Nữ tiến sĩ dành 10 năm nghiên cứu thành công loại keo làm lành vết thương

(CTG) 10 năm nghiên cứu về vật liệu sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã thành công trong việc thiết kế một loại keo có khả năng “dán” vết thương, làm lành nhanh vết thương trong vòng 1 phút.

 

Sau hơn 10 năm miệt mài, năm 2017, loại keo thông minh do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981) tạo ra có thể dùng để cầm máu, diệt khuẩn và rút ngắn thời gian tái tạo mô. Đây là giải pháp tự tạm chữa vết thương, sơ cứu, tránh nguy cơ chảy máu ồ ạt và giải pháp này đặc biệt hữu ích cho những người sống xa bệnh viện.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, người có 10 năm nghiên cứu về loại keo làm lành vết thương nhanh

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ, keo sinh học được hình thành từ axit hyaluronic - một protein tự nhiên và chitosan - một chất được tìm thấy trong lớp vỏ của động vật có vỏ như tôm, cua... Keo cũng có thể có thêm các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin bột nghệ cho các mục đích ứng dụng cụ thể. Từ các thành phần bột, người dùng dễ dàng kết hợp, tạo thành keo ngay lập tức khi hòa tan với nước và dùng “dán” ngay vết thương tại nhà hay bất cứ nơi đâu. Trong trường hợp nạn nhân chảy nhiều máu, keo còn có chức năng cầm máu tức thời.

Theo kết quả nghiên cứu, keo rất tiện dụng, diệt khuẩn, tránh nhiễm trùng và làm lành các loại vết thương một cách nhanh chóng mà không cần các kỹ thuật khâu vá vết thương phức tạp. Đặc biệt, các gia đình, hay những người sống xa bệnh viện như nông dân, ngư dân, người công tác ở vùng núi, hải đảo… hoặc bất cứ ai bị thương cũng có thể sử dụng.

Nữ tiến sĩ cho biết: “Nếu nghiên cứu trước đây từng đạt giải quốc tế là mình tạo ra một hệ tải để khi người ta tiêm chất A qua B sẽ tạo thành keo. Còn ở đề tài lần này, tôi thấy rằng nếu tiêm thuốc A qua B bằng một tỉ lệ khác nhau thì sẽ tạo ra tính chất keo khác nhau. Trong cơ thể con người, mỗi loại mô cũng sẽ có những tính chất khác nhau, nếu mình khai thác loại keo này thì không riêng gì sử dụng ngoài da mà còn có thể dùng ở xương, nội tạng. Loại keo sắp tới mà tôi đang muốn phát triển sẽ mở rộng hơn nữa về mặt ứng dụng, tôi sẽ khảo sát ứng dụng trên da, trong xương hoặc dùng khi ghép nội tạng cũng như tải tế bào gốc”.

TS Nguyễn Thị Hiệp hiện là trưởng bộ môn Kỹ thuật Y sinh của trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM. Là tác giả của hơn 60 bài báo khoa học thuộc ISI, nữ tiến sĩ thường được ĐH Quốc gia TP.HCM khen thưởng.

Thành tựu nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hiệp cũng mở ra dấu ấn mới trong phát triển kỹ thuật mô và y học tái tạo tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp điều trị mới bằng vật liệu sinh học. Hiện nay, TS Nguyễn Thị Hiệp đang bước vào giai đoạn nghiên cứu tiếp theo trong việc phát triển keo thông minh trị lành thương. Sau khi thử nghiệm trên động vật, loại keo này đã được chứng minh khả năng hỗ trợ quá trình lành vết thương, lành tính, tái tạo tế bào tốt.

Ngoài ra, tính chất của keo thay đổi theo tỷ lệ thành phần vật liệu, nhờ đó ứng dụng của keo có thể được mở rộng. Giai đoạn tiếp theo, nhóm tiếp tục phát triển loại keo này để tiêm khớp gối, hoặc tải tế bào gốc, tái tạo mô cho những bệnh nhân ung thư.

Nghiên cứu “Keo thông minh điều trị lành vết thương” của TS Nguyễn Thị Hiệp đã lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 (lần thứ nhất).

Được biết, TS Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp cử nhân Hóa học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, TS Hiệp trở về nước làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật y sinh tại Trường ĐH Quốc tế.

Cô Hiệp có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Đến nay, TS Hiệp có hơn 60 công bố khoa học thuộc ISI, nhiều công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế, trong nước cũng như các bài báo khoa học trong các hội nghị quốc tế.

Tiến sĩ 8X này từng người đạt giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học tài năng năm 2016 của L’Oreal UNESCO, giải Nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ vì có những nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực y sinh. Năm 2018, cô tiếp tục được Quỹ L’Oreal và UNESCO trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới. Với những thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực tái tạo y sinh nói riêng và Kỹ thuật y sinh nói chung, TS Nguyễn Thị Hiệp được trao trọng trách “gánh vác” vai trò Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh của trường ĐH Quốc tế TP.HCM.

Theo Dân trí