Sao lòng tốt vẫn bị hoài nghi?

(CTG) 'Không biết sống sao cho vừa lòng mọi người'. Nhiều người phải thốt lên lời than kiểu vậy do bị nói 'làm màu' mỗi khi có dịp làm từ thiện, hoặc có chuyện 'người tốt việc tốt' chia sẻ lên mạng xã hội lại nhận về những bình phẩm hoài nghi.

Đủ lý do bị cho là "làm màu"

N.T.T. (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên văn phòng của một công ty về tài chính, chia sẻ: "Tôi vẫn chưa quên lúc nhận việc. Vào làm, tôi luôn vui vẻ với mọi người, cũng thường mua bánh trái mời anh chị em đồng nghiệp. 

Nhưng do phòng của mình có chia phe nên khi tôi nói chuyện hòa đồng với tất cả mọi người thì bên nào cũng ghét. Tôi thấy khó xử và có chia sẻ với một đồng nghiệp nữ thân hơn, bạn này nói mọi người bảo tôi không biết điều".

ThS Võ Hồng Tâm - Ảnh: NVCC

 ThS Võ Hồng Tâm - Ảnh: NVCC

Bị cô lập trong văn phòng chỉ vì không muốn theo phe phái là chuyện có thật. T. cho biết đã vậy, khi bạn bày tỏ mong muốn các thành viên trong phòng vui vẻ, làm hòa thì bị nhận xét là đạo đức giả.

Trong khi đó, Thanh Ngân, một tình nguyện viên ở Hà Nội, kể thi thoảng bạn tham gia với vài nhóm từ thiện, sau mỗi lần đi đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, trẻ em, bạn chụp hình để lan tỏa tinh thần cho đi, chia sẻ niềm vui thì cũng có vài người bảo "làm màu". 

Có những người còn bình luận thẳng vào bài đăng của bạn rằng chỉ là tham gia tình nguyện thôi, đâu phải tổ chức chương trình mà đăng khoe thành tích.

"Tôi thật sự không nghĩ bài đăng là kể công hay khoe thành tích mà chỉ là muốn chia sẻ một việc làm lành để ai đọc cũng vui theo", Ngân nói. 

Có vài người bạn đồng nghiệp tế nhị hơn thì nhắn riêng, bảo Ngân cẩn thận với mấy nhóm tình nguyện/từ thiện tự phát, vì có khi đó là lợi dụng từ thiện để trục lợi. Những lúc như vậy, Thanh Ngân chỉ biết lắc đầu vì con người ta quá thiếu niềm tin ở nhau và không biết từ bao giờ lòng tốt, sự sẻ chia lại bị hoài nghi nhiều như vậy.

Mới đây trong câu chuyện về vụ khách ăn trưa chuyển nhầm 270 triệu đồng, sau đó nhận lại tiền đã chuyển nhầm từ chủ quán cũng vấp phải nhiều phản hồi đầy hoài nghi.

Một số ý kiến cho rằng đó là chiêu trò quảng cáo, câu view của quán, bởi đây là chuyện khó tin, hy hữu; việc chuyển nhầm là không thể xảy ra, bởi sự nhầm lẫn con số gấp 1.000 lần rất khó chấp nhận.

Để trái tim rung động thuần khiết

Thạc sĩ Lê Trường An - Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Lê Trường An - Ảnh: NVCC

"Tất nhiên khi bạn sống xấu, phải bị chỉ trích, phê phán từ cộng đồng. Đó cũng là quy luật nhân quả: sống xấu phải gặp điều xấu (cộng đồng quay lưng). Nhưng nếu sống tốt vẫn bị hoài nghi thì có thể chúng ta vẫn còn… làm màu. 

Nếu vô tư, nhưng việc đăng tải, truyền thông sự vụ dễ dẫn đến hiểu lầm thì chúng ta cũng nên suy xét thiệt hơn trước khi công khai, để tránh phiền toái vì bị ném đá", ThS giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM, nêu góc nhìn.

Chúng ta có thể coi lại việc mình biểu hiện tốt hoặc hành xử đúng quy định pháp luật kia có trong sáng không. Và khi đăng thông tin việc làm đó, chúng ta có thật sự trong sáng để rồi sau đó vướng phải hoài nghi. 

Theo ông An, trong cuộc sống có rất nhiều người tốt, họ rất tốt nhưng làm việc thiện một cách âm thầm vì không muốn nhận lời khen từ cộng đồng. 

Không phủ nhận có rất nhiều sự giả dối, lọc lừa đang hiện diện. Cuộc sống theo đó đã quá nhiều mỏi mệt, tại sao chúng ta không mở lòng, vui với việc tốt của người khác cũng như khi thấy 'mỗi ngày một tin tốt' để trái tim mình bớt nặng nề?
Thạc sĩ LÊ TRƯỜNG AN

Tuy nhiên, ông An cũng cho rằng việc công khai việc thiện, hành động tích cực cũng có giá trị khích lệ, nuôi dưỡng điều thiện trong cộng đồng. 

"Người được khen, được tán dương việc lành cũng cẩn thận để không tự mãn, tự cao hay thấy mình quan trọng trong việc làm đó. Thực ra, để có thể làm một việc tốt, thành tựu được một công việc nào đó, đạt được một vị trí nào đó, mỗi người đều nhờ vào sự trợ lực trực tiếp và gián tiếp từ nhiều người", ông An nói.

Đọc những bình luận của những bạn đọc xung quanh vụ chuyển nhầm 270 triệu đồng, ThS tâm lý Võ Hồng Tâm (TP.HCM) cũng cho rằng có thể hoài nghi truyền thông nhưng không nên hoài nghi lòng tốt nơi con người. 

Theo chị Tâm, vẫn có nhiều vụ chuyển nhầm (vì nhiều lý do) và người nhận nhầm tiền vẫn chuyển lại. 

Đây vừa là sự chân thật (không nhận tiền/giữ tiền không phải của mình, do chuyển nhầm hay nhặt được), và cũng phù hợp với quy định của pháp luật.

Có phải lòng tốt khó tin hơn chuyện xấu, tin tức tiêu cực? Phải chăng chúng ta đã gặp quá nhiều chiêu trò, mánh khóe lừa lọc trong đời thực, trên các trang mạng... để rồi đứng trước những dòng tin người tốt (nhất là có liên quan với hoạt động có yếu tố quảng bá), chúng ta càng không dễ tin?

Mời bạn cùng chia sẻ suy nghĩ, ý kiến và cả những câu chuyện thực tế từng gặp phải về chủ đề này.

Theo Tuổi Trẻ