gia đình anh. Đó là kỷ niệm buồn, nhưng tôi nghĩ bản thân cũng cần có những lựa chọn cho riêng mình. Tôi cần một người hiểu và yêu tất cả những gì là của tôi.

Tôi hiện độc thân, nên ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, tôi dành thời gian để thăm hỏi những người phụ nữ thân thương của tôi, đi ăn uống cùng với một số người bạn".

Thanh Hoa làm cascadeur để khán giả được chiêm ngưỡng những pha võ chân thực trên phim - Ảnh do nhân vật cung cấp

Phụ nữ không phải lúc nào cũng yếu đuối, phải cần một người đàn ông để nương tựa. Hãy sống mạnh mẽ và làm những gì mình thích. Hãy xem người đàn ông của đời mình là người bạn đồng hành, chứ không phải là người để mình dựa dẫm. Trần Thị Thanh Hoa

Hiện tại, chị Hoa và các thành viên của câu lạc bộ Cascadeur Quốc Thịnh (TP.HCM) đã tham gia hàng trăm cảnh đóng thế. Thế nhưng, người chị trong làng cascadeur vẫn trăn trở về nữ giới khi làm nghề này.

"Phu nữ làm cascadeur có nhiều bất lợi, như hạn chế về thể lực, sức chịu đựng và tuổi tác. Hiện nay, trong giới này, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 30%, và không phải ai cũng theo đuổi nghề đến cùng.

Nếu không yêu nghề, không nỗ lực, chắc chắn phụ nữ sẽ không gắn bó với cascadeur. Nhiều cảnh quay đòi hỏi sự mạo hiểm, thậm chí phải đánh cược cả sinh mạng.

Nnếu con cái thích, tôi vẫn tư vấn cho con biết những nguy hiểm của nghề, và ủng hộ sự lựa chọn của con để cống hiến những thước phim đẹp, chân thật đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả", chị nói.

Hamizah: Phái nữ tập luyện Taekwondo để bảo vệ bản thân

Bông hồng lai Hamizad - Ảnh do nhân vật cung cấp

Hamizah mang trong mình hai dòng máu Ấn - Việt. Nữ võ sư trẻ kể, rất nhiều người nói với bạn, con gái tập võ không phù hợp, hay người sẽ bị thô. Nhưng Hamizah nghĩ ngược lại: "Con gái tập Taekwondo sẽ giữ được vóc dáng thon gọn và sức khỏe dẻo dai hơn, lại có thể tự vệ".

1 huy chương Vàng Taekwondo học sinh toàn quốc, 2 huy chương Vàng giải Vô địch Taekwondo Đông Nam Á tại Việt Nam 2015, 1 huy chương đồng và 1 huy chương vàng giải Vô địch trẻ Taekwondo Châu Á 2015 tại Đài Loan, 1 huy chương vàng giải Vô địch Taekwondo Thế giới 2016 tại Peru và hơn 50 huy chương Vàng các giải vô địch Taekwondo trong nước. Đó là một trong số những tấm huy chương Hamizah (lớp 10 trường THPT Ngô Quyền, Quận 7, TP.HCM) giành được.

Võ thuật giúp Hamizah học được tính nhẫn nại, khiêm tốn, mở rộng được nhiều mối quan hệ, đi được nhiều nơi. "Là người luyện võ, người tập sẽ điềm đạm hơn. Và không phải tập võ sẽ trở nên thô kệch đâu. Em rất hay bị giật mình với những thứ nhỏ nhặt như côn trùng", cô nói.

Trên sàn đấu, cô gái 16 tuổi là võ sĩ đáng gờm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo cô bạn lớp 10, bình đẳng là một bước tiến mới trong việc phát triển xã hội. "Em nghĩ các bạn nữ nên sống thật với bản thân và sống cho bản thân mới là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, em cũng hy vọng mọi người thoát khỏi suy nghĩ việc này chỉ con trai hay con gái mới có thể làm được vì bây giờ ai cũng tài giỏi như nhau", Hamizah chia sẻ.

20-10 của nữ võ sư xinh đẹp vẫn như mọi người là đi học và tập luyện. Hiện tại, cô đang cố gắng tập để đạt được thành tích cao nhất tại giải Vô địch Taekwondo Thế giới tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 11.

Nguyễn Thị Kim Ngân: 291 ngày đạp xe đến Paris và 154 ngày quanh Đông Nam Á

Kim Ngân là tác giả quyển sách Nào, mình cùng đạp xe đến Paris. Trong chuyến hành trình rong ruổi từ An Giang (Việt Nam) đến Paris (Pháp) bằng xe đạp cùng người bạn trai Scotland, cô đi tìm câu trả lời mình là ai, bản thân đang làm điều gì.

"Năm đó, hội nghị Biến đổi Khí hậu COP21 tổ chức tại Paris. Tôi và bạn trai đã đạp xe đi qua các khu vực tuyên truyền về tình trạng nóng lên của trái đất để tới Paris tham dự những sự kiện bên lề hội nghị cùng các nhà hoạt động khác đến từ nhiều quốc gia.

Hành trình này là thử thách lớn lao cho tôi tại thời điểm ấy. Tôi không phải là người có kinh nghiệm trong việc du lịch đường dài bằng xe đạp và sức khỏe khá yếu do cơ thể gặp phải vấn đề tiêu hóa trong thời gian gần hết chuyến đi", cô kể.

Kim Ngân luôn trăn trở với những vấn đề về phụ nữ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau chuyến đi bằng con ngựa sắt đến Paris, Ngân quyết định lên đường đi quanh Đông Nam Á vào năm 2017 để tìm hiểu tư duy của phụ nữ trong khu vực. Trong chuyến đi, cô quan sát phụ nữ các cuộc gia để so sánh với Việt Nam và nhận thấy thực ra con người ở đâu cũng giống nhau.

"Nhiều phụ nữ bất hạnh do phải sống trong sự lệ thuộc vào thói gia trưởng của người chồng, hay sự nghèo đói, cũng có những người phụ nữ tự chủ trong hôn nhân. Số phận cuộc đời họ khác nhau có thể phần nào là từ tính cách, nhận thức của mỗi người", Ngân chia sẻ.

Theo cô, phụ nữ mạnh mẽ không cần phải tỏ ra ở vẻ bề ngoài. Cô trải lòng: "Nhiều người trông liễu yếu đào tơ nhưng rất có nội lực. Tôi thích mẫu phụ nữ hiện đại năng động, cá tính, có mơ ước, học thức và độc lập.

Nữ tính là khi chúng ta thể hiện tình yêu thương bằng ngôn ngữ cơ thể chứ không phải bằng những hành động quán xuyến tất tần tật công việc tề gia nội trợ, chăm lo con cái. Cũng như ở phong trào nữ quyền, đó là lúc phụ nữ có cơ hội xích lại gần nhau, chia sẻ nỗi niềm và tạo động lực để họ được sống là chính mình, chứ không phải nữ quyền là gồng mình lên thành đàn ông.

Ngân đạp xe tại Kyrgyzstan, nơi cô có trải nghiệm đổ đèo suýt chết vì đứt thắng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi không hề quan tâm đến 8-3 hay 20-10. Chừng nào phụ nữ vẫn vui mừng hân hoan chào đón hai ngày này thì họ vẫn còn bị mắc kẹt ở việc định vị bản thân. Tại sao chúng ta vẫn cần hai ngày tôn vinh phụ nữ mà có tới 364 ngày cho nam giới? Tôi mong rằng chị em luôn sống hạnh phúc, yêu bản thân nhiều hơn nhưng không phải ích kỷ, bởi mỗi ngày đều là ngày đặc biệt dành cho người phụ nữ tuyệt vời như chúng ta".

Việc đạp xe qua các nước và ở cùng người bản xứ giúp Ngân quan sát về cuộc sống, tư duy của phụ nữ để đưa vào cuốn sách thứ 9 mang tên Đường biên hạnh phúc. Mục tiêu của cô là săn học bổng liên quan tới văn học và nghiên cứu về phụ nữ, để phục vụ cho kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai.

Theo TTO