Phần mềm hỗ trợ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

CTG - Phần mềm hỗ trợ học tốt hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do hai học sinh ở TP.Cần Thơ thực hiện đã đoạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2024.

Chủ nhân phần mềm là Nguyễn Nhật Quang Vinh (lớp 11A2) và Huỳnh Nguyễn Anh Phương (lớp 10A1B, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ). Hai học sinh (HS) đã dành hơn 6 tháng nghiên cứu dù lịch học trên lớp khá dày.

Phần mềm hỗ trợ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp- Ảnh 1.
 

Phần mềm của Quang Vinh và Anh Phương đoạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2024

THANH DUYQuang Vinh cho biết theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của HS THPT có thời lượng 105 tiết/năm học. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Điển hình là nguồn tài liệu tham khảo hạn chế, các buổi học thiếu hấp dẫn vì chỉ xây dựng hình thức trao đổi thông thường. Một số trường có tổ chức đi thực tế, song chủ yếu là tham quan, du lịch. Vì thế, HS chưa thật sự thấm nhuần các nội dung ý nghĩa từ chủ đề học.

 

Theo Anh Phương, khi sáng tạo phần mềm, hai bạn đã bám sát nội dung bộ sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của NXB Giáo dục VN. Từ 4 nhóm hoạt động chính trong chương trình (hướng vào bản thân, hướng đến xã hội, hướng đến tự nhiên, hướng nghiệp - PV), nhóm thiết kế thành 6 chủ đề trải nghiệm gần gũi, bắt mắt và ý nghĩa, gồm: phát triển bản thân, mái ấm gia đình, mái trường hạnh phúc, cộng đồng bền vững, định hướng nghề nghiệp và quê hương Cần Thơ - 20 năm tự hào tiến bước.

Tương ứng với mỗi chủ đề là 6 tính năng. Tính năng "khám phá tri thức" cập nhật sách giáo khoa online, mind map (bản đồ tư duy), infographic (đồ họa thông tin), kiến thức thực tế (video, bài báo, website tin cậy). Tính năng "mở rộng tầm nhìn" hỗ trợ các công cụ phục vụ tiết sinh hoạt lớp, giáo dục theo chủ đề hiệu quả hơn, có thể kể như đồng hồ tính giờ, trải nghiệm thực tế ảo, kỹ năng trình bày, xử lý tình huống…

Hai tính năng nữa là "không gian sắc màu" và "đấu trường trí tuệ", nghiêng về trải nghiệm các không gian 3D, trò chơi 2D giúp HS tăng cường vận dụng kiến thức bổ ích đã được tìm hiểu. Còn tính năng "đánh giá bản thân" để người sử dụng tự nhận xét sự tích cực bản thân mình về việc tham gia môn học, tham gia càng nhiều xếp hạng càng cao để tăng sự hứng thú sử dụng phần mềm.

Phần mềm hỗ trợ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp- Ảnh 2.

Quang Vinh và Anh Phương dành hơn 6 tháng để nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm

 

Qua chia sẻ của Vinh, tính năng phức tạp, đòi hỏi nhiều tâm huyết nhất là "quê hương Cần Thơ - 20 năm tự hào tiến bước". Đó là các không gian 3D sinh động được xây dựng bằng CoSpaces Edu, bám sát mục vận dụng trong sách giáo khoa. Các bối cảnh tái hiện cuộc sống vui tươi và tôn vinh các nét đẹp văn hóa như đờn ca tài tử, làng du lịch sinh thái, lễ hội bánh dân gian, cuộc sống miền Tây.

Cô Trần Thị Trúc Ly, giáo viên hướng dẫn, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, cho biết nhóm đã tổ chức 3 buổi ứng dụng phần mềm tại trường, có tất cả 9 giáo viên, 231 HS tham gia trải nghiệm. Sau đó, nhóm phân tích dữ liệu 20 câu trả lời của HS trên SPSS (công cụ phân tích và xử lý số liệu) và tổng hợp ý kiến phỏng vấn. Hầu hết ý kiến bày tỏ sự hài lòng với phần mềm, nhưng mong có thêm hoạt động về kỹ năng giao tiếp, phát triển trí tuệ cảm xúc...

"Phầm mềm giúp các buổi hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thú vị hơn. Song quá trình nghiên cứu sản phẩm quả thật không hề dễ dàng. Tôi đánh giá rất cao về tinh thần và đam mê của hai em, quá tâm huyết, chịu khó và cố gắng", cô Trúc Ly nói.

 Theo TNO