Linh hoạt vượt khó khăn
Từng là du học sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được mời làm việc trong nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới, vậy nhưng anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên (Hà Nội) đã từ chối để trở về Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe điện, pin xe điện.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường mức cao nhất từ trước đến nay, với 149.451 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. |
Với mục đích thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới thông qua phổ cập xe điện, đưa năng lượng sạch vào giao thông, anh Nguyên cùng đồng nghiệp thành lập Công ty Cổ phần phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors), chuyên sản xuất pin xe điện, xe điện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Selex Motors ra đời chưa lâu COVID-19 đã ập đến. Cách ly xã hội khiến cuộc sống ngưng trệ, nhu cầu đi lại không còn, xe điện sản xuất ra nguy cơ bị xếp vào kho. Đây là lúc anh Nguyên phải cân não để quyết định hướng xoay chuyển hoạt động của công ty.
“Dịch bệnh khiến nhà đầu tư vốn cũng không còn mặn mà. Để tồn tại qua khó khăn, chúng tôi sản xuất thêm sản phẩm máy rửa tay để có thêm doanh thu. Cả xã hội sống cách ly, chúng tôi loay hoay tìm đáp án cho câu hỏi: xe điện sản xuất ra để bán cho ai? Và trong khó khăn đó, chúng tôi quyết định chuyển hướng sản xuất xe điện cho người dân sang sản xuất xe điện cho vận chuyển, giao hàng - logistics”, anh Nguyên chia sẻ.
Kỹ sư thay pin cho xe điện Ảnh: Quỳnh Nga |
Sau cú xoay chuyển linh hoạt, anh Nguyên cùng cán bộ kỹ sư điều chỉnh thông số kỹ thuật của xe điện phù hợp cho giao nhận hàng, dành cho những người chuyên vận chuyển (Shipper). Chiếc xe điện giao hàng được thiết kế với thùng chứa hàng thuận lợi, vận chuyển được nhiều nhất. Theo tính toán, mỗi cục pin sẽ có quãng đường di chuyển lên tới 200km. Thay vì sạc như xe điện thông thường, anh Nguyên cung cấp lắp đặt trạm thay pin để tiết kiệm thời gian, chi phí sạc điện và được điều khiển hoàn toàn bằng phần mềm trên điện thoại.
“Nhờ việc chuyển hướng sang xe điện giao hàng, chúng tôi mang sản phẩm giới thiệu và ký cam kết mua sản phẩm với doanh nghiệp logistics lớn. Chính cam kết này đã giúp chúng tôi tiếp tục kêu gọi được vốn đầu tư. Hiện nay, xe điện giao hàng được nhiều doanh nghiệp giao hàng sử dụng và cùng với đó, chúng tôi lắp đặt trạm đổi pin. Xe điện giao hàng tiết kiệm so với xe xăng khoảng 35% chi phí nhiên liệu, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe nên được shipper và doanh nghiệp giao hàng rất ưa thích”, anh Nguyên nói.
Theo anh Nguyên, từ đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng sản phẩm của Selex Motors tăng lên nhiều lần. Nhiều quỹ đầu tư tìm đến Selex Motors tìm hiểu và mong có cơ hội hợp tác. Về lâu dài, khi sản phẩm xe điện phủ sóng rộng rãi, nhu cầu pin xe điện tăng mạnh, anh Nguyên dự kiến sẽ thiết kế trạm sạc, đổi pin sử dụng năng lượng mặt trời.
“Khi sản phẩm xe điện được sử dụng nhiều hơn, chúng tôi dự kiến sẽ lắp đặt trạm sạc, đổi pin năng lượng mặt trời. Điều này sẽ giúp sử dụng hiệu quả điện từ năng lượng mặt trời, không tạo áp lực lên hệ thống điện lưới hiện có ở đô thị”, anh Nguyên chia sẻ.
Bên trong doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giúp phòng ngừa, chống chấn thương cho người chơi thể thao |
Dịch COVID-19 cũng là lúc khiến nhiều start - up khác phải chuyển xoay linh hoạt để phát triển. Anh Lê Tuấn - người sáng lập thương hiệu thể thao GoodFit chuyên cung cấp các sản phẩm giúp phòng ngừa, chống chấn thương thể thao kể về câu chuyện để doanh nghiệp tồn tại qua khó khăn. Với kinh nghiệm phân phối sản phẩm thể thao cho nhiều thương hiệu lớn, anh Tuấn nói rõ mong muốn, không chỉ hướng tới mục đích lợi nhuận mà còn muốn có sản phẩm riêng của người Việt, từng bước xây dựng thương hiệu Việt. Trước định hướng đó, anh Tuấn lựa chọn hướng đi ngách với các dòng sản phẩm phòng tránh chấn thương trong tập luyện thể thao và cho ra đời thương hiệu GoodFit.
Để DN trẻ mới ra đời có thể phát triển, anh Tuấn lựa chọn hướng đi khác biệt, xây dựng sản phẩm phù hợp, tập trung phát triển thương hiệu. Anh tập trung nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng, chọn sản phẩm phù hợp và đặt nhà máy gia công sản phẩm tại nhiều quốc gia khác nhau. Tồn tại sau COVID-19, đến nay, thương hiệu của anh Tuấn đã có cả trăm mã hàng. Song song với chọn lựa sản phẩm sản xuất, anh Tuấn cho xây dựng thương hiệu, phát triển trên kênh online, xây dựng gian hàng chính hãng trên sàn thương mại điện tử, đồng thời cũng mở rộng hơn 80 đại lý phân phối chính hãng trên toàn quốc.
“Sau COVID-19, chúng tôi đầu tư phát triển nhiều hơn bởi ngày càng nhiều người tập luyện thể thao, quan tâm đến sức khoẻ. Phong trào thể thao phát triển mạnh với các môn như chạy bộ, đạp xe. Số khách hàng mua phụ kiện tập luyện luôn tăng trưởng”, anh Tuấn chia sẻ.
Khát vọng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh
Sau khi lựa chọn “lối đi ngách” để vươn lên sau dịch bệnh, anh Tuấn, anh Nguyên hướng tới xây dựng những doanh nghiệp, thương hiệu Việt. Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên chia sẻ, nhiều quỹ đầu tư đưa ra lời nghị, Selex Motors chuyển đăng ký hoạt động sang Singapore sẽ rót vốn đầu tư.
“Trong lúc khó khăn, chúng tôi từ chối lời đề nghị rót vốn kèm điều kiện chuyển hoạt động sang Singapore. Chúng tôi muốn từng bước xây dựng thương hiệu xe điện của Việt Nam với tương lai trở thành thương hiệu lớn tương đương như Tesla của Mỹ, Huyndai của Hàn Quốc”, anh Nguyên bộc bạch.
Cùng khát vọng trở thành doanh nghiệp Việt lớn mạnh, anh Tuấn chia sẻ, chọn con đường khó khăn, gian nan nhưng mang thương hiệu riêng của người Việt. Từ đó, từng bước tiến xa hơn.
“Chúng tôi không chỉ bán sản phẩm mà còn đem đến những giải pháp giúp những người chơi thể thao phòng tránh và hỗ trợ điều trị chấn thương hiệu quả. Phương châm kinh doanh và mong muốn của chúng tôi là mỗi người Việt sẽ ngày càng yêu thích và tập luyện thể dục - thể thao nhiều hơn, một cách an toàn hơn, từ đó có nền tảng thể lực và trí tuệ tốt giúp đất nước Việt Nam ngày càng phát triển”, anh Tuấn chia sẻ về ý tưởng start up của mình”.
Sau COVID-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp trẻ bung ra phát triển. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), trong 8 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường mức cao nhất từ trước đến nay, với 149.451 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, hơn 35 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh với hơn 2,5 triệu tỷ đồng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo TP