Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029, chiều 17/12, 6 diễn đàn thảo luận đã được tổ chức. Diễn đàn “Thanh niên Việt Nam yêu nước” thu hút sự tham gia của 163 đại biểu.
Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam yêu nước" |
Anh Nguyễn Đức Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội và anh Trần Trọng Nguyên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII, Phó Trưởng Ban Thanh niên Công an nhân dân chủ trì Diễn đàn.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại 4.0
Chia sẻ tại Diễn đàn, anh Hà Công Đạt - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết, Mai Châu là huyện vùng cao, với dân số khoảng 64 nghìn người với 6 dân tộc cùng chung sống. Với 11.700 hội viên Hội LHTN Việt Nam đang sinh hoạt tại 16 tổ chức Hội, 131 chi hội, thanh niên Mai Châu luôn xung kích đi đầu trong các hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.
Anh Hà Công Đạt - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chia sẻ tại diễn đàn |
Cụ thể, Hội LHTN Việt Nam huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ sở Hội chú trọng công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên các trang fanpage, facebook của Đoàn, Hội. Hiện nay trên địa bàn huyện có 18 CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại các xã, thị trấn, các khu dân cư, trong trường học, 01 CLB Hướng dẫn viên du lịch, 01 CLB tuyên truyền văn hóa, du lịch huyện Mai Châu; 02 CLB Khắp Thái và học chữ Thái; 02 CLB học chữ người dân tộc Mông, hơn 50 đội văn nghệ xung kích thu hút hơn 3.000 Hội viên, thanh niên tham gia…
Bên cạnh đó, Hội LHTN Việt Nam huyện còn tổ chức các buổi tham gia trải nghiệm thực tế tìm hiểu văn hóa của các dân tộc cho hội viên thanh niên; khuyến khích cán bộ, hội viên thanh niên sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình; tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.
Đại úy Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk chia sẻ về một số giải pháp phòng ngừa, nhận diện các thông tin, vụ việc phức tạp và hướng xử lý những thông tin xấu độc |
Đặc biệt, vào những ngày lễ tết, tổ chức Hội các cấp tuyên truyền, động viên hội viên thanh niên đi làm ăn xa về tham gia các hoạt động tại địa phương, vừa là giải pháp đoàn kết tập hoạt thanh niên, vừa là cơ hội để thanh niên gắn bó, thể hiện trách nhiệm với quê hương, với những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
“Mỗi hội viên thanh niên đều luôn ý thức việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc trên quê hương mình, tích cực tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu về lịch sử, di sản văn hóa dân tộc, học những làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc, trò chơi dân gian, qua đó hiểu hơn, thêm yêu và tự hào về nét đẹp văn hoá dân tộc”, anh Đạt chia sẻ.
Yêu Tổ quốc bằng những hành động cụ thể
Đại diện cho thanh niên quê hương Bác Hồ tham dự Đại hội, chị Nguyễn Thị Phương Thúy - Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, 10 năm qua, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” đã lan tỏa sâu rộng, chạm đến trái tim của mọi thành phần thanh niên. Phong trào trở thành động lực thôi thúc thanh niên không ngừng rèn luyện, cống hiến. Tự hào là thanh niên quê Bác, thanh niên Nghệ An đã biến tình yêu thiêng liêng ấy thành những hành động rất cụ thể.
Chị Nguyễn Thị Phương Thúy - Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nghệ An tham luận tại Diễn đàn |
Theo chị Thúy, tình yêu Tổ quốc được thanh niên Nghệ An gắn với học tập và làm theo lời Bác; là yêu quê hương, bản làng, thôn xóm và bản sắc văn hóa của quê hương mình; là sẵn sàng lên đường đón nhận những nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó; là chia sẻ, xung phong khi đất nước bị thiên tai, lũ lụt; là đồng hành, tương trợ với các đối tượng yếu thế trong xã hội…
Từ đó, tình yêu được cụ thể hóa bằng những câu chuyện hàng ngày“Theo dấu chân Bác”,“Nhật ký điện tử thanh niên làm theo lời Bác”; bằng hàng ngàn công trình thanh niên các cấp; bằng các đợt thi đua cao điểm tham gia hỗ trợ các công trình quốc gia; bằng tinh thần xung kích lên đường chi viện hỗ trợ vùng bão lũ,…
Chị Thúy cho rằng, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, “Tôi yêu Tổ quốc tôi” phải là lời hiệu triệu kêu gọi thanh niên hành động vì đất nước, vì mục tiêu “Tổ quốc giàu mạnh và văn minh”.
Để làm được điều đó, chị Thúy mong muốn tổ chức Hội sẽ ngày càng làm tốt hơn vai trò là mái nhà chung của đông đảo các tầng lớp thanh niên. “Hội hãy gần gũi hơn thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường để chia sẻ với họ câu chuyện về quê hương hôm nay từ đó khơi dậy ý chí học tập, vượt khó; hãy kết nối mật thiết hơn với thanh niên làm ăn xa, cho họ biết về những cơ hội để góp sức, làm giàu ngay trên chính quê hương; hãy thâm nhập sâu hơn với thanh niên công nhân, nói với họ về vai trò đồng hành của tổ chức Hội trong tập hợp, bảo vệ quyền hợp pháp của người lao động; hãy đặt trái tim mình để được chia sẻ nhiều hơn câu chuyện của thanh niên yếu thế, mang lại niềm tin cho họ về cuộc sống; hãy gắn bó, đoàn kết thanh niên tôn giáo để cùng chung tay xây dựng quê hương; hãy lắng nghe tâm tư nguyện vọng của thanh niên phát triển kinh tế để cùng tháo gỡ, phát huy vai trò cầu nối…”, chị Thúy nói.