Sinh viên lần đầu xa nhà: 18 tuổi, xách ba lô lên, đi thật xa để thấy… tuyết

(CTG) Đối với bất kỳ ai đang sống tại xứ nhiệt đới, cả trẻ con, người lớn, trong hình dung của mình, tuyết là gì đó kỳ diệu. Vì thế năm 18 tuổi, với tất cả háo hức, tôi xách ba lô lên và đi du học tại Nga để có cơ hội được nhìn thấy tuyết.

Tôi đã có những kỷ niệm thật tuyệt bên bạn bè và tuyết - Trung Nghĩa Võ

Mỗi người có một mục đích du học khác nhau. Người đi du học để trải nghiệm môi trường học tập mới, người đi du học vì ngưỡng mộ nền văn hóa của đất nước đó. Đến lượt tôi, khi bất kỳ ai hỏi mục đích du học của tôi là gì, tôi đều nói rằng “Em muốn được thấy tuyết” và mọi người ai cũng cho rằng tôi bị dở hơi. Mục đích đó đối với nhiều người thật tẻ nhạt, vô vị, và không “to tát”, không vĩ đại gì hết.

Ngày tiễn tôi đi du học Nga, cả nhà khóc quá chừng. Ai cũng cho rằng một đứa trẻ vốn ở nhà được chiều chuộng, không biết làm việc gì, thì chắc hẳn sang một đất nước có khí hậu khắc nghiệt như nước Nga sẽ vất vả lắm để sống.

Đặt chân đến nước Nga vào đầu tháng 11, tôi rùng mình khi đón nhận những cơn gió lạnh nhất từ bé tới giờ mới thấy, thổi vào người. Tôi đã đặt chân đến đây, đất nước của những cây bạch dương, đất nước lạnh lẽo mà nghe đồn cả mùa đông sẽ chỉ chìm ngập trong tuyết trắng.

Những ngày chờ đợi tuyết đầu mùa là những ngày dài đằng đẵng. Bạn biết đấy, khi bạn quá trông chờ một điều gì thì thời gian lúc nào cũng trôi thật chậm. Mùa đông tại Nga và mùa đông tại Việt Nam quá đỗi khác nhau. Nếu như ở Việt Nam, mùa đông là mùa sum vầy, là mùa mà cả gia đình lúc nào cũng chỉ thích ở sát bên nhau cho ấm, thì mùa đông nước Nga lạnh lẽo, thiếu sức sống.

Tác giả và tuyết ở nước Nga

Trời lúc nào cũng âm u, con người thì rầu rĩ, cây cối đã rụng hết lá. Nhìn vậy thôi đã đủ lạnh chứ cũng chả cần bước chân ra khỏi đường. Bỗng dưng tôi lại thèm cái không khí sum vầy của mùa đông Hà Nội. Tôi nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, nhớ những buổi tan trường cùng nhau đi ăn những bát cháo quẩy nóng thật thơm ngon. Tự dưng những hình ảnh thân quen ùa về làm tôi rớt nước mắt. Tôi thấy ao ước được nhìn thấy tuyết của tôi thật ngớ ngẩn, tôi muốn về nhà ngay, chỉ để ăn một bát canh bí nóng hổi mà mẹ làm.

Nhiều người bảo với tôi rằng, cứ đi xa là nhớ nhất đồ ăn Việt. Đúng vậy, đi rồi mới biết ẩm thực Việt Nam tinh túy nhất, là ngon miệng mình nhất, hợp khẩu vị mình nhất. Và cái nỗi nhớ “đồ ăn” đấy càng phát huy nơi khí hậu lạnh giá. Có những lúc tôi thèm đồ ăn đến mức phải cố lặn lội 10 km để ra đến nơi bán đồ ăn Việt Nam rồi về tự làm. Và đương nhiên, người mà ở nhà chả phải làm gì như tôi đã nấu ra những món ăn không hề ngon chút nào. Thế mà lúc ấy cho vào miệng đồ gì cũng ngon. Cảm giác hạnh phúc vì ít nhất mình cũng đã được tận hưởng một chút hương vị quê hương.

Tôi đang ở Nga ngắm nhìn tuyết, bạn ở nơi nào đó, chắc cũng như vậy chứ? - Trung Nghĩa Võ

Trong khi tôi luẩn quẩn suy nghĩ, tuyết bắt đầu rơi. Tuyết rơi như an ủi tôi vậy. Tôi chạy ào ra khỏi sân để được chạm vào tuyết. Tuyết đầu mùa rơi chầm chậm, tan ngay khi tiếp xúc với da thịt. Tôi ngẩng đầu lên trời và mỉm cười hạnh phúc, và khi tôi quay ra, cũng thấy rất nhiều du học sinh từ các nước nhiệt đới khác cũng đang mỉm cười giống tôi. Ai cũng hạnh phúc, ai cũng mãn nguyện. Hóa ra cảnh tượng tuyết rơi ngoài đời thực lại đẹp và cuốn hút đến vậy.

Đến tận bây giờ, năm du học cuối cùng, cảm giác của tôi mỗi lần nhìn thấy tuyết rơi cũng y hệt như lần đầu tiên. Đó vẫn là điều an ủi tôi mỗi khi nhớ về gia đình. Du học sinh nào cũng vậy, cũng sẽ có lúc cảm thấy cô đơn, thậm chí là cô độc khi ở nơi đất khách quê người. Tôi vẫn hy vọng rằng bạn sẽ giống tôi, tìm lấy một lí do để bản thân được cảm thấy hạnh phúc ở nơi đất khách. Và tôi cũng tin chắc rằng, du học sinh nào cũng sẽ xiêu lòng trước cảnh tượng tuyết rơi.
Tôi đang ở Nga ngắm nhìn tuyết, bạn ở nơi nào đó, chắc cũng như vậy chứ?

Theo TN