Những thí sinh đỗ đại học nhưng vẫn chọn trường nghề

CTG - Dù điểm thi tốt nghiệp THPT cao, đủ điều kiện vào nhiều trường đại học nhưng không ít thí sinh vẫn chọn theo học trường nghề. Điều này cho thấy, các bạn trẻ đã thực tế hơn khi lựa chọn những lối rẽ vào đời.

Phù hợp với bản thân là tốt nhất

Nếu như trước đây, lựa chọn học cao đẳng nghề thường được gắn mác là “Học kém mới theo trường nghề”, thì hiện tại, quan điểm đó đã thay đổi. Học trường cao đẳng nghề đang trở thành một lựa chọn của không ít thí sinh, kể cả với thí sinh điểm tốt nghiệp THPT thuộc top đầu cũng vẫn lựa chọn học trường nghề.

Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2024, em Nguyễn Duy Lực (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đạt 27,75 điểm khối D01. Với số điểm này, chàng trai trẻ sẽ có nhiều lựa chọn vào các trường đại học. Tuy nhiên, Duy Lực lại chọn học nghề Công nghệ ô tô, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

 Nguyễn Duy Lực được trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội vinh danh có kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia
Nguyễn Duy Lực được trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội vinh danh có kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia

Duy Lực chia sẻ, gia đình vốn đã có nghề sửa chữa ô tô, từ ông nội, các bác và bố đều làm công việc này. “Khi biết kết quả thi tốt nghiệp, cũng có nhiều người thân, gia đình đã khuyên em nên học đai học, bởi nghề sửa chữa ô tô rất vất vả, độc hại nhưng em vẫn lựa chọn nối nghiệp gia đình.

Một lý do nữa là ở quê em có nhiều cử nhân nhưng ra trường đã lâu vẫn chưa xin được việc làm, em nghĩ, học gì thì sau này cũng vẫn cần có việc làm, học nghề sẽ dễ xin việc hơn, dù không làm ở nhà thì em cũng có thể dễ dàng xin được việc làm ngay sau khi ra trường”, Duy Lực tâm sự.

Gia đình luôn ủng hộ và là điểm tựa tinh thần cho Duy Lực
Gia đình luôn ủng hộ và là điểm tựa tinh thần cho Duy Lực (bên trái)

Bên cạnh đó, Duy Lực cũng cho rằng học nghề, chi phí học tập thấp, thời gian học được rút ngắn chỉ còn 3 năm. “Trường đại học hay cao đẳng với em không quan trọng vì mỗi bậc học đều có một lợi thế riêng. Học đại học có thể học rộng, sâu hơn. Còn học cao đẳng thực hành nhiều hơn, ra trường đi làm sớm hơn. Học ở trường nghề có cơ sở vật chất đầy đủ liên quan đến nghề của mình, thầy cô có kiến thức chuyên môn sâu. Đây sẽ là điều kiện tốt nhất để em nhanh chóng hoàn thiện tay nghề”, Duy Lực tâm sự.

Thực tế, khi học cao đẳng nghề, thời gian học tập được rút ngắn hơn đại học nên sinh viên có thể ra trường sớm để đi làm. Chương trình đào tạo tại trường cao đẳng cung cấp kỹ năng thực hành cần thiết để làm việc trong môi trường cụ thể. Ngoài ra, nhiều trường Cao đẳng còn có các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc ngay khi tốt nghiệp.

Ra trường có việc làm ngay

Thời gian đào tạo ngắn và khả năng làm việc ngay là mối quan tâm lớn nhất của Vũ Hoàng Hải (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) khi chọn vào học ngành công nghệ ôtô tại Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội thay vì đăng ký xét tuyển đại học năm nay.

Được đào tạo nghề từ sớm, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp và thành công  sớm
Được đào tạo nghề từ sớm, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp và thành công sớm

Chia sẻ về lý do chọn học cao đẳng nghề thay vì học đại học, Hải cho biết: “Sau quá trình tìm hiểu, khác với đại học, cao đẳng nghề có thời gian đào tạo ngắn, được thực hành nhiều, có thể đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng, đặc biệt là tìm được việc làm ngay khi ra trường. Vì thế nên em lựa chọn học cao đẳng”.

Đạt 27 điểm với tổ hợp Văn, Địa, Giáo dục Công dân, chàng trai trẻ có rất nhiều sự lựa chọn khi vào đại học. Tuy nhiên sau một thời gian suy nghĩ, Hải vẫn lựa chọn và cho rằng học nghề là phù hợp với bản thân. “Ngay từ đầu em đã định hướng học nghề nên trong quá trình học, em cũng không dốc hết sức. Vì thế khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT em rất bất ngờ. Chuyên ngành Công nghệ ô tô sẽ giúp em theo đuổi được đam mê tìm tòi và nghiên cứu về các mẫu xe cũng như đáp ứng được nguyện vọng của gia đình”.

Hải cho biết lộ trình cậu định hướng cho bản thân là học nghề 3 năm tại trường cao đẳng. Sau khi hoàn thành xong chương trình, Hải mong muốn học thêm chuyên sâu và ngoại ngữ để có thể bắt đầu sự nghiệp của mình tại Nhật.

Lựa chọn học nghề thay vì học đại học cho thấy tư duy chọn học để làm “thợ” thay vì làm “thầy” đang dần phổ biến hơn, bởi đích đến của các bạn trẻ là việc làm, là cơ hội khởi nghiệp rộng mở hơn.

Theo Tuoitre