Ngã rẽ
“Từ khi còn là thằng nhóc đã theo mấy ông anh trong xóm sáng dậy chạy thể dục, chiều vác chân trần đá bóng. Lên lớp 12 cho đến 3-4 năm đại học bốc tạ rớt mồ hôi ở một phòng tạ. Đi làm rồi thì chạy ngoài sân bóng mini. Có giai đoạn ngày chơi 3 môn từ tạ, cầu lông, tối khuya lại đá bóng. Ăn uống vô tội vạ, từ ngon đến dở, độc hại hay “heo thì” (healthy) đều vào người”, Y Lê Pas Tơr (SN 1986), Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk mở đầu câu chuyện đến với bộ môn chạy bộ.
Anh Y Lê Pas Tơr (thứ ba, trái qua) tập luyện cùng CLB Daklak runner hằng ngày |
Thế rồi, một tai nạn thể thao xảy đến, chàng trai trẻ bị rách dây chằng đầu gối. Nhưng anh vẫn cố duy trì đá bóng 3-4 năm, đồng thời dần chuyển sang môn khác nhưng không thành.
Đại dịch COVID-19 ập đến. Suốt 2 năm phải hạn chế ra ngoài cộng đồng, anh tìm đến nhảy dây, chạy bộ. Y Lê Pas Tơr ngày chỉ được 2-3km, bữa chạy bữa nghỉ. Trên facebook các thông tin chạy bộ liên tục hiện ra trên news feed (bảng tin) của chàng trai trẻ. “Không biết xui hay hên có cậu bạn Chủ tịch Câu lạc bộ chạy bộ Daklak Runner thấy mình chạy cũng động viên, rồi còn tặng áo chạy. Mình nghĩ đã thế mua hẳn đồng hồ chạy bộ với đôi giày, thế là lút luôn đến giờ. Cộng thêm “nóc nhà” – vợ cũng từng là dân năng khiếu điền kinh “dzề hưu”, thế là dụ chạy luôn cho có bạn đồng hành. Đó, muốn mập cũng không mập nổi”, Pas Tơr hóm hỉnh chia sẻ.
Anh Y Lê Pas Tơr cùng vợ tham dự giải chạy |
Càng tìm hiểu về marathon, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk lại càng bị cuốn vào. Theo anh, marathon cho mình cảm giác chinh phục được mục tiêu đề ra. “Nó rèn cho tôi sự kỷ luật, sức chịu đựng, tình đồng đội. Và hơn hết, nó cho tôi thấy không có việc gì là dễ dàng cả nếu ta không chịu cố gắng”, Pas Tơr nhấn mạnh.
Theo anh Y Lê Pas Tơr, để chinh phục cự ly marathon 42km, bản thân đã phải trải qua quá trình rèn luyện không ngừng, nhất là tính kiên trì. “Chạy bộ rất đơn giản, nhưng để kiên trì chạy bộ lại khó vô cùng. Bởi lẽ, nếu chúng ta không vận động trong một thời gian dài, không tập, chơi bất cứ một môn thể thao nào sẽ khiến sức đề kháng kém đi rất nhiều, rất dễ gặp các chấn thương trong quá trình chạy”, anh Pas Tơr cho hay.
“Nếu không có các thành viên câu lạc bộ Daklak Runnner, Tiền Phong runner…động viên, đồng hành cùng tôi vượt qua khó khăn những buổi tập luyện; hạn chế các chấn thương, bản thân khó chinh phục thành công cự ly 42km với thời gian 4 giờ 32 phút tại giải chạy mới tổ chức ở Nha Trang. Đã có lúc, tôi bị đau bụng, mệt mỏi, leo dốc nhưng không có gì làm khó ý chí một thủ lĩnh đoàn”, anh Pas Tơr nói.
Quảng bá du lịch, lan toả yêu thương
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, phong trào chạy bộ tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến. Số lượng giải marathon tăng dần qua các năm, đặc biệt tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Gần đây, độ khó của các giải càng nâng lên khi địa điểm tổ chức được chuyển lên các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, thậm chí ra cả ngoài biển như giải Iron Man.
Anh Y Lê Pas Tơr chinh phục cự ly 42km ở Nha Trang |
Anh Y Lê Pas Tơr cho biết, việc tổ chức các giải marathon bên cạnh sứ mệnh thúc đẩy, lan tỏa phong trào rèn luyện sức khỏe của người dân, còn là kênh quảng bá hình ảnh, thu hút lượng khách du lịch rất lớn cho địa phương đăng cai tổ chức. “Điển hình như giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong tổ chức tại Lai Châu cuối tháng 3 vừa qua, ngoài 4.000 vận động viên trong và ngoài nước, còn có hàng nghìn người thân, bạn bè đi cùng, chưa kể Ban Tổ chức và lực lượng phục vụ lên đến hàng trăm người đã đem đến cho Lai Châu một không khí sôi động không chỉ trong ngày thi đấu”, lãnh đạo Tỉnh Đoàn Đắk Lắk chia sẻ.
Theo anh Pas Tơr, Lai Châu là một tỉnh biên giới, giải chạy là cơ hội hiếm có để kích cầu du lịch, tăng nguồn thu từ du khách với nhiều loại hình dịch vụ. Còn với các vận động viên, đây là dịp để trải nghiệm, khám phá các cung đường đẹp, tham quan danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, góp phần phát triển toàn diện cho địa phương.
Hàng nghìn vận động viên tham dự giải chạy Đắk Lắk Marathon 2023 do Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này tổ chức |
Theo anh Y Lê Pas Tơr, bản thân đã nhiều lần ấp ủ, mong muốn Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị để tổ chức những giải chạy chuyên nghiệp thu hút nhiều runner trong và ngoài nước tham gia. Giải chạy tổ chức sẽ phát triển được phong trào chạy bộ trên địa bàn tỉnh cũng như thúc đẩy du lịch tỉnh nhà, đặc biệt gây quỹ ủng hộ người nghèo.
Anh Y Lê Pas Tơr cùng những người bạn khoe huy chương sau khi chinh phục các cự ly |
“Tháng 5/2023, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giải Đắk Lắk Marathon 2023, thu hút gần 2.000 vận động viên đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có cả vận động viên nước ngoài, đăng ký tranh tài ở 3 cự ly 5km, 10km và 21km. Ngoài việc thử sức, vượt qua chính bản thân, thông qua giải, mỗi người sẽ đóng góp 100 nghìn đồng vào hoạt động xã hội ý nghĩa: gây quỹ tặng học bổng, tặng bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà Nhân ái tặng gia đình chính sách khó khăn. Đây cũng chính là ý nghĩa nhân văn, mục tiêu mà giải hướng đến”, anh Y Lê Pas Tơr phấn khởi.
“Thời gian tới, tôi mong muốn thông qua chạy bộ, bản thân sẽ truyền tải nhiều thông điệp thể hiện niềm tin, sự kiên định ý chí và tinh thần “vượt giới hạn” để luôn tạo ra những năng lượng tích cực trong cuộc sống đến nhiều bạn trẻ. Sau giải Đắk Lắk Marathon tổ chức thành công tháng 5 vừa qua, đã có nhiều bạn trẻ, người dân trên địa bàn tỉnh tìm hiểu, gia nhập các câu lạc bộ để cùng rèn luyện, tăng cường sức khỏe” - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk chia sẻ. |
Theo TPO |