Nuôi chim trĩ, thu bạc tỉ

(CTG) Sau 10 năm bỏ phố về quê lập nghiệp với mô hình nuôi chim trĩ, ong dú, anh Tô Vũ Thành Tín quê ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã gặt hái "quả ngọt". Mô hình kinh tế đã mang lại cho anh mức lãi ròng gần 1 tỷ đồng/năm.

Năm 2014, khi đang có công việc ổn định tại TP HCM, anh Tín đã quyết định quay trở về quê hương với quyết tâm khởi nghiệp, làm kinh tế nông nghiệp để có quyết tâm chăm sóc bố mẹ già.

Mô hình nuôi chim trĩ được anh Tín có ý tưởng sau khi đi công tác tại Bình Dương được tận mắt chứng kiến mô hình nuôi chim trĩ, một loài chim lạ, đẹp, có giá trị kinh tế cao.

Anh Tín đang kiểm tra đàn chim trĩ

Vay mượn được 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua chim giống. “Lúc đó tôi chỉ mua chừng hơn 60 con chim trĩ trong độ tuổi sinh sản và 100 con chim trĩ độ tuổi 2-3 tháng. Nhưng đàn chim non chết gần hết sau 1 tháng mùa đông dù đã thức đêm theo dõi và thắp điện sưởi ấm, tán đàn”, anh Tín nhớ lại.

Thất bại lần đầu tiên đã thôi thúc anh Tín phải quyết tâm học hỏi, tìm hiểu quy trình nuôi, chăm sóc loại chim này. Dù vậy, thất bại vẫn chưa rời xa anh khi năm 2015, đàn chim trĩ đang đến kỳ sinh sản bỗng dưng chết hàng loạt do ăn quá nhiều sỏi. Năm 2016, tiếp tục hàng nghìn con chim trĩ chết và hàng nghìn quả trứng trong lò ấp bị hư hỏng do lũ lụt.

Thất bại nối tiếp thất bại đã khiến anh Tín nghĩ đến việc từ bỏ. Tuy nhiên, vợ chồng anh luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để làm lại từ đầu.

Năm 2019, anh Tín đầu tư thêm các dòng chim trĩ 7 màu, chim công. Thế nhưng may mắn vẫn chưa thực sự mỉm cười với gia đình anh, đàn chim trĩ đang cho thu nhập ổn định thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh buộc anh phải bán bớt đi, chỉ để một phần duy trì.

Sau dịch, trang trại chim trĩ của anh dần khôi phục. Hiện nay, anh Tín nuôi chim trĩ 7 màu, chim công và gà cảnh, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Sau đó, trong lần cùng bạn bè vào núi chơi, anh Tín phát hiện tổ ong dú, một loài ong tí hon nên bắt về nhà nuôi thử. Tìm hiểu sâu, anh Tín nhận thấy mật ong dú rất hữu ích, giống như một loại dược liệu. Để gia tăng thu nhập, anh Tín đã bắt tay mở rộng mô hình nuôi ong dú.

Sản phẩm mật ong dú

Dù cũng gặp khó khăn lúc ban đầu như ong bay đi gần hết, anh Tín vẫn kiên trì làm lại. Hiện nay, anh đã sở hữu hơn 400 thùng ong, thu được khoảng 200 lít mật mỗi năm. Với giá mật ong dú dao động từ 1,6-1,8 triệu đồng/lít, anh Tín đã thu được hơn 270 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, các sản phẩm trong mô hình kinh tế của anh Tín đã được chứng nhận OCOP.

Hiện tại, mô hình nuôi ong dú lấy mật, nuôi chim trĩ, gà kiểng của anh Tin đã đem lại cho gia đình anh mức lãi gần 1 tỷ đồng/năm. Mô hình còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên cùng nhiều lao động thời vụ khác với với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Bí thư Huyện Đoàn Hoài Ân Lê Thanh Việt chia sẻ, Huyện Đoàn thường xuyên đưa các đoàn viên thanh niên trong huyện cũng như các đoàn viên thanh niên từ các tỉnh bạn đến địa phương đến tham quan, học hỏi mô hình kinh tế của thanh niên Tô Vũ Thành Tín. Bản thân anh Tín cũng rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương và luôn tạo điều kiện hỗ trợ các bạn đoàn viên thanh niên trong khởi nghiệp, như cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua tiêu thụ sản phẩm…

Năm 2024, anh Tô Vũ Thành Tín là 1 trong 3 gương nông dân trẻ nhất tỉnh Bình Định được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba với mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định.

KA