Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra tại buổi họp báo công bố các kết quả quan trọng tại Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP16) chiều 14/12.
Theo Thứ trưởng, các nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu mới được quy định rải rác trong các Luật như Luật tài nguyên nước, Luật tài nguyên rừng,…chứ chưa có một Luật quy định toàn diện.
|
Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế phối hợp triển khai Luật biến đổi khí hậu, cơ chế ưu tiên cũng như các văn bản dưới luật quy định về vấn đề này.
Đánh giá về “Hiệp định Cancun” được thông qua tại Hội nghị lần này, Thứ trưởng cho rằng, hiệp định có ý quan trọng để các bên tiến tới một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của hiệp định là chỉ được thông qua dưới dạng Quyết định của Hội nghị mà chưa phải là một điều ước quốc tế và thiếu những cam kết cụ thể về cắt giảm lượng phát thải toàn cầu.
Cụ thể, hiệp định thống nhất quan điểm dài hạn trong ứng phó với biến đổi khí hậu để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ. Tuy nhiên, chưa đưa ra được thời điểm tổng lượng phát thải phải giảm mà chỉ ghi nhận để càng lâu, chi phí cho thích ứng càng lớn.
Về cam kết đóng góp tài chính của các quốc gia, Hiệp định cũng chỉ nhắc lại nội dung đã nêu trong Thỏa thuận Copenhagen là tài trợ 30 tỷ USD đến năm 2012 và 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020 cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, tại hội nghị lần này có nhiều quan điểm bất đồng trong cuộc đàm phán đa phương giữa các bên liên quan.
“Những bất đồng này chứng tỏ các nước đều nhìn nhận biến đổi khí hậu là nguy cơ rõ ràng và thể hiện trách nhiệm giảm phát thải của mình”, Thứ trưởng Hà thừa nhận.
Cũng theo Thứ trưởng, nguyên nhân của sự bất đồng này là do trước khi diễn ra Hội nghị, quan điểm của các nước còn khác nhau nhiều, kỳ vọng của các bên trước khi diễn ra Hội nghị về việc đạt được một thỏa thuận về khuôn khổ pháp lý toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP là không cao.
Về hành động của Việt Nam trong thời gian, ngoài việc thực hiện các nội dung đã cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, đại diện của Bộ Công thương cho biết, tới đây Bộ sẽ đưa ra những giải pháp về kinh tế - kỹ thuật – công nghệ nhằm giảm thiểu thấp nhất phát thải nhà kính.
Cụ thể là sẽ áp dụng công nghệ xanh, thúc đẩy thị trường hàng hóa thân thiện môi trường, đưa vào sử dụng các loại năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Theo Bee.net