Những nhà nông trẻ sáng tạo

(CTG) Nhiều "nhà nông trẻ xuất sắc" được tôn vinh và nhận giải thưởng Lương Định Của là gương thanh niên tiêu biểu ý chí làm giàu, sáng tạo cải tiến khoa học, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp đóng góp tích cực vào việc xây dựng phát triển nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững của đất nước.

Về quê làm giàu từ rừng

Nguyễn Lê Ngọc Linh (SN 1990, dân tộc Thổ) đạt giải thưởng Lương Định Của năm 2022. Cô tốt nghiệp ngành Quan hệ Công chúng và Quảng cáo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có công việc mang thu nhập tốt và gia đình ổn định tại Thủ đô. Năm 2018, cô quyết định bỏ phố về quê Như Xuân - miền trung du xứ Thanh, xây dựng mô hình vườn rừng bản Thổ với vốn là tiền tiết kiệm của hai vợ chồng và 3ha đất đồi trọc mượn của bố mẹ. Cô lý giải đây là mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên đất đồi tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất.

Những nhà nông trẻ sáng tạo ảnh 1

Nguyễn Lê Ngọc Linh với sản phẩm của vườn rừng bản Thổ.

Cô từng bước kết nối nguồn giống trồng các loại cây bản địa, các loại cây có giá trị kinh tế cao kết hợp các loài cây rừng quý, các loại cây ăn quả, cây dược liệu và cây hoa màu. Đến nay, vườn rừng bản Thổ đã phủ xanh được 3ha đồi trọc với hơn 100 loài cây như lim, trám, dẻ, sả sịa, mắc khén, dổi nếp, cam, bưởi, ổi... cùng nhiều cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, kết hợp chăn nuôi ong, gà trong rừng. Đồng thời, cô đã xây dựng được sản phẩm mật ong lên men kết hợp với các dược liệu bản địa; thành lập hợp tác xã Bản Thổ để liên kết với người dân địa phương nuôi ong tại các bìa rừng. Bước đầu mô hình đã mang lại doanh thu 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 15 lao động địa phương.

Ở giai đoạn tiếp theo, mô hình hướng tập trung khai thác yếu tố văn hóa, du lịch, hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số tham gia mô hình du lịch văn hóa góp phần vào khôi phục, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa cổ truyền mang lại đời sống tốt hơn cho bà con địa phương.

Khởi nghiệp từ nuôi cấy biệt dược

Anh Ngô Xuân Điền (SN 1988) đạt giải thưởng Lương Định Của năm 2022, từng là "tay ngang" khi bước vào lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp. Anh tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngành điện - điện tử, có công việc ổn định ở UBND phường Trà An (Bình Thủy, Cần Thơ). Năm 2015, anh mày mò tìm hiểu, nghiên cứu đến với nghề trồng nấm linh chi đỏ và đông trùng hạ thảo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Những nhà nông trẻ sáng tạo ảnh 2

Ngô Xuân Điền khởi nghiệp với trồng đông trùng hạ thảo.

Ban đầu anh khởi nghiệp với một căn phòng khoảng 9 mét vuông bao gồm 1 máy lạnh, 1 nồi hấp. Sau nửa năm anh đã nuôi trồng thành công nấm Đông trùng hạ thảo đạt được tất cả các chỉ tiêu về hàm lượng dược chất. Từ đó anh đã nhân rộng mô hình này. Đến năm 2018, anh thành lập công ty CP Dược thảo Fungi. Hiện công ty có 5 dòng sản phẩm chính gồm nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, mật ong đông trùng hạ thảo, dầu gió đông trùng hạ thảo. Công ty có doanh thu hàng năm 1 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm 10 thanh niên.

Sáng tạo gạo mầm tươi

Lương Văn Trường (SN 1989) xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp ở Nam Định, tốt nghiệp khoa nông lâm ĐH Đà Lạt và trưởng thành qua Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã tại 64 huyện nghèo trên địa bàn cả nước, đã quyết định về quê trồng lúa. Anh tìm thuê được 12ha ruộng đất mà người dân canh tác cầm chừng hoặc bỏ không tập trung làm nhà máy, để thành lập ra nông trại Cờ Đỏ trồng lúa cách nhà gần 30km.

Vụ đầu thắng với lợi nhuận vượt kỳ vọng, nhưng nhanh chóng mất sạch cả vốn lẫn lời khi vừa xuống giống vụ mùa 2018 thì mưa tầm tã dài ngày, cánh đồng ngập nước. Thất bại này không chỉ mang đến kinh nghiệm cho anh mà còn mang tới ý tưởng để nghiên cứu ra loại hạt giống lúa nảy mầm sẵn. Với loại hạt giống này, người nông dân không cần ngâm ủ, chủ động về giống và thời gian xuống giống, giảm thời gian chuẩn bị giống và thời điểm xuống giống từ 5 ngày xuống còn 0 ngày.

Cùng với hành trình thành công hạt giống lúa nảy mầm sẵn, anh Trường và nông trại Cờ Đỏ đã áp dụng thành công trên nhiều loại hạt khác; có thêm sản phẩm gạo mầm tươi. Anh cũng đã kết nối với các thành viên thành lập ra HTX thanh niên Nam Đại Dương nhằm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dự án về hạt giống, gạo.

Với sự sáng tạo và thành quả trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững, nông dân Lương Văn Trường đã giành giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” toàn quốc năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức với dự án "Nông trại Cờ Đỏ"; là một trong 57 gương đoạt giải thưởng Lương Định Của năm 2021.

Biến bùn thải thành đất sạch hữu cơ

Anh Nguyễn Hữu Huy Hào (SN 1995) lớn lên ở Cà Mau, nơi có nhiều công ty chế biến thủy hải sản. Tình trạng nước xả thải từ các công ty này khiến sông, kênh, rạch tích tụ bùn thải tanh nồng khó chịu đã ám ảnh, thôi thúc anh theo học ngành Xử lý môi trường, ĐH Cần Thơ. Năm 2016, trong một buổi thực nghiệm ở trường, anh hiểu hơn cách xử lý nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản và nhận thấy bùn thải sau xử lý vẫn có ích cho nông nghiệp. Anh liền lên ý tưởng và kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn học để biến bùn thải thành bùn vi sinh. Năm 2017, anh Hào tung ra thị trường sản phẩm đất sạch hữu cơ NaTa với doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng. Hệ thống đại lý bán lẻ, nhà phân phối sản phẩm dần mở rộng ở nhiều tỉnh thành phố phía Nam.

Trên nền tảng đất sạch hữu cơ NaTa tự sản xuất, năm 2018, anh Hào “lấn sân” nông nghiệp công nghệ cao và thành công với mô hình trồng dưa lưới trên vùng đất nhiễm phèn, mặn và biên độ nhiệt cao, không ổn định của Cà Mau.

Sau nhiều năm phấn đấu trên nền tảng đất sạch từ bùn thải, anh Hào đã sáng lập và điều hành bốn doanh nghiệp, trong đó có các lĩnh vực dịch vụ xử lý bùn thải, trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng được hệ thống Cà Mau Farm ở Cà Mau, Bạc Liêu và Cần Thơ, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên địa phương. Anh được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2020.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của T.Ư Đoàn được tổ chức thường niên từ năm 2006, nhằm trao tặng những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Qua 17 năm, giải thưởng đã tôn vinh 2.050 thanh niên nông thôn xuất sắc trên toàn quốc.

Tháng 11/2022, T.Ư Đoàn đã ra mắt "Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc" nhằm tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, lan tỏa và tinh thần phát huy khởi nghiệp của các gương được tôn vinh.

Theo TP