Tận dụng đất hoang làm mô hình kinh tế
Sau nhiều lần tham dự buổi sinh hoạt chi đoàn địa phương, nắm bắt được nguyện vọng của thanh niên muốn làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế nhưng thiếu vốn, đất canh tác, anh Trần Hoài Thương (SN 1991), Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, đã tìm cách để đáp ứng nhu cầu đó.
Nhận thấy diện tích đất vườn tạp, bỏ hoang của bà con trên địa bàn khá lớn, anh Thương đã triển khai sáng kiến “Vận động người dân có đất bỏ hoang, không canh tác cho đoàn viên, thanh niên mượn đất sản xuất”.
Ban đầu, người dân hoài nghi và sợ thanh niên không làm được nên đã từ chối. “Tôi kiên trì thuyết phục và vận động bà con. Nếu không canh tác, không cho mượn thì cũng bỏ hoang, cỏ dại mọc nhiều, lãng phí... Nếu bà con cho mượn, thanh niên cải tạo đất để trồng trọt. Khi nuôi trồng hiệu quả, thanh niên sẽ có thêm nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp để phát triển kinh tế địa phương”, anh Thương chia sẻ.
Anh Trần Hoài Thương, Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh |
|
Chị Phan Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Anh Thương đã thành lập tổ hợp tác trồng dưa hấu, bí đao, khổ qua, củ cải... tại ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, gồm 15 thành viên; hỗ trợ vay 300 triệu đồng, vận động mượn đất canh tác với diện tích 12 ha cho thanh niên nghèo. Nhờ thế, trong năm qua, tổ hợp tác phát triển khả quan, năng suất bình quân trên 5 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, các thành viên lãi hơn 30 triệu đồng/thành viên/vụ. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn tại địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định.
“Khi thanh niên địa phương cởi mở và có sự gắn kết trong các phong trào, nhất là đề xuất nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã thúc đẩy ngược lại tổ chức Hội có thêm sáng kiến hỗ trợ họ thực hiện”. Chị Phan Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) |
“Thông qua sáng kiến, tổ chức Hội LHTN đã giúp đỡ thanh niên cải thiện kinh tế gia đình và thuận lợi hơn trong công tác tập hợp, đoàn kết hội viên, thanh niên tại địa phương”, anh Thương nói.
Nhận Giải thưởng “15 tháng 10” dành cho cán bộ Hội LHTN Việt Nam, anh Trần Hoài Thương mong muốn, trong thời gian tới sẽ tìm hiểu sâu hơn thực tế địa phương, có thêm nhiều sáng kiến thiết thực hơn nữa nhằm “chắp cánh” cho thanh niên nông thôn vươn xa hơn.
Tô sắc xanh từ “Vườn ươm thanh niên”
Địa bàn huyện Lạc Sơn (tỉnh Hoà Bình) có nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, khiến việc trồng cây thực hiện các tuyến đường thanh niên tự quản, tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp tốn nhiều chi phí. Xuất phát từ thực tế đó, chị Phan Thị Hồng Vân (SN 1994), Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Lạc Sơn đã tổ chức mô hình “Vườn ươm thanh niên”, nhằm chủ động nguồn cây giống, phục vụ việc trồng để cải tạo cảnh quan môi trường.
Hiện đoàn viên, thanh niên địa phương đã ươm được hơn 10.000 cây giống và trực tiếp chăm sóc để thực hiện các công trình thanh niên năm 2023 của huyện. Nổi bật là “Đường hoa thanh niên” dài hơn 7km do thanh niên đăng ký quản lý và chăm sóc tại xã Ngọc Sơn, cùng 2 công trình khác tại xã Văn Sơn và Tân Mỹ.
Sáng kiến trên đã thu hút hơn 300 đoàn viên, thanh niên tham gia, giúp tiết kiệm gần 100 triệu tiền mua cây giống. Những hiệu quả từ mô hình vườn ươm đã bước đầu giúp các đơn vị tiết kiệm chi phí về cây giống, hình thành và lan tỏa mô hình cho các đơn vị tiếp tục triển khai vào các năm tiếp theo.
Ngoài ra, để thúc đẩy tinh thần chủ động tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế địa phương và hoạt động Đoàn sôi nổi, chị Hồng Vân đã đưa ra các giải pháp đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số vốn chiếm khoảng 95% trên địa bàn.
Theo đó, các cơ sở hội đã đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm để tạo sân chơi mới, hấp dẫn hơn, phù hợp hơn với thanh niên ở giai đoạn hiện nay. “Khi thanh niên địa phương cởi mở và có sự gắn kết trong các phong trào, nhất là đề xuất nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã thúc đẩy ngược lại tổ chức Hội có thêm sáng kiến hỗ trợ họ thực hiện”, chị Vân nói.
Hội LHTN Việt Nam huyện Lạc Sơn đang trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình thanh niên phát triển kinh tế, như làm rượu Dổi xoa bóp hay Gối dược liệu... Tổ chức hội sẽ hỗ trợ thanh niên kết nối để vay nguồn vốn hỗ trợ từ Qũy quốc gia về việc làm cho thanh niên và thúc đẩy tham gia các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
Sau 6 năm gắn bó với Hội, cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Phan Thị Hồng Vân đã được trao Giải thưởng “15 tháng 10” năm 2023. Chị đặt mục tiêu công tác hội ở địa phương sẽ giúp đỡ được nhiều thanh niên dân tộc ổn định, phát triển kinh tế.
Theo TPO |