1 máy bằng... 10 người
Đó là hiệu quả của máy phun vôi 3-N-I “made in” Long An. Chủ nhân sáng chế ra thiết bị này và đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Long An năm 2015 là ông Trần Trọng Đức (54 tuổi), ngụ ấp An Hòa 1, xã Bình An, huyện Thủ Thừa. Khi tôi đến, ông Đức đang miệt mài bên cỗ máy trong bộ đồ bảo hộ lao động, tay lấm lem dầu mỡ. Sau khi trò chuyện, ông liền mang một số phụ kiện của máy ra giới thiệu. Máy được thiết kế gọn nhẹ, tháo ra, lắp vào thuận tiện. Sản phẩm được ứng dụng trong trồng trọt, nhất là cây ăn quả. Máy có thể phun dạng bột (vôi), dạng hạt (phân, hạt giống), dạng nước (thuốc trừ sâu, khử trùng,...) giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực trong sản xuất. Bình quân mỗi giờ, 1 người điều khiển máy phun vôi được gần 1ha, gấp 10 lần so với làm thủ công. Trong khi đó, giá mỗi máy phun vôi khoảng 3,5 triệu đồng.
Được biết, gia đình ông Đức chủ yếu trồng lúa nhưng do diện tích đất nhiễm phèn, xấu nên thường xuyên phải dùng vôi để cải tạo. Không đành bỏ ruộng nên hễ vào mùa vụ, ông lại nghỉ công việc ở xưởng cơ khí vài ngày để cùng vợ sớm tối ra đồng chăm sóc cây trồng. Có hôm, do rải vôi quá nhiều khiến ông bị bỏng cả da tay. Do đó, ông nghĩ đến việc mua chiếc máy có thể phun vôi, nhưng khi tìm hiểu trên thị trường thì phương tiện này khá đắt, hiệu quả lại không như mong muốn. Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng tự chế tạo chiếc máy. Cuối năm 2013, chiếc máy phun vôi đầu tiên hình thành, chạy thử, song có nhiều nhược điểm: Phun vôi không đều, bị nghẹt, bình chứa vôi cồng kềnh,... Vì vậy, ông tiếp tục cải tiến nhiều lần, cuối cùng đã thành công. Từ năm 2015 đến nay, ông cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước (Tiệp Khắc, Lào, Campuchia, Úc, Mỹ,…) hơn 1.000 chiếc máy. Hiện ông đang tập trung lắp đặt máy mới để kịp giao cho khách hàng ở Đài Loan.
Tận dụng phế phẩm chế biến thức ăn
Với mong muốn giúp người dân bớt nhọc nhằn, chăn nuôi hiệu quả, ông Đinh Văn Sơn, ngụ xã Long Sơn, huyện Cần Đước, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế các loại máy ép, sấy cám viên để tạo thức ăn từ tôm, cua, cá tạp, ốc bươu vàng, rau củ, bã đậu, bã bia,... phục vụ chăn nuôi heo, gà, vịt,...
Ông Sơn cho biết, năm 12, 13 tuổi, ông đã ước mơ sau này học ngành chế tạo máy hay làm việc gì đó liên quan đến cơ khí. Ông cũng khao khát làm được việc gì đó giúp người dân cải tiến công cụ lao động, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, ông chế tạo thành công chiếc máy ép, sấy cám viên. Sau đó, ông Sơn cho ra đời máy tự vận hành hút rầy và côn trùng có hại trên đồng ruộng, máy xử lý phân nhanh.
Với những sản phẩm của mình, ông Sơn đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân tỉnh phát động năm 2011-2012 và năm 2012-2013; giải nhì toàn tỉnh trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần 3 năm 2013-2014 với sản phẩm Máy tự vận hành hút rầy kết hợp phun thuốc trên đồng ruộng và được dự thi cấp Trung ương; giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016. Đặc biệt, ông còn được mời dự Đại hội gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015 và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX tại Hà Nội,…
Rút ngắn thời gian phun thuốc
Là nông dân chân đất, ông Võ Văn Lượm (58 tuổi), ngụ ấp 3, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, không nghĩ mình sẽ sáng chế được máy phun thuốc bảo vệ thực vật đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh. Ông Lượm kể: “Ngoài việc làm nông, tôi còn mở xưởng sửa chữa máy nông nghiệp, máy nổ cầm tay,… Gia đình trồng lúa quanh năm, các khâu đều sản xuất thủ công, không sử dụng máy móc. Mỗi mùa vụ, vào đợt phun thuốc, phải mất 1-2 ngày tôi mới phun xong. Vì thế, năm 2018, tôi nghiên cứu và sáng chế máy phun thuốc vừa nhanh mà hiệu quả hơn phun thuốc bình thường, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất”.
“Nhiều nông dân cho rằng, dùng máy này rất tốt, chức năng phun xịt đạt hiệu quả nhanh gấp 5 lần so với bình thường, trong khi chi phí xăng không đáng kể. Ngoài dùng cho gia đình, tôi còn cho hàng xóm mượn sử dụng. Chiếc máy phun thuốc này như “vị cứu tinh” giúp gia đình sản xuất hiệu quả hơn. Hiện chiếc máy này có giá 25 triệu đồng” - ông Lượm nói thêm. Thành công từ chiếc máy phun thuốc, hiện ông Lượm tiếp tục nghiên cứu, sáng chế sản phẩm thứ hai là máy xịt thuốc bằng bong bóng treo.
Những nhà khoa học “chân đất” như ông Đức, ông Sơn, ông Lượm đều có chung niềm đam mê sáng tạo để phục vụ sản xuất ngày càng hiệu quả, mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân./.
Theo Báo Long An
T.LN3