Phía sau quyết tâm khởi nghiệp của người mẹ ung thư

(CTG) - Ngày Phạm Ngọc Huyền Trân chuẩn bị lên bàn mổ, chị nhắn tin cho người bạn thân: 'Bỗng dưng thấy sợ chết. Sợ không thể gặp các con nữa…'. Điều quý giá nhất, với người mẹ bị ung thư não giai đoạn cuối, chính là những đứa con của mình.

Ngày Phạm Ngọc Huyền Trân chuẩn bị lên bàn mổ, chị nhắn tin cho người bạn thân: 'Bỗng dưng thấy sợ chết. Sợ không thể gặp các con nữa…'. Điều quý giá nhất, với người mẹ bị ung thư não giai đoạn cuối, chính là những đứa con của mình.

Phía sau quyết tâm khởi nghiệp của người mẹ ung thư - ảnh 1
Chị Huyền Trân, người mẹ ung thư đang phải điều trị trong bệnh viện nhưng luôn đầy nghị lực sống
PHƯƠNG VY

Chị Huyền Trân (40 tuổi) trú TP.Thủ Đức, TP.HCM phát hiện ra mình bị ung thư não cách đây 5 năm, đang điều trị tại một bệnh viện tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Dù cân nặng đã xuống khá nhiều sau những tháng ngày liên tiếp lấy bệnh viện là nhà, nhưng ở người mẹ 2 con vẫn luôn là sự lạc quan, ý chí sống mãnh liệt. Chống chọi với những cơn đau khủng khiếp từ ung thư não giai đoạn cuối, chị vẫn gắng gượng theo đuổi ước mơ khởi nghiệp của mình, vì một tâm nguyện…

Mái tóc của bệnh nhân ung thư

Từ bệnh viện, chị Trân trò chuyện trực tuyến với chúng tôi, người có gầy rộc đi nhưng thần thái vẫn tươi tỉnh. Đặc biệt, mái tóc vẫn đen, dài, nước da vẫn sáng, dù trải qua nhiều lần phải hóa trị, xạ trị và dùng nhiều loại thuốc đặc trị. Chị tâm sự: “Tôi đi đường dài cùng ung thư đã 5 năm. Với tôi, ung thư như một món quà mà ông trời đã ban tặng. Ung thư giúp tôi trân trọng từng phút giây trong cuộc sống này, và nhất là biết yêu thương bản thân mình nhiều hơn”.

Người phụ nữ khởi nghiệp với dự án Porua gồm các sản phẩm chăm sóc da, tóc, chăm sóc cơ thể, cho biết động lực để chị theo đuổi dự án này từ tháng 2 năm nay đó là câu hỏi, làm thế nào để những bệnh nhân điều trị ung thư không bị rụng tóc?

“Tôi không sợ bệnh, không sợ đau, nhưng tôi sợ xấu. Tôi muốn hình ảnh mình lúc nào cũng đẹp, cũng vui tươi trong mắt mọi người. Tôi quý mái tóc của mình. Và tôi biết rằng bất cứ bệnh nhân ung thư nào đều chịu nổi khổ rụng tóc. Tôi hiểu nỗi đau này, và quyết định phải làm sản phẩm chống rụng tóc từ thiên nhiên để vừa làm đẹp cho mình, vừa làm đẹp cho mọi người”, nữ bệnh nhân nói.

Phía sau quyết tâm khởi nghiệp của người mẹ ung thư - ảnh 2
Chị Trân (phải) và người bạn thân Kha Ly
NVCC

Bông pơ lang mạnh mẽ

Trân quê ở Đắk Lắk, chị tốt nghiệp Trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.HCM. Yêu thích loài hoa pơ lang (mộc miên, hoa gạo - PV) đặc trưng của quê mình, Trân lấy biệt danh là Nàng Pơ Lang.

Dù làm gì, công việc làm phim vẫn là đam mê thôi thúc Trân - người phụ nữ xinh đẹp. 3 năm trước, khi đã phát hiện ra mình bị ung thư não, người phụ nữ dành tiền để làm loạt phim ngắn Bình minh nơi hoàng hôn chiếu trên kênh YouTube cá nhân, cổ vũ những khao khát sống mãnh liệt và ý chí mạnh mẽ của những bệnh nhân ung thư. Trong phim này, chị cũng đóng vai nữ chính.

Phía sau quyết tâm khởi nghiệp của người mẹ ung thư - ảnh 3
Chị Trân và chị Ly trong ngày ra mắt phim dành tặng cho những bệnh nhân ung thư Bình minh nơi hoàng hôn
NVCC

Chị Thái Kha Ly, cựu CEO của thời trang Gumac, từng là phó ban truyền thông của FPT Software, người bạn thân của chị Trân, chia sẻ cũng là một người mẹ, cũng trải qua những sóng gió của cuộc đời nhưng chị thừa nhận bản lĩnh, ý chí sống không thể bằng Trân.

Chị Ly đang đồng hành cùng chị Trân trong dự án khởi nghiệp Porua. Nhiều đêm, chị kể mình sốt ruột đứng ngồi không yên vì đã quá khuya mà Trân đang bệnh nặng vẫn ôm máy tính để làm việc. Chị trách thì người bạn của mình bảo, “Tao đau lắm, nhưng không làm gì thì chỉ thấy mình đau hơn. Thay vì sống lay lắt đợi cái chết tới thì chi bằng cứ làm việc. Chẳng biết bao giờ tao ra đi. Phải sống như thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng tao còn ở trên đời chứ”.

Phía sau quyết tâm khởi nghiệp của người mẹ ung thư - ảnh 4
Trân của năm 2021, khi chị đồng hành với ung thư năm thứ 4
NVCC
Phía sau quyết tâm khởi nghiệp của người mẹ ung thư - ảnh 5
Trân của hiện tại. Chị đang ở trên giường bệnh, chuẩn bị cho ca phẫu thuật quan trọng và luôn tràn đầy sự lạc quan
PHƯƠNG VY

Ngày 11.7 vừa qua, chị Trân phải nhập viện, chuẩn bị cho ngày 26.7 sẽ bay sang Singapore chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Đêm 10.7, chị vẫn thức khuya để hoàn thiện những khâu cuối cùng của bộ chăm sóc da 21 ngày mà nhóm chị rất tâm huyết. Những ngày ấy chồng phải đi công tác, cô giúp việc về quê, hai con nhỏ bị sốt, chị Trân vừa xoay xở chăm con, vừa chống chọi cơn đau để làm việc.

“Suốt bao nhiêu năm qua đi bên cạnh Trân, tôi chưa thấy cô ấy than vãn, kêu ca, khóc lóc bao giờ. Đã có lúc chúng tôi tưởng Trân đã vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời. Nhưng ý chí sống của người mẹ kéo cô ấy ở lại. Lúc nào tôi cũng thấy Trân tươi cười, trêu đùa người này người kia”, chị Ly kể.

Phía sau quyết tâm khởi nghiệp của người mẹ ung thư - ảnh 6
Chị Kha Ly chia sẻ với phóng viên về câu chuyện của người bạn thân
THÚY HẰNG

“Duy nhất có một lần, đợt ấy Trân chuẩn bị bước lên bàn mổ, ca mổ đầu tiên ở Singapore, cô ấy nhắn tin cho tôi bảo “Hồi giờ không nghĩ tới cái chết. Nhưng bỗng thấy sợ chết. Sợ không còn được gặp các con nữa…”. Là một người mẹ, ai cũng như vậy, đứng trước cánh cửa sống chết của đời mình thì chỉ có con cái mới là điều quan trọng nhất và khiến người ta day dứt nhất”, chị Ly xúc động.

Còn Trân, người mẹ ung thư giai đoạn cuối vẫn quyết tâm khởi nghiệp tâm sự với chúng tôi chị thích lối sống tích cực. Thực tập thói quen sống tích cực thì dù trong hoàn cảnh bi đát như thế nào, mình cũng sẽ giữ được năng lượng bình thản, lạc quan.

Khâm phục một ý chí

PGS-TS Nguyễn Đình Quân, chuyên ngành quá trình và thiết bị sản xuất, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), kể với phóng viên Báo Thanh Niên, trong quá trình trao đổi với chị Ly về ứng dụng chống hàng giả Deep Signature cho sản phẩm khởi nghiệp Porua của nhóm chị, anh đã được nghe và biết nhiều hơn về chị Trân, người mẹ kiên cường đang chống chọi với bệnh hiểm nghèo để khởi nghiệp.

“Tôi đã làm việc cùng và khâm phục không ít những doanh nhân, bằng sản xuất và sáng tạo đã làm nên sự nghiệp từ bàn tay trắng. Nhưng câu chuyện khởi nghiệp của Trân, một người mẹ, điều này còn xúc động hơn nữa. Căn bệnh ung thư não quái ác đang hành hạ và cướp đi từng ngày từng giờ của Trân. Nhưng nó không thể làm nhụt ý chí và sức vươn lên phi thường của chị ấy”, PGS-TS Quân bộc bạch.

Theo TNO