Nuôi thứ cá lạ trên tận đỉnh núi cao, dân tình thấy cứ hỏi cá gì mà nhìn như tàu ngầm mi ni

(CTG) Nhận thấy trên đỉnh núi Pù Lầu quanh năm mát mẻ, khí hậu trong lành, thanh niên trẻ người dân tộc Dao Đặng Hành Dũng, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã lựa chọn nơi này để khởi nghiệp với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi.

 

Nhận thấy trên đỉnh núi Pù Lầu quanh năm mát mẻ, khí hậu trong lành, thanh niên trẻ người dân tộc Dao Đặng Hành Dũng, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã lựa chọn nơi này để khởi nghiệp với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi.

Đỉnh Pù Lầu thuộc thôn Phiêng Phàng, nằm dưới chân núi Phja Bjoóc là nơi rất mát mẻ, yên tĩnh, nguồn nước đầu nguồn sạch, quanh năm lạnh ngắt, sườn núi có độ dốc cao, nước chảy mạnh rất thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi.

Nhận thấy lợi thế này, anh Đặng Hành Dũng đã bàn bạc với gia đình và quyết tâm bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình nuôi loài cá "quý tộc" này.

Anh Đặng Hành Dũng, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi.

Ý tưởng này đã được ấp ủ từ khi anh Dũng đang phục vụ trong quân ngũ. Vì vậy, sau khi ra quân trở về địa phương anh đã bắt tay vào biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Anh Dũng chia sẻ: "Nhận được sự ủng hộ của gia đình, tháng 2/2020 tôi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. Đỉnh Pù Lầu đường núi cheo leo, mọi thứ còn hoang vu, vắng vẻ. Trước đây, trên đỉnh núi này gia đình chỉ trồng cây dong riềng, nay lựa chọn để xây dựng mô hình nuôi cá đồng nghĩa với việc phải bắt tay vào san gạt đất, tạo mặt bằng, vận chuyển vật liệu để xây bể...".

"Đây là quá trình đầy gian khó, do giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển nguyên vật liệu không hề dễ dàng, phải dùng sức người, xe tắc tơ, có những đoạn phải dùng dây tời kéo vật liệu lên trên đỉnh núi, rồi tự mình đi tìm nguồn dẫn nước suối, mở đường, kéo điện, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước sạch từ đầu nguồn về bể", anh Dũng nhớ lại.

Với biết bao mồ hôi công sức, sau vài tháng anh Dũng đã hoàn thành việc xây bể để nuôi cá trên quy mô 300m2. Để có nguồn giống tốt, anh lặn lội lên tận huyện Sa Pa (Lào Cai) học hỏi kinh nghiệm và mua cá tầm giống, cá hồi giống về nuôi.

Những ngày đầu do còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi loài cá này nên khi nhập giống về thả đã có một lượng nhỏ cá tầm bị chết. Sau đó vừa làm vừa học hỏi trên mạng, vừa rút kinh nghiệm nên anh Dũng đã tích lũy được chút kiến thức về nuôi cá tầm, cá hồi để mô hình đi vào hoạt động ổn định.

Hiện nay, trên đỉnh Pù Lầu, anh Đặng Hành Dũng đang có 4 bể cá với 3.500 con cá tầm và 500 con cá hồi.

Anh Dũng chia sẻ thêm: "Cá tầm, cá hồi chỉ sống được ở nơi nước lạnh và dễ bị mắc bệnh nếu thiếu kỹ thuật nuôi và môi trường nuôi không đảm bảo. Vì vậy, để loài cá này sinh trưởng tốt đòi hỏi người nuôi cần đặc biệt chú trọng đến độ sâu của bể, độ lạnh của nước, đảm bảo nguồn thức ăn có chất lượng tốt, môi trường nước sạch, thường xuyên vệ sinh bể".

Sau nhiều ngày "ăn ngủ" cùng với cá, đến nay hàng nghìn con cá tầm, cá hồi của anh Dũng đang sinh trưởng mạnh, hiện nay cá tầm có trọng lượng khoảng 1,8kg/con; cá hồi có trọng lượng từ 1,7kg đến 1,8kg/con.

Giá bán cá tầm ra thị trường từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg; giá bán cá hồi 400 đến 450.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng từ xa khi biết đến mô hình của anh Dũng đã điện đặt hàng, một số thì vượt đường xa đến tận nơi vừa được tham quan, trải nghiệm vừa được chọn lựa mua cá ngay tại bể.

Trong tương lai, anh Đặng Hành Dũng (thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) muốn mở rộng quy mô nuôi cá và từng bước biến nơi này thành nơi tham quan trải nghiệm gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương.

Du khách có thể vừa đến tham quan cảnh đẹp núi rừng và được trực tiếp mua cá sạch, thậm chí thưởng thức món cá tầm, cá hồi ngay tại chỗ nếu có nhu cầu.

Theo Dân Việt