Sinh viên chế tạo xe điện giá mềm

(CTG) Tận dụng lại lượng xe lăn bị dư thừa do nhiều người không sử dụng, dự án Xe lăn điện của nhóm sinh viên trường ĐH Lạc Hồng (LHU) đã giành giải Nhất tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (Engineering Projects in Community Service - EPICS).

 Dự án Xe lăn điện của sinh viên trường ĐH Lạc Hồng giành giải Nhất tại cuộc thi EPICS

 

Dự án Xe lăn điện của sinh viên trường ĐH Lạc Hồng giành giải Nhất tại cuộc thi EPICS

Tiện lợi

EPICS là cuộc thi uy tín, được tổ chức thường niên bởi Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ĐH bang Arizona (ASU) và chương trình STEM của Công ty DOW Việt Nam tổ chức. Năm 2021, EPICS thu hút sự tham gia tranh tài của 180 sinh viên đến từ 6 trường đại học khối kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam.

Tại vòng chung kết có 35 dự án của sinh viên đến từ 6 trường: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), ĐH Lạc Hồng, ĐH Cần Thơ, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) trưng bày tại hội trường. Sau đó ban tổ chức chọn ra 6 dự án lên thuyết trình.

Kết quả, trường ĐH Lạc Hồng đã giành ngôi vị quán quân với dự án Xe lăn điện (Electrical wheelchair). Giải Nhì thuộc về ĐH Bách khoa Đà Nẵng với dự án Áo khoác an toàn (Safety coat); Giải Ba thuộc về dự án Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh (Smart Greenhouse Dryer) của sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM.

Trình bày về dự án Xe lăn điện (Electrical wheelchair) đoạt giải Nhất cuộc thi, sinh viên Đinh Tuấn Anh chia sẻ, hiện nay, các dòng sản phẩm xe lăn điện không còn xa lạ trên thị trường. Với những người khuyết tật, người già cần sử dụng xe lăn thì đây là sản phẩm vô cùng quan trọng, tiện lợi. Khi sở hữu một chiếc xe lăn điện, người dùng có thể tự mình di chuyển mà không cần đến sự trợ giúp của người thân. Việc di chuyển bằng xe lăn điện cũng giúp người dùng tránh được các bệnh lý về tay, vai… so với dùng xe lăn bằng tay.

Tuy vậy, không phải ai cũng có cơ hội mua được xe lăn điện bởi dòng sản phẩm này có giá thành khá cao. Những người khuyết tật thuộc diện khó khăn lại càng không thể tiếp cận “đôi chân thứ 2” này. Làm thế nào để sản xuất được những chiếc xe lăn điện có giá thành thấp và tận dụng được nguồn xe lăn truyền thống bị dư thừa nhằm hỗ trợ cho cộng đồng? Đó là câu hỏi mà nhóm sinh viên ngành Tự động hóa Trường đại học Lạc Hồng đặt ra.

Chi phí rẻ

Sinh viên Bùi Thị Diễm, thành viên nhóm dự án cho biết: “Hiện tại, chi phí mua 1 chiếc xe lăn điện trên thị trường khá cao. Những người có túi tiền eo hẹp sẽ khó tiếp cận được sản phẩm này. Trong trường hợp họ mua được xe lăn điện thì chiếc xe lăn bằng tay sẽ bị “gác xó”, như vậy rất lãng phí. Vì vậy, nhóm muốn biến những xe lăn dư thừa này thành các xe lăn điện giá rẻ, có chức năng tương đương với các dòng xe lăn điện trên thị trường để những người khó khăn cũng có thể mua được xe lăn điện”.

Theo đó, với chiếc xe lăn có sẵn, nhóm thiết kế thêm 2 động cơ và các cơ cấu lấy tín hiệu từ phía trên tay cầm điều khiển xuống bộ xử lý để điều khiển động cơ theo ý muốn của người sử dụng. Bộ điều khiển có 2 chế độ: sử dụng cần điều khiển (Joystick), điều khiển bằng cử chỉ nghiêng của đầu.

Năng lượng của xe được lấy từ 1 bình ắc-quy đặt ở dưới chỗ ngồi. Ngoài ra, nhóm còn gắn thêm 1 tấm pin năng lượng mặt trời vừa dùng để tích năng lượng giúp xe di chuyển được xa hơn, đồng thời làm mái che cho người dùng.

Theo tính toán của nhóm, giá thành khởi điểm của chiếc xe lăn điện này ở mức từ 3,5-5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với các dòng xe lăn hiện có trên thị trường. Ngoài đáp ứng yêu cầu sử dụng cho người già, người khuyết tật, dòng xe lăn điện này cũng phù hợp sử dụng trong các bệnh viện nhằm trợ sức cho các điều dưỡng, hộ lý khi phải đẩy bệnh nhân hằng ngày.

Trở về từ cuộc thi EPICS, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của các giảng viên ngành Quản trị kinh doanh nhằm thương mại hóa sản phẩm. Hiện tại, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm để tham gia cuộc thi MEP, đồng thời chuẩn bị cho việc khởi nghiệp. Các sinh viên này sẽ cải tiến xe lăn theo dạng module nhằm giúp người mua dễ dàng sử dụng, tháo lắp.

“Nếu ở nhà bạn đã có một xe lăn tay thì bạn chỉ cần mua module động cơ về và lắp ráp theo hướng dẫn. Chỉ sau 20-30 phút vặn ốc vít là bạn có thể biến chiếc xe lăn tay thành xe lăn điện, thay vì phải bỏ tiền để mua một chiếc xe lăn điện mới và vứt xó chiếc xe lăn cũ” - Vương Thị Mỹ Hân, thành viên nhóm cho hay.

Trường ĐH Lạc Hồng là đại học định hướng ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam, tự hào với tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm và hệ thống liên kết 800 doanh nghiệp lớn nhỏ trong khu vực. Trường Đại học Lạc Hồng có lộ trình học quốc tế phù hợp cho sinh viên cả trong và ngoài nước. Trường cũng tập trung tiếp nhận và đào tạo các du học sinh về Việt Nam học tập.