Những người trẻ yêu khoa học - công nghệ
Là bạn học từ THCS, Phan Nguyễn Quốc Hùng, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Ngọc Minh, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có chung đam mê khoa học - công nghệ.
Đến năm thứ 2 ĐH, Ngọc Minh lập nhóm nghiên cứu về máy in 3D với các sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và tạo nên máy in 3D Delta Concept X (DCX). DCX được mang đi tham gia cuộc thi “Bach Khoa Innovation 2022” và đạt được giải khuyến khích. Trong quá trình tham gia vòng cuối cùng của cuộc thi này, Quốc Hùng đã giúp đỡ nhóm Ngọc Minh tìm hiểu về ứng dụng in 3D trong y khoa nhằm củng cố tính ứng dụng thực tiễn của sản phẩm.
Những mô hình, mẫu vật về giải phẫu người do máy in 3D tạo ra giúp giảm chi phí so với mua sản phẩm từ nước ngoài. |
Trong quá trình tìm hiểu, cả hai cảm thấy bất ngờ và hứng thú với ứng dụng rộng rãi của công nghệ in 3D trong y khoa. Cùng lúc ấy Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng tổ chức cuộc thi “PNT’s Idea - ý tưởng sáng tạo trẻ” dành cho sinh viên trong và ngoài trường. Quốc Hùng và Ngọc Minh quyết định tiếp tục nghiên cứu ứng dụng máy in 3D DCX trong y khoa để tham gia cuộc thi và cũng nhằm phát triển DCX theo một hướng đi mới. DCX được nghiên cứu cải tiến về phần cứng, phần mềm nhờ Ngọc Minh và các cộng sự còn ý tưởng ứng dụng DCX trong y khoa phần lớn là từ Quốc Hùng.
Sáng tạo từ những nền tảng đã có
Nhóm Ngọc Minh cũng phát triển máy dựa trên cách thức trên và thiết kế lại máy in 3D, giảm số bước cần thực hiện, cho phép điều khiển và giám sát qua bất cứ thiết bị nào kết nối internet như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop. Giúp giảm thời gian mà người vận hành máy cần phải làm, như vậy sẽ giúp máy in 3D dễ tiếp cận hơn rất nhiều.
Phan Nguyễn Quốc Hùng (phải) và Nguyễn Ngọc Minh cùng sản phẩm máy in 3D giúp tạo ra mô hình, mẫu vật về giải phẫu phục vụ y khoa. NGUYỄN ĐIỀN |
“Máy in 3D nhóm nghiên cứu cải thiện về cách thức và quy trình vận hành, bảo trì máy tiện lợi và ít chi phí. Máy in DCX của nhóm có chức năng kết nối internet, giúp cho đội ngũ hỗ trợ có thể trợ giúp từ xa, cài đặt các thông số để máy in tùy biến theo mô hình cần in”, Ngọc Minh chia sẻ.
Quốc Hùng cho biết việc cải tiến máy in là để tạo ra các mô hình học tập với giá phù hợp cho các ngành đào tạo y khoa. Thông thường một mô hình giải phẫu phải mua từ nước ngoài với giá cả khá đắt đỏ.
Giải pháp có tính thực tiễn cao
Th.S-BS Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, giảng viên bộ môn giải phẫu, nhận xét đề tài nghiên cứu sử dụng máy in 3D DCX sản xuất mô hình giải phẫu cơ thể người do sinh viên Phan Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Minh đã thể hiện xuất sắc tinh thần đổi mới sáng tạo, ham học hỏi và nhất là tận dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ cùng sự kết nối, phối hợp liên ngành để hoàn thiện một sản phẩm, là giải pháp phục vụ cho việc học tập của sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe.
Theo bác sĩ Đạt sử dụng máy in 3D DCX để tạo ra các mô hình, mẫu vật về giải phẫu người với giá thành phù hợp ở quy mô công nghiệp, thật sự là một giải pháp hứa hẹn, có tính thực tiễn cao và dễ dàng đưa vào triển khai. Không chỉ đối với nhu cầu học tập môn giải phẫu của tất cả sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe, mà còn dành cho tất cả những ai cần tìm hiểu, nghiên cứu về cơ thể người.
“Chúng tôi tin rằng, với giải nhất tại Hội thi Ý tưởng sáng tạo trẻ PNT’s Idea 2022, các sinh viên sẽ được tạo thêm động lực để tiếp tục mở rộng, phát triển đề tài, tiến tới việc hoàn thiện giải pháp sản xuất các mô hình có độ chính xác cao so với những chi tiết trên người bệnh cần can thiệp phẫu thuật (thông qua sự hỗ trợ của phần mềm dựng hình 3D từ kết quả CT-Scan, MRI). Giúp các bác sĩ điều trị có thể mô phỏng ca phẫu thuật của mình, tìm tòi và lựa chọn phương pháp phẫu thuật tốt nhất, hạn chế được tối đa những bất lợi cho người bệnh”, bác sĩ Hà Thanh Đạt nhận định.
Theo TN