"Quốc hội trẻ em" và thế giới hôm nay

(CTG)Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần đầu tiên đã khẳng định một điều: Trẻ em là cả thế giới hôm nay chứ không chỉ là cho thế giới ngày mai nữa. Là ngay từ lúc này, hôm nay, các em đóng góp vào sự thay đổi của thế giới chúng ta đang sống.

Đầu tháng 8 vừa qua, tôi được Cục Trẻ Em mời tham dự và trò chuyện tại Diễn đàn trẻ em Quốc Gia lần thứ VII, gặp mặt hơn 180 trẻ em đến từ mọi miền Tổ quốc, đại diện cho trẻ em Việt Nam. Hôm đó, anh Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, đã chia sẻ một câu tôi thấy rất tâm đắc: Trẻ em là thế giới hôm nay chứ không phải đợi đến ngày mai như câu: "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai".

Tôi tâm đắc vì tôi đã chứng kiến cách mà trẻ con xung quanh tôi đang thay đổi thế giới này thế nào. Từ những thứ bé xíu như "đánh sập" một quán ăn chỉ vì những đứa trẻ phát hiện ra quán ăn đó không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những đứa trẻ con đã kêu gọi tẩy chay quán ăn đó. Và chỉ sau 3 tháng, quán ăn đó đã phải đóng cửa sau hàng chục chương trình khuyến mãi, giảm giá các kiểu mà không một học sinh nào đến. Những đứa trẻ đã thực thi quyền lực thứ 5 - quyền của người tiêu dùng.

Đến những thứ lớn hơn như việc bảo vệ môi trường hay gần nhất, đợt Covid vừa qua, sự góp tay của trẻ em trong tuyên truyền chính các bậc cha mẹ chịu đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay khi về nhà, thực hiện 4K rồi 5K. Tôi đã nghĩ đến việc trẻ em có thể thay đổi thế giới này nếu người lớn chúng ta trao quyền cho các cháu. Chẳng cần nhiều nhặn gì cả đâu, cứ đúng những quyền đã quy định trong Luật Trẻ em là đã đủ để thay đổi thế giới này rồi.

Quốc hội trẻ em và thế giới hôm nay - 1

Toàn cảnh phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất (Ảnh: Nghĩa Đức).

Hôm 10/9, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần đầu tiên được mở với 263 đại biểu tại hội trường Diên Hồng thực sự là một dấu mốc quan trọng. Không phải để "diễn" hay "vào vai", các em đang thực sự lên tiếng cho chính những vấn đề của các em. Tôi vô cùng bất ngờ và thích thú khi chứng kiến cách các em lên tiếng và chủ đề mà các em thảo luận.

Đại biểu Hoàng Trà My (Nghệ An) đưa ra kết quả khảo sát 41.000 cử tri trẻ em về vấn đề "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em". Không chỉ nêu ra vấn đề, các em còn đưa ra giải pháp, đề xuất không hề "trẻ con" một chút nào. Như đề xuất đưa giáo dục giới tính vào nội dung giảng dạy của nhà trường nhiều hơn nữa, như đề xuất hướng dẫn trẻ em cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan chức năng.

Hay như một chủ đề mà người lớn chúng ta vẫn đang đau đầu mấy năm gần đây chưa tìm ra cách giải quyết rốt ráo: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng". "Đại biểu" Khúc Trà Giang (Hải Phòng) không chỉ phân tích trên góc nhìn của chính lứa tuổi mình, hiểu bạn bè mình mà còn đưa ra giải pháp "trúng đích": Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật cần đổi mới, sử dụng những bài đăng ngắn hay các mẩu chuyện đối đáp, bức tranh sống động cùng với những lời thoại súc tích, dễ hiểu để trẻ em có thể hiểu biết thêm về các bộ luật.

Trẻ em tham gia nghị sự là thứ mà nhiều người lớn còn lạ lẫm. Là bởi chúng ta, nhiều người lớn, luôn nghĩ "Trẻ con thì biết cái gì", mà tước quyền được lên tiếng, được bày tỏ quan điểm, ý kiến và cả những giải pháp của các em.

Chẳng thế mà mấy tháng trước, khi có trường tổ chức lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai, nhiều người lớn đã coi đó là chuyện tầm phào, trẻ con, hình thức. Chúng ta ai cũng nói rằng trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước nhưng lại gạt trẻ em ra khỏi những vấn đề của đất nước. Chúng ta nói: "Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai" nên hôm nay vẫn là trẻ con thì ngồi yên đấy cho người lớn nói chuyện.

Ngay trong chính mỗi gia đình, việc quyết định thế nào luôn là của cha mẹ, con cái không được quyền tham gia. Chúng ta chăm sóc con cái, bảo vệ con cái nhưng lại không trao quyền cho con cái, biến con cái thành "người phụ thuộc" nhưng lại hay mong muốn con mình tự lập, có trách nhiệm là sao?

Hôm 13/8 vừa qua, Thành đoàn TPHCM tổ chức kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng trẻ em thành phố với sự tham gia của 100 đại biểu là trẻ em để chuẩn bị cho phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em lần thứ nhất. Mô hình Hội đồng Trẻ em đã và đang được triển khai tại 5 tỉnh với 543 thành viên chính là nền tảng cho việc trẻ em tham gia nghị sự nhiều hơn trong tương lai. Thúc đẩy, tạo môi trường cho trẻ em tham gia nhiều hơn vấn đề của đất nước liên quan đến chính các em.

Luật Trẻ em 2016 đã quy định ở điểm a, khoản 2, điều 77: "tổ chức để trẻ em tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND" và khoản 4, điều 79: "Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em", phiên họp giả định lần này chính là một bước tiến sâu hơn, triển khai và thực hiện hiệu quả hơn những điều đó.

Trẻ em là thế giới hôm nay. Đừng đợi đến ngày mai. Hãy cấp quyền cho trẻ em để thay đổi thế giới của chúng ta đang sống. Trẻ em của hôm nay khác với chúng ta của nhiều năm về trước. Vẫn là trẻ em nhưng các cháu có tiếng nói, quan điểm và cả những kiến thức mà người lớn chúng ta nhiều người còn thua xa. Đặc biệt là ở thời đại Internet như hiện nay, thời đại 4.0 này. Một phiên họp giả định của hôm nay nhưng sẽ là cú hích lớn, thúc đẩy những đứa trẻ của chúng ta tham gia vào việc làm cho thế giới hôm nay được tốt đẹp hơn.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Theo Dân Trí