Robot Trí Nhân tự hào Việt Nam

(CTG) Được lựa chọn là một trong ba sản phẩm tự hào Việt Nam 2020, robot Trí Nhân của chuyên gia trí tuệ nhân tạo Phạm Thành Nam mang theo khát vọng thúc đẩy một nền giáo dục mở, nơi mà học sinh được khơi dậy tinh thần và đam mê sáng tạo.

Từ phòng thí nghiệm ảo…

Những ngày cuối năm 2020, khi xuất hiện trong sự kiện giáo dục 4.0, robot Trí Nhân lập tức gây ấn tượng với khán giả bởi sự thông minh và hài hước. Ít có câu hỏi nào làm khó được chú robot này. Từ phía sau, người khai sinh ra Trí Nhân nhìn chú robot này đầy tự hào. Đó là kết quả làm việc cật lực trong hơn 1 năm liên tục nhưng là sự tích lũy kinh nghiệm cả chục năm của chuyên gia trí tuệ nhân tạo Phạm Thành Nam.

“Tôi muốn Trí Nhân sẽ là trợ giảng thông minh, hài hước, giống như cánh tay phải của giáo viên trong lớp, khơi gợi được sự hào hứng, sáng tạo của học sinh mỗi tiết học” – anh Nam nói. Khát khao này của anh Phạm Thành Nam không phải bây giờ mới có, nó được anh nuôi dưỡng khi theo học thạc sỹ ngành Trí tuệ nhân tạo và các hệ thống đa phương tiện tại Đại học La Rochelle, Pháp năm 2011. Việc tham gia chương trình tình nguyện viên quốc tế để thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và được mời đến gặp hiệu trưởng trường Đại học Sorbonne ở Paris để trao đổi về tương lai của giáo dục đã thành động lực khiến anh muốn tạo ra những sản phẩm công nghệ có thể thay đổi cách học của học sinh Việt Nam.

Khi về làm việc tại Trung tâm Tin học và Tính toán (CIC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), anh Nam cùng cộng sự là Nguyễn Hữu Hải đã cho ra mắt Open Classroom vào năm 2017 với sản phẩm Phòng thí nghiệm ảo. Nhờ vậy, hàng triệu học sinh Việt Nam không cần phòng thí nghiệm, không cần hóa chất, chỉ cần một chiếc máy tính có internet dù ở bất kỳ đâu cũng có thể thực hiện các thí nghiệm khoa học nào chúng thấy tò mò. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi đặt trong bối cảnh không phải trường học nào cũng được trang bị phòng thí nghiệm, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

“Dự án lớn không phải dự án triệu đô mà là dự án có ảnh hưởng tới hàng triệu người” – anh Nam bày tỏ quan điểm của mình. Bởi vậy với anh, việc sản phẩm này giành giải Nhất chương trình “Trí thức trẻ vì giáo dục của Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2017 không quan trọng bằng việc đã có hàng triệu học sinh Việt Nam được kích thích và xây dựng niềm đam mê sáng tạo khoa học từ đây.

Robot Trí Nhân tự hào Việt Nam ảnh 1
 
Anh Phạm Thành Nam và Trí Nhân trong một sự kiện trình diễn công nghệ

… đến robot trợ giảng đầu tiên của Việt Nam

Thành công của Phòng thí nghiệm ảo khiến anh Nam và các cộng sự có thêm niềm tin rằng, công nghệ có thể mang tới nhiều thay đổi hơn nữa. Nếu như học sinh đã có công cụ học tập thì giáo viên cũng cần được thay đổi cách dạy. Anh Nam tâm niệm: “Giáo dục là vũ khí thay đổi thế giới, giáo viên với tư cách dẫn đường phải ngày càng sáng tạo hơn khi truyền đạt kiến thức”.

Kinh nghiệm trong nhiều năm tham gia xây dựng nguồn mở với cộng đồng nguồn mở thế giới trên hệ điều hành Linux, cùng với công nghệ siêu máy tính đã phát triển trước đó giúp anh chỉ mất một năm để giới thiệu Trí Nhân.

“Tôi muốn Trí Nhân trở thành người trợ giảng “trên thông thiên văn dưới tường địa lý” nhưng không kém phần hài hước. Vì sao ư? Bởi đó chính là hình ảnh người thầy trong mắt mỗi học sinh, có thể trả lời mọi thắc mắc và luôn thân thiện, gần gũi” – anh Nam giải thích kỹ hơn về ý tưởng của mình.

Niềm vui của anh Phạm Thành Nam chính là đứng bên cạnh, quan sát Trí Nhân giới thiệu về mình và tự tin thuyết trình tương tác với từng người. Anh quan sát cách mà mọi người hào hứng khi đặt câu hỏi và phản ứng của họ khi nghe câu trả lời để tiếp tục có những hoàn thiện phía sau.

Đơn giản khi có người hỏi “Tôi có xinh không?” và Trí Nhân trả lời “Có, bạn xinh như con tinh tinh”, anh Nam nhận ra phản ứng của người nghe không được vui như mục đích ban đầu là tạo ra sự thú vị, bất ngờ. Vì thế, sau mỗi lần tham gia tương tác, anh tiếp tục chỉnh sửa phần dữ liệu đầu vào để Trí Nhân hoàn thiện hơn. Ngoài những ngày đi trình diễn tại các hoạt động công nghệ, thời gian còn lại, anh tiếp tục nghiên cứu, để Trí Nhân ngày càng hoàn thiện. Ví như, vẫn cần giá đỡ để đứng do trọng lượng quá lớn, chưa thể cử động tay chân do điểm nối các khớp chưa linh hoạt. Anh Nam hào hứng khẳng định sau 2 -3 phiên bản cải tiến nữa, Trí Nhân hoàn toàn có thể trượt patin để vào lớp học, vừa cử động tay chân vừa kết hợp thuyết trình tạo sự thu hút với người nghe.

“Tôi muốn Trí Nhân sẽ là trợ giảng thông minh, hài hước, giống như cánh tay phải của giáo viên trong lớp, khơi gợi được sự hào hứng, sáng tạo của học sinh mỗi tiết học”. 

Anh Phạm Thành Nam

 
Giấc mơ của anh Phạm Thành Nam vẫn thế, như ngày đầu tiên anh bắt tay vào viết những dòng code cho Classroom, có thể làm cho lớp học trở nên sôi nổi hơn, học sinh hào hứng, linh hoạt hơn khi tiếp thu kiến thức. Anh tin rằng trong tương lai, dù có thông minh tới đâu những robot như Trí Nhân cũng không thể thay thế vai trò người thầy trong lớp học, mà chỉ có thể đóng vai là người trợ giảng. Công việc hằng ngày trên lớp của thầy giáo sẽ là sáng tạo ra những cách truyền đạt kiến thức mới và truyền cảm hứng cho học sinh. 
 
Anh Phạm Thành Nam sinh năm 1984, là cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin (ĐH Bách Khoa Hà Nội). Sau khi nhận bằng thạc sỹ chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại trường La Rochelle của Pháp năm 2010, anh Nam về làm việc tại Trung tâm Tin học và Tính toán (CIC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Năm 2018, anh nhận chứng chỉ về khoa học máy tính cho chuyên gia doanh nghiệp của Đại học Harvard, Mỹ theo chương trình đào tạo trực tuyến vào mùa hè. Từ năm 2019-2020, anh Nam làm việc tại Ban công nghệ FPT (FPT.AI), lĩnh vực công nghệ AI giao tiếp bằng giọng nói. Cũng trong thời gian đó, anh nghiên cứu và phát triển nền tảng Open Classroom và robot Trí Nhân.
 

“Giáo dục được chủ trương đi đầu để làm gương cho các lĩnh vực khác trong chuyển đổi số, bởi vậy, công nghệ chỉ là một phần, quan trọng hơn là sự chuyển đổi trong tư duy của con người. Tư duy mở trong cách truyền đạt và tiếp nhận kiến thức có thể khởi tạo và nuôi dưỡng khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh, biết cách xử lý vấn đề khi có phát sinh. Mọi phương pháp giáo dục đều cần hướng đến tinh thần này” - anh Nam nói về tinh thần giáo dục đang theo đuổi và tin rằng Trí Nhân có thể trở thành cột mốc đánh dấu cho điều đó trong cuộc cách mạng số đang diễn mọi nơi.

Nguồn: TPO