Nữ thiếu tá quân y nhiều sáng kiến

(CTG) Được đồng đội yêu mến đặt biệt danh “vua sáng kiến”, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm - kỹ sư khoa Trang bị, Bệnh viện Quân y 4 (Cục Hậu cần Quân khu 4) có nhiều sáng kiến, cải tiến hữu dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho đồng đội và nhân dân.

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự loại giỏi năm 2013, nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Tâm về nhận công tác tại khoa Trang bị, Bệnh viện Quân y 4. Sau 10 năm công tác tại đây, chị đã trực tiếp tham gia sửa chữa, khắc phục nhiều hư hỏng của các trang bị máy móc y khoa, có nhiều ý tưởng, sáng kiến rất hiệu quả.

Thượng tá Trương Quang Thắng - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 đánh giá, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm là kỹ sư quân sự có trình độ chuyên môn về khoa học kỹ thuật với nhiều sáng kiến, cải tiến góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị của bệnh viện. Chị rất sôi nổi trong các hoạt động của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và là tấm gương sáng trong phong trào thi đua của đơn vị.

Những sáng kiến áp dụng hiệu quả vào công tác khám chữa bệnh của chị có thể kể đến, gồm: “Bộ sấy nhiệt cho máy rửa phim Dongmum của máy X - Quang”; “Mạch điều khiển bóng đèn tiêu điểm của máy X-Quang”; “Bộ điều khiển, hiển thị nhiệt độ tủ cấy vi sinh”; “Tủ bảo quản mẫu di động”; “Máy hỗ trợ chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi bán tự động”; “Máy rửa dược liệu”…

“Hằng ngày tôi cùng đồng đội trực tiếp sửa chữa, khắc phục những hư hỏng bất thường của các loại trang thiết bị. Chính trong quá trình sửa chữa đó, tôi đã hình thành ý tưởng cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của các thiết bị này”, chị Tâm chia sẻ.

 
Nữ thiếu tá quân y nhiều sáng kiến ảnh 1

Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm sửa chữa thiết bị y tế tại Bệnh viện Quân y 4. Ảnh: L.T.H

Nói về sáng kiến giúp cho bác sĩ phát hiện sớm các bệnh động mạch ngoại biên ở bệnh nhân với chi phí thấp, Thiếu tá Tâm cho biết: Hiện nay, tỷ lệ số người mắc bệnh này trên thế giới và ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên bệnh nhân thường không được phát hiện kịp thời. Khi phát hiện thường ở mức độ nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm, hoại tứ chi.

 

“Nếu sử dụng phương pháp thủ công đo lần lượt huyết áp từng vị trí cổ chân, cánh tay, sau đó thông qua các chỉ số đo để xác định chỉ số ABI sẽ mất nhiều thời gian và kết quả thu được độ chính xác không cao. Do đó, tôi đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo Máy hỗ trợ chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi bán tự động”, chị Tâm nói và cho biết, sáng kiến đã được Hội đồng Giải thưởng Nguyễn Viết Xuân Quân khu 4 và Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân ghi nhận và trao giải trong tháng 5/2023.

“Ngoài những sáng kiến trên, tôi đang tìm hiểu để nghiên cứu cải tiến hệ thống kính hiển vi lắp camera kết nối với màn hình hoặc hệ thống máy vi tính, điện thoại... qua mạng Internet phục vụ cho giảng dạy sinh viên, hội chẩn trong giải phẫu bệnh lý”, Thiếu tá Tâm chia sẻ thêm.

Theo TP