Phát động chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019

(CTG) Sáng nay 2/5/2019, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ tổ chức họp báo giới thiệu về chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019, nhằm tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo. Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam dự và chủ trì họp báo.

 

Quang cảnh buổi họp báo.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được tổ chức đầu tiên năm 2016 thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo trí thức trẻ trong nước, nước ngoài và có tính ứng dụng vào thực tiễn. Một số công trình tiêu biểu như: “Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT)” nhận được đầu tư của một số nhà đầu tư trong và ngoài nước, hiện đang xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh; “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các các chủ đề của kĩ năng sống” nhận được gói đầu tư trị giá 300.000.000đ...

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

Phát biểu tại chương trình, anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, BTC chương trình luôn đề cao tính mới, tính khả thi của các công trình. Ngoài các nội dung xuyên suốt, chương trình năm nay sẽ có thêm một số điểm mới: Phối hợp các trường Đại học Sư phạm triển khai chương trình “Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục” thông qua các hội nghị nghiên cứu khoa học khối ngành sư phạm; sơ kết 3 năm tổ chức chương trình, gặp gỡ các tác giả đạt giải thưởng các năm 2016, 2017, 2018; bổ sung giải thưởng dành cho tỉnh, thành đoàn có số lượng hồ sơ gửi tham gia chương trình nhiều nhất.

Từ thành quả những năm trước đây, anh Bùi Quang Huy kỳ vọng Chương trình năm 2019 sẽ là mũi nhọn, tiên phong trong việc tham gia đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đoàn, với nhiều công trình, sáng kiến có tính chất đột phá, áp dụng rộng rãi hơn, mang lại hiệu quả học tập, nghiên cứu cao hơn cho người học, giáo viên...

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, giám khảo chương trình qua các năm đánh giá các dự án, công trình tham dự chương trình đều có tính thực tiễn rất cao, xuất phát từ cơ sở, từ nhu cầu của nhà trường, thầy cô, học sinh; vì thế tính ứng dụng, phát triển trong thực tiễn cũng rất cao. “Khó khăn lớn nhất của các công trình là nguồn lực hỗ trợ để hiện thực hóa trong cuộc sống, đặc biệt là những công trình hướng đến các em học sinh khó khăn như trẻ tự kỷ, khuyết tật... Nếu có được các nguồn lực hỗ trợ giúp các công trình đi vào thực tiễn, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” không chỉ có tính khoa học, sáng tạo mà còn lan tỏa tính xã hội, cộng đồng”, TS Nguyễn Quân chia sẻ.

Theo đó, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 sẽ nhận hồ sơ từ ngày 2/5 - 30/9/2019; Tổ chức bình chọn hàng tháng tại website https://www.trithuctre.doanthanhnien.vn, từ ngày 2/5 – 30/10/2019; Chấm sơ khảo và công bố các công trình, sáng kiến lọt vào chung khảo (tối đa 15 công trình, sáng kiến), trước ngày 1/11/2019; Chấm chung khảo và Lễ trao giải, dự kiến 10/11/2019.

Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com , gồm các tài liệu bắt buộc: Bản đăng ký theo mẫu của chương trình; Bản tóm tắt về công trình, sáng kiến (không quá một trang giấy A4); Bản toàn văn và các phụ lục, hình ảnh, video clip minh họa, bản vẽ kỹ thuật kèm theo (nếu có); 1 ảnh chân dung bán thân.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 5 công trình, sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu, trị giá 100 triệu đồng/1 công trình, sáng kiến; Các công trình còn lại được vào Vòng Chung kết sẽ được trao Giải thưởng “Cống hiến”, tiền thưởng: 10 triệu đồng/1 công trình, sáng kiến.

Ban Tổ chức Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã trao hỗ trợ cho 3 công trình, sáng kiến năm 2018.

Ngoài ra, BTC cũng trao Giải cho các tác giả có lượt bình chọn cao nhất mỗi tháng được lựa chọn vào vòng sơ khảo đồng thời nhận được tiền thưởng trị giá 2.000.000đ và Giải thưởng dành cho tập thể: Tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc có nhiều hồ sơ hợp lệ gửi tham gia chương trình nhất: 5 triệu đồng; Đoàn trường có nhiều hồ sơ hợp lệ gửi tham gia chương trình nhất: 5 triệu đồng.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã trao hỗ trợ Gói truyền thông mạng xã hội trị giá 30 triệu đồng đối với công trình “VEC - Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain” của nhóm tác giả Lê Yên Thanh, Lâm Trung Hiếu, Nguyễn Lâm Ngọc Bích; Gói sản xuất catalogue giới thiệu sản phẩm trị giá 20 triệu đồng đối với công trình “Phần mềm học tiếng anh trực tuyến IOSTUDY” của tác giả Lục Quang Tấn, Trần Đức Thắng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn, 20 triệu đồng. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục EGROUP trao tặng gói hỗ trợ sản xuất sản phẩm đối với công trình “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các các chủ đề của kĩ năng sống”của nhóm tác giả Dương Thị Thu Hà, Bùi Minh Ngọc, Bùi Khánh Vy trị giá 300 triệu đồng.

Theo ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết, đối với Tri thức trẻ vì giáo dục, việc hỗ trợ ứng dụng các công trình cũng quan trọng không kém việc tìm kiếm các ý tưởng hay cho ngành giáo dục. Vì vậy, mỗi năm, Thiên Long cùng các đơn vị đồng tổ chức bàn bạc với các tác giả và lên phương án hỗ trợ hợp lý nhất cho các công trình. “Để các ý tưởng hay có thể đi xa hơn, ngoài nỗ lực của Tri thức trẻ vì giáo dục, chúng tôi cũng rất cần sự chung tay góp sức của các nguồn lực xã hội. Chỉ với sự quan tâm và chung sức của toàn xã hội, trí tuệ và tâm huyết của người trẻ mới không hoài phí và học sinh mới có cơ hội tiếp cận những phương pháp, dụng cụ giáo dục hay”, ông Trịnh Văn Hào nói.

Hải Đăng