Sáng tạo nhiều mô hình hay trong thời điểm giãn cách xã hội, lan tỏa tình người ấm áp

(CTG) Thời điểm giãn cách xã hội, những “Bữa cơm đầm ấm”, “Bếp cơm tình nguyện”, hay “Áo xanh bảo vệ vùng xanh” là những mô hình gần gũi, hiệu quả, giúp tình người ấm áp lan tỏa trong khó khăn.

 

Mô hình “Áo xanh bảo vệ vùng xanh” phát huy hiệu quả trong thời gian giãn cách.

Từ thời điểm thành phố Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày nào chị Tạ Thị Yến (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) cũng dậy từ 4h sáng để vào bếp nấu bữa sáng. Bữa sáng của chị Yến không phải cho gia đình mà là cho những cán bộ đang làm nhiệm vụ bảo vệ các "vùng xanh" tại xã. Ngoài bữa sáng, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Mỗ còn tổ chức nấu đồ ăn 3 bữa: sáng, trưa, tối cho các chốt trực "vùng xanh". Mỗi bữa, bếp ăn xã cung cấp hơn 100 suất cơm cho cán bộ, chiến sĩ, tất cả đều được xã hội hóa.

Chị Yến cho biết, từ đầu dịch quán cafe của chị đóng cửa và xã lập 1 chốt xanh ngay gần cửa hàng. Thấy trời nắng nóng mà các cán bộ tự quản, công an vẫn trực chốt vất vả nên chị pha cafe, trà sữa mời các anh. "Sau tôi thấy họ vất vả quá, nên kêu gọi một số chị em nấu bữa sáng cho họ. Không ngờ được Hội Liên hiệp phụ nữ xã, huyện ủng hộ và nấu cơm 3 bữa cho các chiến sĩ tuyến đầu", chị Yến nói.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Mỗ Đỗ Thị Thanh Mai cho biết thêm, đây là mô hình "Bếp cơm tình nguyện" hay "Bữa cơm đầm ấm" nhằm hỗ trợ các thành viên của chốt kiểm soát dịch trên địa bàn. Sau khi Hội ra lời kêu gọi đã được nhân dân, các đoàn thể từ thôn xóm, xã, huyện ủng hộ nhiệt tình. Người thì gửi tiền để mua đồ, người mớ rau, người cân thịt góp lại. "Chúng tôi còn có các nhóm zalo để phân chia công việc, lên thực đơn hàng ngày để tránh trùng món. Các bữa cơm phải thực sự ngon, đảm bảo vệ sinh", bà Mai nói.

"Bữa cơm đầm ấm" cũng được triển khai tại một số xã tại huyện Đan Phượng và được nhân dân ủng hộ. Tại xã Hạ Mỗ, mô hình được triển khai đến từng cụm dân cư. Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân cho biết, chương trình được triển khai tới từng cụm dân cư do Hội Phụ nữ các cụm đảm nhiệm. Việc mỗi cụm tự nấu ăn phát huy tinh thần "tình làng nghĩa xóm", được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ. "Là xã nghèo, nhiều người dân không có tiền nhưng họ khi thì mang mớ rau, khi thì túi nhãn ủng hộ bếp ăn", bà Ngân xúc động nói.

Ngoài những mô hình hay trong phòng chống dịch bệnh, nửa đầu năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Đan Phượng đạt 404 tỷ 105 triệu đồng, đạt 52,1% dự toán thành phố giao và dự toán huyện giao; giải quyết việc làm mới cho 2.550 lao động, đạt 85% kế hoạch.

Áo xanh bảo vệ vùng xanh

Thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều mô hình hay đã xuất hiện mang lại những kết quả tích cực. Không chỉ có sự tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ, mà đó là sự lan tỏa tới hầu hết các cơ quan đoàn thể, trong đó các chốt thanh niên theo mô hình " Áo xanh bảo vệ vùng xanh" là một điển hình.

5 giờ sáng, bạn Hoàng Thị Vân, Bí thư Đoàn xã Liên Trung cùng các tình nguyện viên đã có mặt tại chốt kiểm soát, bảo vệ “vùng xanh” ở thôn Trung 1, xã Liên Trung. Cô điều phối lực lượng tham gia ở 3 chốt thanh niên của mô hình "Áo xanh bảo vệ vùng xanh" tại đây. Chỉ sau ngày ra quân, giọng của Vân khàn đặc vì thực hiện nhiệm vụ. Dù vậy, cô gái trẻ vẫn luôn có mặt ở các chốt để tăng cường cùng đoàn viên, thanh niên kiểm soát dịch.

Trong thời gian triển khai mô hình, Đoàn Thanh niên xã hội hóa nguồn lực mua kit test nhanh COVID-19 và tổ chức xét nghiệm nhanh miễn phí toàn dân, dự kiến 600 test. Cùng với đó, tuổi trẻ huyện Đan Phượng kêu gọi nguồn lực giúp đỡ người dân khó khăn, 3 ngày một lần hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho hộ khó khăn, thất nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội...

Theo TP