PGS.TS người Việt được bầu làm Viện sĩ Viện Kỹ thuật điện và điện tử quốc tế

CTG - Một trong những người Việt tiên phong nghiên cứu công nghệ lõi cho mạng 5G, 6G - PGS.TS. Ngô Quốc Hiển (Đại học Queen’s Belfast, Anh) vừa được bầu làm Viện sĩ Viện Kỹ thuật điện và điện tử quốc tế (IEEE) vì đã có thành tựu xuất sắc, đóng góp lớn trong lĩnh vực điện tử viễn thông.

Trích thư của Thomas M. Coughlin - Chủ tịch và Giám đốc Điều hành IEEE năm 2024:

Việc ghi nhận những thành tựu của các thành viên là một phần quan trọng trong sứ mệnh của IEEE. Hằng năm, sau một quy trình đánh giá nghiêm ngặt, Ủy ban Fellow (IEEE Fellow Committee) của IEEE sẽ đề xuất một nhóm cá nhân được chọn lọc để thăng cấp lên danh hiệu "IEEE Fellow" (tạm dịch: Viện sĩ, cấp thành viên cao nhất của IEEE). Chỉ dưới 0.1% số lượng thành viên có quyền bầu cử được chọn mỗi năm để thăng cấp danh hiệu thành viên này.

"Tôi rất vui mừng thông báo rằng Hội đồng Quản trị IEEE, tại cuộc họp tháng 11 vừa qua đã quyết định thăng cấp danh hiệu IEEE Fellow cho PGS.TS Ngô Quốc Hiển với những đóng góp cho MIMO (công nghệ lõi cho mạng 5G) khổng lồ ở quy mô tế bào và phi tế bào", Thomas M. Coughlin - Chủ tịch và Giám đốc Điều hành IEEE năm 2024 viết.

Viện Kỹ thuật điện và điện tử là một trong những tổ chức lớn nhất thế giới về kỹ thuật, công nghệ với hơn 460.000 hội viên đến từ 190 quốc gia. Hàng năm, Viện vinh danh hội viên có đóng góp xuất sắc để thăng hạng thành Viện sĩ (IEEE Fellow).

Theo PGS.TS. Ngô Quốc Hiển, trong lĩnh vực điện tử viễn thông, hiện anh là người thứ 4 từ trước đến giờ được thăng hạng thành Viện sĩ của IEEE.

PGS.TS người Việt được bầu làm Viện sĩ Viện Kỹ thuật điện và điện tử quốc tế ảnh 1PGS.TS người Việt được bầu làm Viện sĩ Viện Kỹ thuật điện và điện tử quốc tế ảnh 2
PGS.TS. Ngô Quốc Hiển (Đại học Queen’s Belfast, Anh) là một trong những người Việt tiên phong nghiên cứu công nghệ lõi cho mạng 5G, 6G và được vinh danh với nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực điện tử viễn thông.

PGS.TS Ngô Quốc Hiển đã có gần 200 công bố khoa học liên quan đến hệ thống Massive MIMO trên các tạp chí quốc tế uy tín và lọt top các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Anh được vinh danh là nhà khoa học trẻ xuất sắc của Đại học Queen’s Belfast; giải thưởng Early Achievement Award của Ủy ban kỹ thuật lý thuyết truyền thông (CTTC), Viện Kỹ sư điện và điện Tử (IEEE); giải thưởng IEEE Stephen O. Rice; giải thưởng IEEE Leonard G. Abraham… Đặc biệt, PGS.TS Hiển hiện là biên tập viên của 5 tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 3 tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông của hiệp hội IEEE.

Trước đó, anh Hiển chọn nghiên cứu về Massive MIMO (công nghệ lõi cho mạng 5G) khi được “bắt sóng” từ buổi thuyết giảng của GS Thomas L. Marzetta (hiện công tác tại Đại học New York, Mỹ) - người được coi là “cha đẻ” của công nghệ này. Thời điểm ấy (năm 2010), anh đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Linkoping, Thụy Điển. Lúc bấy giờ, với mạng không dây trên thực tế, trạm phát sóng chỉ trang bị vài ăng-ten. Trong khi, kỹ thuật Massive MIMO mà anh Hiển nghiên cứu lại dùng hàng trăm cho đến hàng ngàn ăng - ten để phục vụ cùng lúc nhiều thiết bị di động.

Sau nghiên cứu đầu tiên, hệ thống Massive MIMO đã được chứng minh hiệu suất năng lượng hơn rất nhiều hệ thống bấy giờ với những kỹ thuật đơn giản. Kết quả ấy đã góp phần chứng minh tính khả thi của hệ thống, thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới cùng nhau nghiên cứu phát triển.

Hiện tại, hệ thống đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt trong các mạng di động 5G nhằm cung cấp tốc độ truyền tải dữ liệu cao, giảm độ trễ, và cải thiện trải nghiệm người dùng.

 
 
PGS.TS người Việt được bầu làm Viện sĩ Viện Kỹ thuật điện và điện tử quốc tế ảnh 3

PGS.TS Ngô Quốc Hiển (thứ hai từ phải sang) đã có gần 200 công bố khoa học liên quan đến hệ thống Massive MIMO trên các tạp chí quốc tế uy tín và lọt top các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

 Theo TP