Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. |
Theo Sở thông tin và Truyền thông, phần mềm này có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác theo thời gian thực.
Đồng thời, phần mềm này được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý.
Từ việc phát hiện xu hướng, diễn tiến thông tin đến nhận diện tâm trạng và cảm xúc của cộng đồng với các sắc thái tích cực, trung lập và tiêu cực; phần mềm cung cấp những phân tích sâu sắc cho từng vấn đề muốn thu thập và phân tích giúp người dùng hiểu rõ hơn về đối tượng, nội dung thông tin mà họ quan tâm.
Socialbeat cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu. Từ báo cáo tổng quan đến phân tích chi tiết, người dùng có thể tùy chỉnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng đơn vị khai thác, phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, thành phố hiện có khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội và hơn 200 cơ quan báo chí, 355 mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa bàn có người sáng tạo nội dung trên mạng (KOL) lớn nhất cả nước.
Theo ông Thắng, thực tế cuộc sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dịch chuyển lên mạng xã hội. Lãnh đạo thành phố luôn đặt yêu cầu phải lắng nghe, hiểu được ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của người dân trong quá trình thực thi chính sách hằng ngày, đặc biệt là khi thành phố ban hành, hoạch định các chính sách, chủ trương.
Mỗi tuần, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố nhận không dưới 10 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến hoạt động trên internet. Điều này đặt ra yêu cầu phải thu thập, đánh giá và phân tích cho được thông tin trên mạng để phục vụ công tác điều hành của chính quyền thành phố.
“Công cụ Lắng nghe mạng xã hội ra đời giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí đầu tư. Ví dụ, trong 8 ngày Tết Nguyên đán, hệ thống đã ghi nhận 65% thông tin về thành phố là tích cực, 25% trung lập và 10% tiêu cực. Từ đó, thành phố có thể điều chỉnh cho phù hợp” - ông Lâm Đình Thắng thông tin thêm.
Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và Đoàn Luật sư thành phố đã Ký biên bản ghi nhớ. |
Cũng tại hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và Đoàn Luật sư thành phố đã Ký biên bản ghi nhớ về phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp, tư vấn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp liên quan lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Sự kiện hợp tác này nhằm thúc đẩy các hoạt động giúp người dân và doanh nghiệp hiểu hơn về quy định pháp luật trên mạng Internet liên quan đến thông tin và truyền thông, giúp bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi những rủi ro trên mạng xã hội.
Theo Nhân Dân |