Phó Bí thư Chi đoàn làm giàu từ vườn quất quê hương

(CTG) Không may gặp tai nạn lao động mất đi cánh tay phải, anh Hà Đăng Anh (SN 1991, Phó Bi thư Chi đoàn 1 xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã cố gắng vượt qua khó khăn, khởi nghiệp làm giàu từ vườn quất quê hương với lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng/ năm và hỗ trợ cho các đoàn viên phát triển kinh tế.

Đầu năm 2011, sau khi rời ghế nhà trường, anh Hà Đăng Anh sinh năm 1991 tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ làm việc cho một công ty nhưng không may gặp tai nạn lao động mất đi cánh tay phải. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh trở thành người khuyết tật nên anh cảm thấy rất hụt hẫng và chán nản. Nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè và các anh, chị đoàn viên thanh niên trong xã, đặc biệt là sự động viên của BCH Đoàn xã, Hội LHTNVN xã Thanh Hà, cùng với sự cố gắng của bản thân đã vượt qua mọi khó khăn thách thức của cuộc sống.

(thứ 2 từ trái sang) Anh Hà Đăng Anh (SN 1991, Phó Bi thư Chi đoàn 1 xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) - 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021

Cuối năm 2011, anh đăng ký học lớp Cao đẳng công nghệ thông tin. Sau khi ra trường, anh đi làm kỹ thuật viên bên ngành Công nghệ thông tin tại Vĩnh Phúc. Song do bản thân mất đi một cánh tay phải, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công việc vì vậy anh quyết định trở về địa phương để lập nghiệp.

Năm 2015, anh trở về địa phương là một Đảng viên và là một đoàn viên của khu, với tinh thần tuổi trẻ không chịu lùi bước anh bàn với gia đình cho làm kinh tế với mô hình chăn nuôi lợn nhằm tạo được công ăn việc làm cho bản thân và tạo thu nhập để nuôi chính bản thân mình. Ban đầu, với kinh nghiệm chưa có nhiều nên anh chỉ dám nuôi 3 lợn nái lấy giống để gối nuôi lợn thịt và mỗi lượt nuôi thì chỉ từ 40 - 50 con lợn thịt. Đến năm thứ hai anh đã bàn với gia đình mở rộng quy mô nuôi lên, xây dựng thêm chuồng và gây thêm 5 con lợn nái và hơn 70 con lợn thịt. Với mô hình chăn nuôi của anh đã có 8 con lợn nái và hơn 120 con lợn thịt. Hàng năm trừ mọi chi phí mô hình chăn nuôi của anh thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/năm. 

Nhận thấy Thanh Hà là một xã thuần nông chuyên trồng lúa nước, mức thu nhập thấp, không có nghề phụ. Nhân dân chủ yếu tham gia lao động tại các công ty. Hàng năm cứ vào dịp tết Nguyên đán, người dân lại vận chuyển quất cảnh từ nơi khác đến để cung cấp cho người dân. Cây quất là 1 loại cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc mà trên địa bàn xã và các địa phương lân cận không có người trồng. Từ những tình hình đó, anh thấy được xã Thanh Hà là một xã đồng bằng có loại đất phù sa, nằm ven sông Hồng thuận lợi cho đầu tư thâm canh cây quất nên anh mạnh dạn đầu vào dự án trồng quất. 

Với tổng diện tích là 1,1 ha, anh đã trồng 2.500 cây quất, với nguồn vốn đầu tư cho dự án khoảng 400.000.000 đồng. Ngoài số tiền tích lũy, anh vay thêm 200.000.000 đồng để đầu tư mua cây giống, chậu, hệ thống tưới nước, thuốc … và thuê mặt bằng. Sản phẩm tạo ra chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào dịp Tết Nguyên đán. Giá bán trung bình của các loại cây cảnh này dao động từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/cây, quất bonsai phổ biến khoảng 700.000 đồng/lọ, những cây đặc biệt có dáng độc và lạ có giá cao hơn. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận trung bình của 1 năm đạt khoảng 160.000.000 đồng/ năm, tạo công ăn, việc làm cho 2 đoàn viên chăm sóc về kỹ thuật và chăm bón.

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn nhiệt tình tham gia công tác Đoàn, Hội và giữ chức vụ Phó Bí thư chi đoàn. Anh luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tuyên truyền cho các đoàn viên thanh niên chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tổ chức các hoạt động do Đoàn cấp trên, khu dân cư triển khai. Đặc biệt đã bám sát vào các hoạt động cụ thể như 5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc của Đoàn thanh niên. 

Để có thành quả như ngày hôm nay bản thân anh cũng tự phải động viên và vượt lên chính mình, nuôi ý chí, nghị lực bản thân và không ngừng học hỏi kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng; vấn đề mấu chốt trong kinh doanh, phát triển kinh tế, cần phải biết học hỏi lắng nghe ý kiến, chắt lọc thông tin, nghiên cứu thị trường. 

Thấm nhuần phương châm lao động để xây dựng cuộc sống cho bản thân, gia đình, vượt qua mọi khó khăn thách thức trong cuộc sống, làm giảm đi áp lực cho gia đình, mặc cảm của bản thân. Với tinh thần vượt khó đó, phần nào đã mang lại thành công nhất định trong cuộc sống của bản thân. Góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cũng rất mong các bạn mà gặp khó khăn như mình hãy vượt qua mọi khó khăn và lựa chọn cho mình một hướng đi mới, tạo cho mình thành công mới trong cuộc sống. Đó là ý kiến anh Hà Đăng Anh chia sẻ.

Với đóng góp và nỗ lực phấn đấu của mình, anh Đăng Anh vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích đặc biệt.

Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội.